140 năm trước, năm 1872, trận chung kết Cúp FA lần đầu tiên được tổ chức trên sân Kennington Oval giữa Wanderers với Royal Engineers. Một CLB mặc áo sọc đỏ-vàng-đen (Wanderers) và một CLB mặc áo sọc xanh-vàng. Trận chung kết ấy đã khởi nguồn cho một giải đấu cảm hứng nhất, có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới.
Bây giờ, sau gần một thế kỷ rưỡi được tổ chức thường niên, trận chung kết FA Cup không còn diễn ra ở sân Kennington Oval nữa (được dành cho bóng bầu dục) nhưng tinh thần “giant-killers” (những kẻ tiêu diệt người khổng lồ) vẫn còn nguyên vẹn. Song, không phải lúc nào trận chung kết cũng dành cho những đội bóng tí hon như Wanderers. Mùa giải này, nó thuộc về Chelsea và Liverpool, hai đội bóng được liệt vào hàng khổng lồ đương đại của Premier League.
Thật kỳ lạ là việc có mặt ở chung kết FA Cup của Chelsea và Liverpool dường như có liên hệ với nhau. Mùa giải 1913/14, Liverpool có mặt lần đầu ở chung kết FA Cup và thất bại để rồi ngay mùa sau đó, Chelsea cũng tiến đến chung kết để nhận kết cục như The Kop. Liverpool phải đợi đến thập niên 60 mới có được chiếc Cúp FA đầu tiên (mùa 1964/65) và Chelsea cũng nối gót Liverpool trong thập niên đó cho lần đầu của mình (mùa 1969/70).
Vậy mà cái duyên liên hệ đó, thật lạ, lại không dẫn Chelsea cùng Liverpool đến với nhau ở trận chung kết dù họ là hai đội bóng lớn, đặc biệt là rất mạnh ở đấu cúp trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, hai đội đã phải chờ đợi cả một quãng thời gian rất dài, 107 năm, kể từ năm Chelsea ra đời, để được đụng độ nhau ở đây, giữa Wembley, trong một cuộc chơi mà người chiến thắng sẽ được tất cả còn kẻ thất bại sẽ phải đứng chôn chân nhìn theo tiếc nuối.
Cú gõ cửa chạm mặt nhau lần này mang đậm âm hưởng của chiến thắng tưng bừng mà Chelsea giành được trước Tottenham bất chấp HLV Harry Redknapp than phiền rằng “trọng tài đã có một quyết định thảm hoạ”. Dấu ấn ấy cho thấy sự hồi sinh thực sự của Chelsea dưới tay HLV Di Matteo và nó là lời cảnh báo trực tiếp đến Barca cho trận bán kết lượt đi Champions League. Barca có lẽ không nên xem nhẹ Chelsea và những gì The Blues đã làm được lúc này. Và có lẽ, như một phản ứng tâm lý dây chuyền, vé chung kết FA Cup sẽ là động lực rất lớn cho Chelsea trong lần đón tiếp ĐKVĐ Champions League đêm thứ Tư này.
Liverpool đã có 7 chức vô địch FA Cup còn Chelsea mới chỉ có 6. Di Matteo sẽ cân bằng nó ở Wembley chăng? Chưa biết, chỉ biết năm 1872, đội bóng mang màu áo đỏ, Wanderers đã thắng. Và lần đầu tiên ấy, trong đội hình cả hai bên chỉ có 3 cầu thủ không phải người Anh (1 người Ireland và 2 người Scotland). Bây giờ, đội hình của Liverpool và Chelsea trong trận chung kết FA Cup đầu tiên giữa họ số lượng người Anh chỉ còn là thiểu số bởi hiệu ứng của toàn cầu hóa và có chăng sự thay đổi trong sắc màu chiến thắng? Cũng chưa biết được. Điều chúng ta biết hôm nay chỉ là lần đầu tiên cảm xúc giữa họ. Mà lần đầu tiên lúc nào chẳng đáng nhớ, nhất là sau hơn một thế kỷ dài đợi chờ…
CON SỐ
4. Chỉ trong vòng 6 năm vừa qua, Chelsea lọt vào tới 4 trận chung kết FA Cup. Ở 3 lần trước, Chelsea đều giành chiến thắng vào các năm 2010, 2009 và 2007.
5. Kể từ sau thất bại 1-6 trước Newcastle ở vòng 1 mùa 1999/2000, Tottenham mới lại phải chịu thua 5 bàn trong một trận đấu tại FA Cup. Trong khi đó, đây là lần thứ 2, Chelsea ghi được 5 bàn vào lưới đối thủ tại bán kết giải đấu lâu đời nhất Anh kể từ mùa 1969/70. Ở mùa 1999/2000, The Blues cùng từng nã vào lưới Gillingham tới 5 bàn tại tứ kết.
7. Chelsea nói chung và Drogba nói riêng rất thích sân Wembley khi chân sút người Bờ Biển Ngà là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất tại đây với 7 pha lập công ở tất cả các trận đấu. Lần gần nhất Drogba ghi bàn tại Wembley chính là bàn thắng duy nhất giúp CLB thành London hạ gục Portsmouth trong trận chung kết FA Cup 2009/10.
14. Đây là lần thứ 14, Liverpool lọt vào chung kết giải đấu này và từng thắng 7, thua 6.
Bongdaplus.vn