Các cầu thủ Hồi giáo đã thay đổi Premier League ra sao?
Ngày 5/2/2012, Newcastle gặp Aston Villa trên sân St James’ Park và một trong những khoảnh khắc mang tính biểu tượng về ảnh hưởng của các cầu thủ Hồi giáo ở Premier League đã diễn ra. Sau 30 phút, Demba Ba ghi bàn cho đội chủ nhà. Anh chạy về cột cờ góc và ăn mừng bàn thắng với đồng hương Senegal Papiss Cisse. 2 cầu thủ Hồi giáo sùng đạo đã quỳ xuống và đọc lời cầu nguyện.
Rõ ràng là toàn cầu hóa đã khiến các cầu thủ Hồi giáo tạo ra nhiều ảnh hưởng hơn. Các tuyển trạch viên ở Anh giờ tỏa khắp thế giới để tìm kiếm các ngôi sao cho Premier League. Những thanh thiếu niên xuất thân từ các ngôi làng xa xôi ở châu Phi hay những khu nghèo khó ở Paris có cơ hội trở thành các ngôi sao toàn cầu. Họ có thể tìm thấy danh tiếng và của cải ở các CLB Anh, trong khi vẫn giữ bản sắc văn hóa và lòng tin của mình vào đạo Hồi.
Cặp bài trùng một thời của Newcastle: Demba Ba (phải) và Papiss Cisse
Khi một cầu thủ ở đẳng cấp của Ba, người đã rời Newcastle gia nhập Chelsea năm ngoái, nói anh rất nghiêm túc về tôn giáo, cả thế giới sẽ lắng nghe. Thêm vào đó, các HLV và CLB cũng hiểu biết hơn về đạo Hồi và sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận lẫn nhau cũng như đáp ứng nhu cầu tâm linh nơi cầu thủ. Các cầu thủ Hồi giáo được phục vụ riêng thức ăn halal, có thể tắm riêng so với phần còn lại của đội và được dành thời gian cũng như không gian để cầu nguyện.
Cho tới tận gần đây, mọi cầu thủ Premier League nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận đều được thưởng một chai rượu champagne. Nhưng với người Hồi giáo, họ bị cấm dùng đồ uống có cồn. Nên khi tiền vệ của Manchester City Yaya Toure lịch sự từ chối phần thưởng của anh vì lý do tôn giáo trong một cuộc phỏng vấn qua truyền hình, những nhà tổ chức giải đấu không thể không chú ý.
Champagne được loại ra và giờ các cầu thủ nhận một chiếc cúp nho nhỏ. Khi Liverpool chiến thắng trong trận chung kết League Cup 2012, các cầu thủ của họ đã tinh tế chuyển trước quần áo của một bác sĩ trong đội, một người Hồi giáo sùng đạo, ra khỏi phòng thay đồ để không làm vấy rượu lên đó khi ăn mừng.
Những thách thức lớn khác với các cầu thủ Hồi giáo là tháng chay Ramadan. Làm sao một cầu thủ có thể không ăn và uống gì trong 18 giờ mỗi ngày mà vẫn đảm bảo sức khỏe chơi 90 phút? Một số cầu thủ dứt khoát giữ lệ ăn chay mỗi ngày. Những người khác ăn chay khi tập, nhưng trong ngày đá chính thức thì phải ăn uống đầy đủ. Các CLB thường thu xếp một sự nhượng bộ lẫn nhau, nhưng đó vẫn là khó khăn cho cả hai phía.
Abou Diaby
Tiền vệ 27 tuổi của Arsenal Abou Diaby nói: “Arsenal muốn tôi không ăn giữ lệ Ramadan, nhưng họ cũng hiểu và sẵn sàng giúp đỡ tôi”. Ba, 28 tuổi, thừa nhận anh từng gặp vấn đề với HLV trong tháng chay, nhưng khẳng định vẫn giữ nghiêm ngặt giáo luật. “Mỗi khi tôi gặp một HLV không hài lòng, tôi nói: Xin hãy nghe tôi, tôi sẽ giữ giáo luật. Nếu tôi vẫn chơi tốt, tôi sẽ ra sân, nếu tôi chơi tệ, cứ để tôi ngồi dự bị”.Tháng Ramadan năm nay kết thúc vào ngày 7/8, 10 ngày trước khi Premier League khởi tranh.
Ngoài ra, tài trợ cũng là một vấn đề. Các đội có tài trợ đồ uống có cồn và cờ bạc trên áo đấu đẩy cầu thủ Hồi giáo của họ vào thế khó, do họ sẽ phải làm điều trái với giáo lý đạo Hồi. Tháng trước, Cisse đã nói anh dự tính trao đổi với Newcastle và nhà tài trợ mới của họ, Wonga, vì không muốn quảng bá cho công ty cá cược này do tín ngưỡng của anh. Thủ môn Wigan Ali Al-Habsi, 31 tuổi, ủng hộ người đồng đạo: “Chúng tôi là những cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng không có nghĩa là chúng tôi phải chấp nhận tất cả”.