Cầu thủ Anh "đóng kịch" thường xuyên hơn cầu thủ ngoại
Bruce rất giận dữ. Ông vung vẩy tay và dùng những lời lẽ nặng nề với đối thủ, Jose Mourinho. Đó là vào đầu hiệp 2 thất bại 0-2 của Hull City dưới tay Chelsea và Gary Cahill, trước đó đã nhận thẻ vàng vì phạm lỗi với Sone Aluko, ăn vạ trong vòng cấm địa sau khi không thể đi bóng qua David Meyler và Tom Huddlestone. Trọng tài Chris Foy không thổi phạt đền, tức đó không phải là một pha phạm lỗi, nhưng ông cũng không rút ra thẻ vàng thứ 2 với Cahill, dù trước đó Foy đã cảnh cáo Willian và Diego Costa vì những lỗi tương tự.
“Khi xem lại pha chiếu chậm, không thể biện minh gì nữa vì chúng ta đều biết anh ta định làm gì: anh ta kiếm một quả phạt đền trong vòng cấm địa bằng cách ngã như trong vở ba-lê “Hồ thiên nga””, Bruce nói sau trận đấu. “Ở các nước latin, người ta vỗ tay nếu bạn kiếm về một quả phạt trực tiếp hay phạt đền. Nhưng lý do mọi người thích Premier League, theo tôi, là vì sự trung thực và minh bạch của giải đấu. Chúng ta cần chấm dứt những pha ăn vạ tệ hại này. Trọng tài là một nghề khó khăn, nhưng đó không phải là một quyết định khó khăn. Ông ấy đứng cách đó chỉ 12 yard (khoảng gần 11 mét), chứ không phải ở vị trí như tôi trong khu kỹ thuật”.
Những than phiền của Bruce không hề mới. Mùa trước, các HLV đã kêu ca rất nhiều sau cả một trào lưu ăn vạ với những thủ phạm bao gồm Andros Townsend hay Ashley Young. Mùa này, các đồng đội của Cahill ở ĐT Anh, Jordan Henderson, Danny Welbeck và Ross Barkley đều đã phải nhận thẻ vì ngã giả vờ.
Gary Neville cũng từng tuyên bố tình trạng ăn vạ gia tăng ở Anh là do việc các cầu thủ ngoại quốc đổ xô đến chơi bóng tại xứ sở sương mù. “Bóng đá mà chúng tôi từng chơi đã thay đổi”, Neville nói. “Giờ nó chịu ảnh hưởng toàn cầu và được chơi dưới ảnh hưởng đó. Chúng ta phải chấp nhận các nền văn hóa và những hệ thống giá trị khác nhau”. HLV cũ của Neville, Sir Alex Ferguson, cũng đồng ý: “Những năm qua ngày càng có nhiều cầu thủ ăn vạ, nhất là các cầu thủ nước ngoài”.
HLV Steve Bruce (trái) cáo buộc các cầu thủ nước ngoài đã mang văn hóa ăn vạ tới Premier League
Nhưng không có nhân vật bóng đá Anh cộm cán nào lên tiếng khi Michael Owen thực hiện pha ngã vờ tuyệt đẹp giành về một quả phạt đền trước Argentina ở World Cup 1998. “Tôi có thể vẫn đứng vững không ư? Có lẽ là có”, chính Owen thừa nhận sau này. “4 năm sau tôi cũng được thổi một quả phạt đền, lại là trước Argentina, và cả lần đó nữa, tôi đã có thể đứng vững”.
Trong một thống kê thú vị của Opta tổng kết toàn bộ các pha ăn vạ phải nhận thẻ vàng ở Premier League từ mùa giải 2006/07 tới nay, những cầu thủ Anh hóa ra là các tội đồ chính. Nếu tính tất cả các cầu thủ thuộc Vương quốc Anh (Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland), thì số cầu thủ bản xứ bị phạt thẻ vì lỗi ăn vạ chiếm 42%. Tỉ lệ các cầu thủ Vương quốc Anh ở Premier League trong giai đoạn đó chỉ là 38,6%. Tức là trung bình, một cầu thủ bản xứ có khả năng bị phạt thẻ vàng vì lỗi ăn vạ cao hơn so với một cầu thủ nước ngoài.
Dẫn đầu hạng mục đáng hổ thẹn này cũng là những người bản xứ. Số 1 là Gareth Bale với 7 thẻ vàng cả thảy. Tiếp theo là David Bentley (5), rồi Ashley Young (4), xong mới tới những người nước ngoài như Fernando Torres, Cristiano Ronaldo hay Adnan Januzaj. Bale từng giải thích: “Mọi người có quyền nói tôi ăn vạ, nhưng khi những đối thủ lao vào bạn với ý định chặt chém thì bạn không thể chỉ đứng yên đó”.
Về các đội bóng, 2 chiếc thẻ vàng Foy rút ra cho Willian và Costa khiến Chelsea san bằng thành tích với Man United và Tottenham để là 3 đội đội dẫn đầu về số kịch sĩ trên sân, với mỗi đội đã nhận 16 thẻ vàng vì ăn vạ. Cuộc tranh cãi về ăn vạ và ngã vờ sẽ còn tiếp diễn bất tận, nhưng có một điều chắc chắn: cầu thủ Anh cũng chẳng tốt đẹp hơn ai.