Nên nhớ, thực tế Premier League đã không còn là của người Anh từ lâu rồi bởi các tỷ phú nước ngoài rất thích đầu tư vào các đội bóng của xứ Sương mù. Khi có quyền kiểm soát của CLB, nguồn tài chính dồi dào của các tỷ phú này giúp các đội bóng Anh có tiền để mang về những siêu sao, các đại diện Premier League trở thành thỏi nam châm thu hút các cầu thủ hàng đầu thế giới. Chelsea là một ví dụ. Trước thời Abramovich, The Blues không phải điểm đến hấp dẫn. Nhưng khi tỷ phú người Nga đến, Stamford Bridge trở thành “hố đen” ở châu Âu. Đã có thời, những ông chủ các CLB chỉ mong Chelsea đến gõ cửa nhà mình để bán cầu thủ với giá hời nhất.
Thu hút được những ngôi sao hàng đầu thế giới, dĩ nhiên Premier League sẽ hấp dẫn hơn. Kể cả người Anh làm truyền thông giỏi đến mấy, báo chí Anh tích cực “thổi” các đội bóng địa phương nhiều đến mấy, thì chắc chắn Premier League cũng không thể hấp dẫn như bây giờ nếu không có các siêu sao như David Silva, Yaya Toure, Aguero (Man City), Mata, Hazard (Chelsea)… Tóm lại, chính các ngôi sao giúp Premier League nhiều sức hút hơn, đáng quan tâm hơn và hấp dẫn hơn.
Tiếp theo, sự góp mặt của các ngôi sao cũng góp phần nâng tầm đẳng cấp của các đội bóng Anh, từ đó họ đủ sức cạnh tranh ngang ngửa ở cúp châu Âu với các nền bóng đá hùng mạnh khác như TBN, Italia. Khi các đội bóng Anh thành công ở cúp châu Âu hơn, dĩ nhiên Premier League cũng được thơm lây. Hãy thử nhìn sang Serie A. Từ chỗ sân chơi số 1 châu Âu hồi thập niên 1990, một giai đoạn dài thiếu sự đầu tư của các ông chủ đã khiến Serie A không thu hút được ngôi sao. Thiếu ngôi sao quốc tế, sức mạnh các CLB sút giảm, giờ thì Serie A không còn nhiều sức hút với NHM.
Tóm lại, việc bán mình cho các tỷ phú nước ngoài không chỉ có mặt tiêu cực, mà sự tích cực mang lại cũng rất nhiều. Và khi đó, người Anh đã mặc định hy sinh ĐTQG để tạo ra một giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.