“PRAY 4 TORRES”
Trong cái ngày mà đến cả các siêu sao ở tít thành Madrid cũng mặc áo động viên Muamba chóng bình phục, có vẻ như chẳng còn sự kiện nào quan trọng hơn chuyện ngôi sao của Bolton còn thở hay đã tắt. Nhưng ở Stamford Bridge, bất chấp Gary Cahill đã chuẩn bị rất kỹ chiếc áo in dòng chữ “Pray 4 Muamba”, anh vẫn không thể trở thành nhân vật chính trong bữa tiệc bàn thắng mà Chelsea vừa tạo ra. Bởi đen cho Cahill, một ngày sau khi có một ngôi sao ngã xuống trên thảm cỏ FA Cup, từ đây, bỗng lại có một siêu sao khác vùng dậy mạnh mẽ.
Và với hiệu suất 1 bàn/50 cú sút trúng đích, Torres được xếp ở vị trí thứ 47 trong danh sách “Hiệu quả dứt điểm”, tức là chỉ hơn mấy anh… hậu vệ cỡ 5 tháng, 1 năm mới ghi bàn. Trong cùng quãng thời gian Torres vật vã đi tìm bàn thắng, Leo Messi ghi được tới 41 bàn. Buồn cười ở chỗ, người ta còn đang đem hiệu suất ghi bàn của Torres ra so sánh với… thủ môn Tim Horward (Everton). Horward mới tịt ngòi 2 tháng, kể từ sau bàn thắng vào lưới Bolton hôm 5/1 vừa qua. Tất nhiên, đó chỉ là so sánh vui.
KHÓ CÓ KHỞI ĐẦU MỚI
Chua cay mãi cũng nhàm. Torres đã giải khát, và điều quan trọng bây giờ là phân tích xem NHM Chelsea có thể mong đợi gì ở anh trong thời gian tới? Người ta lo ngại cũng có lý do thực tế. 5 tháng trước, chẳng phải Torres cũng đã lập một cú đúp vào lưới Genk, đốt lên vô số niềm tin vào viễn cảnh anh hồi sinh mạnh mẽ.
Nhưng kết quả thì sao. 5 tháng sau anh mới có bàn thắng tiếp theo. Trong quãng thời gian đó, Torres chẳng gặp chấn thương nào, được thi đấu tổng cộng 32 trận, tức là cũng chẳng có chuyện anh bị “đì”. Vậy rõ ràng vấn đề nằm ở chuyên môn là chủ yếu, tâm lý chỉ là phụ thôi.
Nên nhớ một điều: Kể cả khi Torres vừa có trận đấu hay nhất trong màu áo Chelsea, đối thủ thực tế của anh chỉ là mấy hậu vệ gà mờ của Leicester. Những ai theo dõi trực tiếp trận này chắc phải nhớ tình huống Daniel Sturridge cầm bóng đi qua hậu vệ dễ như đá tập, đối mặt thủ môn nhưng lại dứt điểm hỏng. Thách thức dễ như vậy, Torres không ghi bàn mới là vấn đề.
Vậy nên, dù Torres có lập cú đúp cũng chỉ mang đôi chút ý nghĩa về mặt tinh thần, chứ chưa phản ánh quá nhiều hiệu ứng chuyên môn. Có ai dám đảm bảo trong mắt Di Matteo, Torres là lựa chọn số 1? Nếu phải liều lĩnh chọn một tiền đạo phập phù như Torres, thôi thà dùng sát thủ Drogba còn hơn.
Hơn thế nữa, lối chơi của Chelsea chưa bao giờ hợp với El Nino. Sở trường của Torres là những đường bóng tốc độ, lắt nhắt. Còn Chelsea đá công nghiệp, thực dụng hơn. Bất giác thống kê mới biết, Lampard chỉ chuyền cho Torres đúng 30 lần trong 5 tháng qua. Có nghĩa là vị trí mà Torres chọn lựa hình như không phù hợp cho lắm với tư duy chiến thuật của đồng đội.
Vậy nên, vẫn thật khó để tin cú đúp vào lưới Leicester sẽ trở thành điểm khởi đầu mới cho Torres.
Cầu nguyện cho anh, El Nino!
BẠN CÓ BIẾT
115 triệu bảng cho 1 bàn thắng
Dựa trên mức giá chuyển nhượng 50 triệu bảng, mức lương Torres nhận ở Chelsea (170.000 bảng/tuần) và các chế độ đãi ngộ khác, báo chí Anh đưa ra con số: Mỗi phút thi đấu của Torres đáng giá 74.855 bảng. Có nghĩa là mỗi trận đấu trôi qua mà Torres không ghi bàn, tài sản của Sa hoàng Roman Abramovich lại thâm hụt thêm cỡ 6.7 triệu bảng.
Và nếu đem cộng gộp tổng số phút trước khi Torres giải khát trong trận gặp Leicester vừa qua mà tính, Chelsea đã mất đúng 115.351.555 bảng để mua… 1 bàn thắng của El Nino – một con số khủng khiếp. 115 triệu bảng, số tiền đủ để CLB vừa giành vé lọt vào tứ kết Champions League 2011/12: APOEL Nicosia sống dư dả trong 14 năm.
Thật chua xót khi người ta thống kê, Cristiano Ronaldo mang về cho Real Madrid cỡ 200 bảng/1 bàn thắng, thì Torres ngược lại, anh đốt 115 triệu bảng/1 bàn thắng. Đừng bất ngờ vì con số này. Bởi ngoài lương và tiền chuyển nhượng, việc Torres thi đấu sa sút còn kéo hình ảnh của anh đi xuống. El Nino không được các tập đoàn, doanh nghiệp mời gọi quảng cáo, và nghiễm nhiên Chelsea không được hưởng % hoa hồng từ Torres. Ở Anh, người ta tính chi ly vô cùng.
Bongdaplus.vn