MU chỉ đứng sau Barca
Vào Hè 2014, MU thực hiện công cuộc “thay da đổi thịt” quy mô lớn khi đồng loạt đưa về Old Trafford những bản hợp đồng bom tấn như Di Maria hay Falcao (mượn từ Monaco). Tất nhiên, đứng đằng sau sự thay đổi chóng mặt trong cách chi tiêu của MU trên TTCN chính là Van Gaal. Ông chính là người vạch ra những khoản chi tiêu lớn bổ sung nhân sự trước thềm Premier League khởi tranh.
Tuy nhiên, sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích vì thành thích kém cỏi hồi đầu mùa, Van Gaal đã thừa nhận cần thêm thời gian để gắn kết các ngôi sao mới. Đặc biệt, HLV người Hà Lan hứa hẹn sẽ trao nhiều cơ hội hơn cho những cầu thủ “cây nhà lá vườn” của MU mùa này.
Thực vậy, kể từ đầu mùa, Van Gaal đã cho trình làng 8 cầu thủ trưởng thành từ Học viện CLB.
Van Gaal sử dụng xen kẽ nhiều cầu thủ trẻ kể từ đầu mùa
Tyler Blackett và Jesse Lingard lần đầu tiên xuất hiện trong trận MU thua Swansea 1-2 tại vòng 1 Premier League. Tiếp đó, bộ ba Saidy Janko, Reece James và Andreas Pereira chơi tại Cúp Liên Đoàn (thua MK Dons 0-4). Paddy McNair và Tom Thorpe góp mặt trong chiến thắng nhọc nhằn 2-1 trước West Ham hôm 27/09. Cuối cùng là James Wilson ra sân từ ghế dự bị trong các trận gặp Everton, Chelsea.
Theo thống kê từ báo chí Anh, MU hiện chỉ đứng sau Barca về số lượng đào tạo cầu thủ trẻ (đang chơi trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu bao gồm La Liga, Premier League, Bundesliga, Serie A và Ligue 1) với 36 thành viên. Đứng sau là Real Madrid (34), Lyon (33) và PSG (27).
Mặt trái của đồng tiền
Man City từ lâu được biết đến với khả năng chi tiêu và hầu bao rộng rãi. Họ thường mở màn cho những cuộc chạy đua mua sắm rầm rộ mỗi kỳ chuyển nhượng.
Kể từ khi các ông chủ của tập đoàn Abu Dhabi United Group mua lại đội chủ sân Etihad từ tay Thaksin vào năm 2008 tới nay, Man City không tự đào tạo được bất kỳ cầu thủ trẻ nào cho đội hình 1.
Họ cũng chính là đội bóng xếp cuối cùng trong top 51 đội bóng cung cấp nhiều cầu thủ tự đào tạo nhất với chỉ vỏn vẹn 1 “gà nhà” còn góp mặt trong đội hình hiện tại (trung vệ Dedryck Boyata).
Giám đốc Patrick Vieira trên sân tập cùng các cầu thủ trẻ
Đó là tình trạng đáng báo động đối với đội bóng này. Những cầu thủ trẻ ở các CLB khác chủ yếu được Man City mua về, chứ không phải do chính họ đào tạo. Ví như Karrim Rekik hay Bruno Zuculini, trải qua nhiều năm tháng vật lộn ở những môi trường khác nhau (Hà Lan đến Argentina), cuối cùng họ được Man City mua về khi đã bước sang độ tuổi từ 19 trở lên.
Micah Richards là một minh chứng cụ thể phản ánh độ nghèo nàn trong việc đào tạo cầu thủ ở Man City. Lớn lên từ hệ thống tuyển lựa tài năng trẻ, nhưng hậu vệ người Anh chưa bao giờ được coi là trụ cột tại sân Etihad.
Sau nhiều năm tháng mòn mỏi trên băng ghế dự bị, Richards quyết định gia nhập Fiorentina vào Hè 2014 bằng bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm.
Hiện tại, công cuộc gây dựng lại lò đào tạo trẻ đang được Man City để tâm hơn nhưng mọi thứ vẫn diễn ra khá chậm chạp dưới bàn tay của Giám đốc hệ thống đào tạo trẻ Patrick Vieira. Rõ ràng để “hái quả ngọt” giống như MU từng thành công với thế hệ 1992, Man City sẽ còn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực nữa.
MU đào tạo trẻ hay nhất Premier League Vung 125 triệu bảng mua sắm vào Hè 2014, song MU vẫn sở hữu 12 cầu thủ theo đúng chuẩn luật “home-grown” mà giải đấu cao nhất xử sở Sương mù đặt ra. Con số này thậm chí nhiều nhất trong nhóm đại gia Premier League. Đứng tiếp theo là Liverpool (9), Man City (8), Arsenal (8) và Chelsea (3). |