Jose Mourinho: Suy nghĩ ngắn hạn đừng mong thành công dài hạn
Những kế hoạch ngắn hạn
Đừng coi Mourinho là mẫu HLV chỉ biết “dùng tiền mua danh hiệu”. Thực ra, ông rất giỏi nhìn người, giỏi các phương pháp tâm lý nhằm khơi dậy tối đa tiềm năng cầu thủ. Điều đó từng làm nên biệt danh “Người đặc biệt” ở Porto và Inter Milan. Ai đủ sức giúp Porto giành 2 cúp châu Âu trong 2 mùa bóng liên tiếp, trong đó có danh hiệu Champions League năm 2004? Không một ai, ngoại trừ Mourinho.
Nhưng vấn đề của Mourinho là ông chưa bao giờ giỏi đào tạo trẻ. Chiến lược gia người Bồ có thể xuất sắc trong việc biến những cầu thủ tầm tầm như Ricardo Carvalho, Deco hay Maniche thành ngôi sao, nhưng ông không thể nhìn ra tiềm năng của Kevin De Bruyne hay phần nào là Romelu Lukaku. Ngay cả ở Porto, ông cũng từng đưa ra sân một đội hình xuất phát có độ tuổi trung bình lên tới 27,7 ở trận chung kết Champions League 2004 với AS Monaco.
Sang Chelsea, tới Real rồi trở lại “bến bờ hạnh phúc” Chelsea, ông muốn xây dựng những đế chế lâu dài, muốn đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn vào lứa trẻ thì lại không được phép. Không phải Mourinho không có tầm nhìn, không phải không có nhã ý muốn đào tạo Ruben Loftus-Cheek, Nathaniel Chalobah hay Dominic Solanke nên người, có điều áp lực từ những đồng rúp của ông chủ Roman Abramovich không chờ đợi Mourinho.
Mourinho rất kì vọng ở Loftus-Cheek nhưng không có đủ thời gian
Mourinho viết nên danh tiếng của mình bằng một kiểu chiến thắng ngắn hạn ở Porto, được Chelsea đưa về Stamford Bridge và lập tức có được những thành công ngắn hạn. Từ đó, cái tên của ông gắn liền với những kế hoạch ngắn hạn của các “đại gia” đang khát danh hiệu, như Real, như Chelsea. Lần trở lại Tây London cách đây 2 năm, ông có tâm sự rằng muốn được gắn bó lâu dài, muốn đào tạo trẻ, nhưng rồi cũng chẳng thực hiện được vì áp lực thành tích quá nặng nề.
Giờ thì chính cái sự “ngắn hạn” ấy đang quay lại phản Mourinho, giống như ông từng phải hứng chịu các năm 2007 (bị Chelsea sa thải) và 2012 (bị Real sa thải). Chưa đầy nửa năm sau 2 chức vô địch Cúp Liên đoàn và Premier League, ông đang bị cả CĐV lẫn BLĐ Chelsea chĩa mũi dùi trách nhiệm. Tương lai lâu dài ông kỳ vọng ở Stamford Bridge có thể sẽ chấm dứt đúng ở mùa giải thứ ba, mùa giải đã trở thành cái “dớp” thất bại với một HLV luôn phải chạy theo những thành tích ngắn hạn.
Thay tướng, Chelsea có đổi vận?
Nếu Mourinho bị sa thải, BLĐ Chelsea kì vọng điều gì? Có lẽ là một danh hiệu, điều mà Mourinho không làm được, bởi nếu không họ đã chẳng sa thải ông. Nghe thì có vẻ xa vời, nhưng lịch sử chứng minh The Blues vốn rất có duyên với những lần… trảm tướng giữa dòng.
Mourinho nên lo lắng trước cái duyên thay tướng của Chelsea
Chẳng nói đâu xa, chính người thay thế Mourinho ở lần đầu ông bị Chelsea sa thải năm 2007, Avram Grant đã từng đưa The Blues tới hat-trick… về nhì ở các giải đấu Premier League, Cúp Liên đoàn và cả Champions League. Hai năm sau, Guus Hiddink được Abramovich mời về đảm đương vị trí HLV tạm quyền thay Carlo Ancelotti bị sa thải, và đội bóng thủ đô lập tức có danh hiệu FA Cup.
Tháng 3 năm 2012, tới lượt Andre Villas-Boas bị Chelsea sa thải, và trợ lý Roberto Di Matteo được bổ nhiệm làm HLV tạm quyền. Ấy thế mà nhà cầm quân người Italia đã làm nên lịch sử, với cú đúp danh hiệu FA Cup và Champions League cho đội bóng áo xanh thành London. Di Matteo được tưởng thưởng bằng bản hợp đồng 2 năm cùng danh phận HLV chính thức.
Nhưng cũng chỉ vài tháng sau đó, Di Matteo đã sa sút không phanh cùng Chelsea và phải nhường chỗ cho Rafael Benitez. Trong vai trò một HLV tạm quyền, Rafa giúp cho The Blues xuất sắc giành Europa League cuối mùa 2012/13.