Các CLB ngoại hạng Anh liên tục mua sao giá khủng: Tham vọng thành NBA của bóng đá
HỌC THEO NBA
“Tôi không thể hiểu nổi vì sao (Xherdan) Shaqiri lại chuyển sang khoác áo Stoke City. Rõ ràng cậu ta phải có một đội ngũ tư vấn rất tồi. Bản thân Shaqiri cũng phải tự vấn: mục tiêu của mình là gì? Kiếm tiền thôi ư? Nếu thật sự nghĩ đến những thử thách nghiêm túc, Schalke là một lựa chọn hoàn hảo.
Việc kiếm nhiều hay ít hơn 1 triệu bảng lẽ ra phải là điều cuối cùng mà một cầu thủ nghĩ đến. Giữa 2 lựa chọn: 6 triệu bảng/năm với Stoke và 3 bảng/năm ở Schalke, cậu ấy đã chọn Stoke. Tôi cho đấy là một nỗi hổ thẹn. Ngày nay cầu thủ chỉ còn đá bóng vì tiền hay sao?”
Người đưa ra phát ngôn ấy là Stefan Effenberg, không lâu sau khi Shaqiri gia nhập Stoke với bản hợp đồng chuyển nhượng kỷ lục của CLB này là 12 triệu bảng. Tất nhiên Effenberg có cái lý của mình khi nói như thế, nhưng ông có vẻ như đã quên mất Stoke cũng là một CLB mang nhiều tham vọng. Việc so sánh một CLB có nhiều truyền thống như Schalke và một CLB đang ao ước đổi đời có những chỗ không ổn.
Thử làm một so sánh. Trong 5 năm qua, cả 2 CLB đều vào trận chung kết Cúp Quốc gia một lần (Schalke vô địch). Nếu ở đá cho Schalke, thứ duy nhất hơn Stoke dành cho Shaqiri chỉ là đấu trường Europa League. Stoke có thể là một CLB nhỏ hơn Schalke, nhưng Premier League không hề là một giải đấu kém danh giá.
Stoke từ chỗ là một đội bóng chơi “chém đinh chặt sắt” nổi tiếng ở Premier League giờ bỗng tràn đầy khí thế tấn công. Trận gặp Tottenham tuần trước, họ bị đối phương dẫn 2 bàn rồi lội ngược dòng gỡ lại 2-2 với thứ bóng đá tấn công hấp dẫn. HLV Mark Hughes đã rũ bỏ lối đá phòng ngự phản công nhàm chán để truyền vào tập thể này một khí thế hoàn toàn khác. Và một đội bóng sỡ hữu Shaqiri, Bojan Krkic và Ibrahim Afellay dứt khoát không thể là một đội bóng chơi phòng ngự.
Tấn công, tấn công nhiều hơn nữa. Mua ngôi sao, mua nhiều hơn nữa chính là sách lược của Premier League. Tiền bản quyền truyền hình khổng lồ cho phép họ chạy đua vũ trang ồ ạt, phá hết kỷ lục chuyển nhượng này đến kỷ lục khác. Trong 5 năm qua, có đến 90% số CLB Premier League phá kỷ lục chuyển nhượng của chính họ.
Đấy là một con đường mà Premier League đã và đang đi. Năm 2013, CLB mới lên hạng Southampton dễ dàng chiêu mộ trung vệ Dejan Lovren của Olympic Lyon với giá 10 triệu bảng Anh. Ví dụ ấy cho thấy: các CLB hàng đầu ở những giải vô địch khác cũng không đương cự được với sức mạnh tài chính của những CLB vừa và khá ở nước Anh.
NƯỚC ANH HÚT HẾT TÀI NĂNG
“Sức mạnh tài chính của Premier League ngày càng khủng khiếp, những CLB vừa và nhỏ của họ cũng dư sức mua được ngôi sao của những CLB hàng đầu ở những giải vô địch khác”, Giám đốc thể thao của CLB Villarreal Antonio Cordon nói. Người đồng nhiệm ở Sevilla, Ramon Monchi, thì nói: “Ngày càng có nhiều nguồn tiền được rót vào bóng đá. Nhưng phần lớn trong số đó được rót vào bóng đá Anh”.
Mùa Hè năm nay cho thấy sức hút khó cưỡng của Premier League. Max Gradel và Jordan Ayew là 2 trong số 10 chân sút ghi bàn hàng đầu của Ligue 1 mùa trước. Mùa này họ đang khoác áo Bournemouth và Aston Villa. Dimitri Payet là chân chuyền số 1 nước Pháp, hiện đang ở West Ham, CLB xếp thứ 12 mùa trước. Shinji Okazaki, một trong những chân sút hàng đầu của Bundesliga, giờ đã thuộc biên chế Leicester City.
Roberto Firmino, tài năng sáng giá của Bundesliga, gia nhập Liverpool. Cầu thủ hay nhất Bundesliga mùa trước, Kevin de Bruyne, đang trên đường đến với Man City. Chân sút số 1 của giải vô địch Hà Lan - Memphis Depay - đã rời PSV gia nhập Man United. Georginio Wijnaldum, một trong những cầu thủ hay nhất của PSV, thậm chí từ bỏ cơ hội được tham dự Champions League để gia nhập Newcastle, CLB suýt rớt hạng mùa trước. Không lâu sau đó, chân sút dội bom số 1 tại Bỉ - Aleksandar Mitrovic - cũng theo chân.
Nicolas Otamendi, hậu vệ hay nhất La Liga mùa trước, đã gia nhập Man City. Ngoài ra cũng phải kể đến Jordy Clasie, tiền vệ trung tâm hàng đầu Hà Lan, cũng gia nhập Southampton.
Yohan Cabaye, Idrissa Gueye, Jordan Amavi, Andre Ayew và Jordan Veretout dẫn đầu làn sóng cầu thủ tháo chạy từ Pháp sang Anh để hưởng những mức lương cao hơn, chấp nhận việc các CLB của họ đứng ngoài “Top 7” mùa trước. Bạn có thể thấy Premier League đang chứng tỏ sức mạnh của mình ở mọi nơi. Trong khi đó, những CLB có truyền thống và lịch sử lâu đời ở những giải vô địch khác không cách gì cưỡng lại được ý muốn cầu thủ.
SỨC MẠNH TỪ BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH
Chủ tịch Marseille Vincent Labrune phát biểu sau khi chứng kiến Idrissa Gueye từ bỏ đội bóng xếp thứ 4 Ligue 1 mùa trước để chuyển sang khoác áo đội bóng xếp thứ 17 Premier League là Aston Villa: “Chúng tôi đề nghị Gueye một mức lương tốt, nhưng anh ta nghĩ Premier League là một giải đấu hấp dẫn hơn. Premier League đang trở thành NBA của bóng đá. Mọi người đều muốn chơi cho họ, dù chỉ là một đội bóng vừa phải. Khó tin nhưng là sự thật: đội chót bảng ở Premier League kiếm nhiều tiền hơn nhà vô địch nước Pháp”.
Tình hình này e chỉ ngày càng tồi tệ hơn mà thôi. Từ mùa bóng này, gói bản quyền truyền hình trị giá hơn 5 tỷ bảng Anh chính thức có hiệu lực, tăng 71% so với con số cũ và khiến cho cả châu Âu chỉ còn biết ngẩn ngơ.
Nếu như Labrune không muốn nhìn thẳng vào sự thật, tốt nhất là ông nên... nhắm mắt lại bởi vì từ mùa 2016/17, đội bóng đứng chót BXH Premier League sẽ kiếm 99 triệu bảng/năm. Nhà vô địch sẽ có 150 triệu bảng. Trong khi đó, nhà vô địch Ligue 1 mùa 2014/15 là PSG chỉ có 16,9 triệu bảng tiền thưởng!
HIỂM HỌA TRONG TƯƠNG LAI
Không khó lắm để vạch ra một viễn cảnh trong tương lai. Premier League sẽ là giải đấu thu hút mọi sự chú ý. Họ trực tiếp lẫn gián tiếp khiến những giải đấu khác trở nên kém hấp dẫn hơn. Ở Serie A chỉ có Juventus là đương cự được với sức mạnh tài chính của người Anh. Tương tự như thế là 2 đại gia của Tây Ban Nha, Bayern Munich ở Đức và PSG tại Pháp. Còn lại 17-19 CLB ở mỗi giải trở thành nhà cung cấp cầu thủ cho những CLB Premier League.
Khoảng cách giữa nhà vô địch và nhóm bám đuổi ở những giải vô địch hàng đầu châu Âu sẽ ngày càng mênh mông. Mùa trước, PSG vừa vô địch Ligue 1 vừa giành Cúp nước Pháp, lần đầu tiên trong lịch sử họ giành được cú đúp như thế. Mùa Hè này PSG có thêm Angel di Maria trong khi tất cả những CLB khác phải tiễn chân các ngôi sao của mình vượt eo biển Manche. Sự thống trị của họ trong nhiều năm nữa là điều có thể dự báo trước.
Chính Premier League, với cách làm hiện nay, cũng đặt mình vào hiểm họa. Họ đẩy giá cầu thủ lên những mức khủng khiếp và không ngừng “chạy đua vũ trang”. Rồi sẽ có một ngày nào đó, quả bóng tài chính sẽ vỡ tung và các CLB Anh sẽ rơi vào thảm cảnh giống như các CLB Italia, cũng từng là nơi thu hút những ngôi sao sáng nhất thế giới giai đoạn đầu thế kỷ này.
Nhưng ngày ấy vẫn còn xa. Hiện tại, Premier League vẫn là điểm đến mơ ước của các cầu thủ. Vì Burnley giàu hơn Ajax, vì Sunderland là CLB giàu thứ 27 thế giới và vì Xherdan Shaqiri là cầu thủ của Stoke City.
Premier League quả là NBA của bóng đá. Tất cả những gì Stefan Effenberg có thể làm là tức tối khi TV chiếu lại những pha quay chậm bàn thắng của Premier League mỗi tuần mà thôi.