Cũng như câu “Không ai nắm tay từ tối đến sáng”, bắt đầu từ thời điểm UEFA thông qua luật Công bằng tài chính, những CLB sống “tầm gửi” vào hầu bao của các ông chủ giàu có như Chelsea buộc phải tự ý thức: Đã đến lúc họ học cách đứng trên chính đôi chân của mình.
Thật khó để thống kê chính xác số tiền Roman Abramovich đã đổ vào Chelsea, biến Chelsea từ đội bóng tiệm cận khái niệm đại gia, thành một trong tứ trụ Premiership như lúc này. Nhưng làm gì có bữa tiệc nào không tàn. UEFA thông qua luật công bằng tài chính, ép buộc các CLB phải sống bằng chính nguồn tiền họ tự kiếm ra, không được phép dựa dẫm thêm vào những ông chủ giàu có.
Quyết định của UEFA buộc Chelsea phải thay đổi. 8 năm dưới triều đại Abramovich, The Blues tuy gặt hái được khá nhiều thành công trên nhiều phương diện (thương hiệu, danh hiệu, vị thế…) nhưng ở khía cạnh kinh tế, đội bóng của Abramovich vẫn chưa từng làm ăn có lãi (năm 2010, Chelsea lỗ 70 triệu bảng). Khả năng kinh doanh có phần hạn chế buộc Chelsea phải thường xuyên cậy nhờ tiền riêng của Abramovich để mua sắm cầu thủ, thanh toán quỹ lương đang ngày càng phình to.
Nhưng cuộc sống “tầm gửi” đó sắp kết thúc. Đã đến lúc Chelsea buộc phải tự đứng trên đôi chân của mình, nếu không muốn một tương lai nghèo túng cả về vật chất lẫn tinh thần. Và nhân vật tiên phong khẳng định sẽ thay đổi diện mạo Chelsea không ai khác chính là chủ tịch Bruce Buck.
Khoan bàn đến chuyện Chelsea sẽ kiếm tiền thế nào, trước mắt, Buck sẽ nỗ lực đẩy mạnh khâu đào tạo trẻ của The Blues để giảm thiểu số tiền shopping khổng lồ. Hàng năm, Chelsea tốn trên dưới 100 triệu bảng để mua sắm (riêng Torres đã ngốn mất 50 triệu bảng). Trong khi đó nếu đẩy mạnh công cuộc đào tạo trẻ, Chelsea sẽ chỉ tốn 5 triệu bảng/năm. Cứ sau 12 tháng đến 18 tháng, Chelsea sẽ thu hoạch được một lứa trẻ tài năng, đôn lên đội 1, giải quyết cơ bản khâu lực lượng cho đội hình chính. Cứ nhìn sự trưởng thành của Joshua McEachran, quả thực NHM Chelsea có thể kỳ vọng vào lứa trẻ tương lai.
Chelsea sẽ dùng chính số tiền tiết kiệm từ shopping để trang trải lương cho cầu thủ. Sau khi giải quyết xong khâu cắt giảm chi tiêu mới đến lúc họ nghĩ cách đắp dầy thêm hầu bao. Theo chủ tịch Buck, trong thời gian tới, Chelsea sẽ đẩy mạnh kế hoạch phát triển thương hiệu ở thị trường châu Á. The Blues đã mở thành công một văn phòng đại diện ở Singapore. Từ hạt nhân đó, lan rộng ra khắp thị trường châu Á đầy tiềm năng.
Tiếp theo là thu hút thêm các nhà tài trợ. Barca đã vớ bẫm nhờ cộng tác với Qatar Foundation, M.U có Beeline, và dĩ nhiên Chelsea thừa đủ khả năng để rinh về một con gà đẻ trứng vàng ngon lành tương tự.
Trong kế hoạch kiếm tiền, Chelsea còn mong muốn thu lợi từ khâu bán vé. Nếu như Man City dám xây dựng hẳn một khu Disneyland bên cạnh sân Etihad để kéo cả những CĐV nhí đến sân, hẳn Chelsea phải suy nghĩ đến khía cạnh này. Kế hoạch bán bản quyền tên SVĐ Stamford Bridge cũng đồng thời đang được xúc tiến.
Với rất nhiều kế hoạch đúng đắn đang và sẽ được triển khai, Chelsea hứa hẹn sẽ trở thành một đại gia đích thực mà không cần “tầm gửi” vào Abramovich thêm nữa.
Nguồn: bongdaplus.vn