Chelsea: Kỷ nguyên mới của đế chế Abramovich
CHELSEA THAY ĐỔI KHI ABRAMOVICH THAY ĐỔI
Đâu là khác biệt lớn nhất, quan trọng nhất - một và chỉ một - dẫn đến hình ảnh Chelsea hiện nay? HLV Jose Mourinho suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Không dễ trả lời. Theo tôi, điều quan trọng nhất là Roman Abramovich đã thay đổi cái cách mà ông sở hữu Chelsea”.
Giờ này năm ngoái, có thể HLV Jose Mourinho và GĐĐH vừa được ông chủ Roman Abramovich triệu tập để bàn xem cầu thủ nào sẽ đi hoặc cầu thủ nào sẽ đến Chelsea. Đội bóng cần được điều chỉnh chỗ nào? Cần đổ thêm tiền vào đâu? Bây giờ, cách làm việc của giới “chóp bu” tại Stamford Bridge khác hẳn.
Mourinho chỉ làm việc với GĐĐH và một BĐH mà trong đó không có Abramovich. Bây giờ, Mourinho sẽ đánh giá, báo cáo, xem xét mọi chuyện liên quan đến danh sách đội bóng. GĐĐH điều khiển các vấn đề thuộc về cấu trúc CLB và lĩnh vực kinh doanh. Khi cần biểu quyết thì ban điều hành - gồm cả Mourinho - sẽ bỏ phiếu.
Khi ông chủ Abramovich chấp nhận “không nhúng tay vào chuyên môn” mà để điều đó cho các phó tướng như Mourinho (giữa) hay Chủ tịch BĐH Bruce Buck (trái) thực thi, Chelsea đã biến đổi mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ thay M.U trường trị Premier League
Vậy, ông chủ Abramovich ở đâu, làm gì? Nếu không có cuộc hẹn nào, cũng không phải vắt óc suy nghĩ về những diễn biến tiếp theo trong nền kinh tế Nga, Abramovich thường thư giãn bằng thú xem bóng đá trong căn nhà có 12 chiếc TV, phát hình 12 trận đấu khác nhau, ở 12 căn phòng khác nhau tại Belgravia (London).
Kiến thức bóng đá của Abramovich giờ đã được tích lũy đến một mức độ mà giới thạo tin cho là “đáng nể”. Ông rất am tường Premier League và bóng đá châu Âu, đồng thời luôn có khát vọng được thấy Chelsea xưng hùng ở những trận địa ấy. Nhưng, biết là một chuyện. Abramovich chỉ chờ nghe những kế sách mà Kenyon báo cáo lại sau những cuộc họp với Mourinho và ban điều hành. Chỗ nào ông gật đầu, cứ thế mà làm. Chỗ nào chưa thông, các “tướng” sẽ lại bàn tiếp.
Với những việc quan trọng, đôi khi cần có cả người đại diện của GĐĐH tham gia vào việc diễn giải với Abramovich. Tóm lại, Abramovich không hề tham gia bàn bạc, càng không bao giờ quyết định đến chi tiết của công việc, như trước nữa.
LỢI THẾ ÔNG CHỦ DUY NHẤT
Abramovich khác hẳn những “ông chủ” khác trong bóng đá đỉnh cao ở chỗ, ông sở hữu 100% Chelsea. Vậy nên, ông có quyền làm chủ Chelsea theo bất cứ cách nào ông muốn. Và đấy chính là cơ sở dẫn đến sự đổi mới toàn diện ở Chelsea như hiện nay.
Ở đội này hoặc đội khác, người ta còn phải bận tâm tìm hiểu xem có bao nhiêu ông chủ, ai giữ cổ phần lớn nhất. Thế rồi, lại phải tìm hiểu hệ lụy: giữ bao nhiêu cổ phần thì được quyết định điều gì? Chúng ta thường thấy rất nhiều ông chủ tuy chỉ là dân “ngoại đạo” nhưng cứ thích “làm chuyên môn”, đôi khi đến mức độ như thể đấy mới là HLV đích thực.
Đành rằng cũng có những người tham quyền hoặc thích tỏ ra am hiểu, nhưng phần lớn lại là tình trạng “của đau con sót”. Giả sử bạn giữ cổ phần lớn nhất nhưng không tích cực xen vào công việc chuyên môn của đội bóng, thì liệu có yên tâm để công việc ấy vào tay các nhân vật đồng sở hữu, vốn cũng chẳng phải là người chuyên nghiệp, lại hùn tiền ít hơn? Bạn có băn khoăn rằng những chủ sở hữu khác sẽ lèo lái công việc theo lợi ích riêng của họ, hoặc nhẹ hơn thì họ sẽ làm hỏng đội bóng mà bạn chính là ông chủ lớn nhất?
Chelsea thì khác. Dù là Mourinho, GĐĐH, hay chủ tịch BĐH Bruce Buck, tất cả đều chỉ là người “làm công ăn lương”. Họ đều lọc lõi trong lĩnh vực riêng của mình, nên Abramovich yên tâm không nhúng tay vào việc của họ. Abramovich có quyền rung đùi ngồi xem tài sản của mình được các nhà chuyên môn đích thực vận hành một cách tốt nhất trên lý thuyết.
Thoạt nghe có vẻ đơn giản. Kỳ thực, cũng phải qua bao thăng trầm, rút được bao nhiêu kinh nghiệm, Abramovich mới tìm ra được phương cách làm chủ Chelsea hợp lý như hiện nay. Từng có lúc, vấn đề của các sếp ở Chelsea chỉ là làm sao chứng tỏ: bản thân họ là người gần gũi ông chủ nhất, được ông chủ tham khảo ý kiến nhiều nhất. Mặt khác, mỗi người đều chỉ chăm bẵm vào việc riêng của mình, cốt cho tròn vai.
Avram Grant, Frank Arnesen, Peter Kenyon, Jose Mourinho... toàn những cây đa cây đề. Thuở ấy, Kenyon chỉ cốt làm sao mua được ngôi sao mà Abramovich muốn có. Cứ chi gấp 2-3 lần giá thị trường! Mua về thì HLV sử dụng ra sao, chẳng phải là việc của Kenyon.
Cũng vậy, HLV chỉ đề nghị mua cầu thủ ông ta muốn có, mặc kệ cái trung tâm đào tạo trẻ của Arnesen làm ăn thế nào. Mourinho văng khỏi Chelsea vào năm 2007 vì ông bị “đâm sau lưng” bởi ngôi sao Andriy Shevchenko, và Shevchenko phải liên kết với John Terry hạ Mourinho vì Shevchenko được Abramovich mời đến Stamford Bridge nhưng Mourinho không thích dùng...
Bây giờ, cách điều hành trở nên rõ ràng, khoa học, và điều quan trọng là không ai còn có nhu cầu chứng tỏ quyền lực cá nhân nữa. Bây giờ, Chelsea có một lực lượng cân bằng, mạnh mẽ và đầy triển vọng. Bây giờ, đội bóng kinh doanh có lãi. Khó mà liệt kê cho hết những nét mới hấp dẫn ở đội bóng này. Nhưng tóm lại, tất cả đều đến từ việc Abramovich thay đổi cách sở hữu đội bóng.
Ông chủ mới, HLV mới, đội bóng mới Phải chăng Fabregas tỏa sáng ngay mùa đầu tiên khoác áo Chelsea vì anh hợp với HLV Mourinho? Lạ thay, câu trả lời là “không hề” - ít nhất là theo suy nghĩ ban đầu của Fabregas. Anh chẳng lạ gì Mourinho, từ Premier League sang La Liga. Anh từng ghét Mourinho, càng không nghĩ sẽ có ngày mình trở thành cầu thủ của Mourinho. Nhưng anh nói: “Mourinho nay đã khác xưa rất nhiều. Ban đầu, tôi gia nhập Chelsea vì không bao giờ tôi để cho sự yêu hoặc ghét ảnh hưởng đến các quyết định bóng đá của mình. Nhưng khi đến Chelsea, tôi lập tức thấy ngay mình quyết định đúng. Mourinho chính là nguyên nhân quan trọng giúp tôi đang có được mùa bóng thành công nhất kể từ khi chơi bóng”. Đã hết thời sống nhờ cơm người Cách đây không lâu, Chelsea vừa công bố mức lãi kỷ lục: 18 triệu bảng trong năm tài chính tính đến tháng 6/2014. Chẳng nhiều nhặn gì, nhưng đấy là khác biệt lớn so với tình trạng Chelsea chỉ có lãi một lần trong suốt 10 năm trước đó. Một phần nguyên nhân khiến Chelsea có lãi là bản hợp đồng bán Juan Mata cho M.U. Tiền bán Mata và Kevin De Bruyne giúp Chelsea cân bằng sổ sách khi mua Nemanja Matic và Mohamed Salah. Bây giờ, Chelsea lại đang chờ đón một kết quả tốt đẹp về mặt tài chính trong đợt công bố tiếp theo. Đúng như tuyên bố của HLV Jose Mourinho, Chelsea không mua thêm cầu thủ nào trong “cửa sổ mùa đông” 2015. Ở đợt chuyển nhượng mùa hè 2014, Chelsea bán David Luiz và Romelu Lukaku để có tiền mua Cesc Fabregas và Diego Costa. Những vụ chuyển nhượng nhỏ nhặt thì chẳng đáng bàn. Một mặt, đội bóng của Abramovich thoát khỏi tầm soi của quy định công bằng tài chính mà UEFA ngày càng siết chặt. Mặt khác, chắc chắn Chelsea sẽ được ghi nhận “có lãi” trong vòng 2 năm liên tiếp. Đấy là điều chưa từng thấy trong kỷ nguyên Abramovich. Trước mắt, giới quan sát không cần phải có số liệu để thấy Chelsea được đảm bảo các nguồn thu quan trọng là tiền bán vé, bản quyền truyền hình ở Premier League và tiền chia từ Champions League. Việc kinh doanh sản phẩm mang hình ảnh CLB cũng đang thuận lợi. Khác biệt đáng kể nhất so với trước vẫn là sự cân bằng tài chính trên trận địa chuyển nhượng. Nếu đấy là chuyện “thắt lưng buộc bụng” thì chẳng đáng nói làm gì. Đằng này, Chelsea đâu có suy yếu về mặt chuyên môn! Thành công do Matic, Fabregas hoặc Diego Costa đem lại là quá rõ ràng trong khi những ngôi sao ra đi như Torres, David Luiz, Mata không hề làm cho đội bóng suy yếu. Chủ tịch ban điều hành Bruce Buck bình luận: “Chỉ cần lọt vào giai đoạn knock-out Champions League và duy trì khả năng giành ngôi vô địch Premier League đến những vòng đấu cuối cùng là Chelsea đảm bảo nguồn thu và có khả năng lấy bóng đá nuôi bóng đá. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì một bước tiến song song: ổn định về tài chính trong khi vẫn bảo đảm khả năng tranh chấp trên sân với các đối thủ mạnh”. Xem ra, Chelsea hiện đã hoàn thành mục tiêu ấy. Chủ tịch Buck chỉ nên bình luận xem tình trạng tốt đẹp như hiện nay sẽ kéo dài bao lâu mà thôi! |