Bony: Từ đường phố tới cầu thủ đắt giá nhất châu Phi
“Cậu ấy vẫn ngủ ngay ở đây”, Carmel N’Guessan, chỉ vào một tấm thảm lót rách bươm trên một chiếc giường gỗ ba tầng cứng như đá. “Đây là chỗ của cậu ấy”. Xung quanh là quần áo thi đấu bóng đá và các ổ rơm, tất cả những gì trong một căn phòng nội trú của học viện trẻ Cyrille Domoraud, nơi Bony khởi nghiệp bóng đá ở tuổi 12.
Thời tiết oi bức và khó chịu, khiến căn phòng của khu nội trú bốc mùi. “Wilfried Bony là một trong những cầu thủ hàng đầu”, N’Guessan, giám đốc của học viện, nói. “Sẽ là vinh dự lớn cho bất cứ cầu thủ nào được ngủ trên giường của cậu ấy”.
Giường nơi Bony từng ngủ
Học viện Domoraud thật nhỏ bé so với trường đào tạo trẻ danh tiếng nhất của Bờ Biển Ngà, ASEC Mimosa, nơi hơn một nửa đội hình của ĐT Bờ Biển Ngà dự World Cup vừa rồi đã trải qua, bao gồm anh em nhà Toure, Yaya và Kolo, cựu cầu thủ Chelsea Salomon Kalou và tiền đạo của Roma Gervinho.
Ở đó không có hồ bơi, phòng tập thể hình hay sân tennis. Chỉ đơn giản là một dãy phòng bê-tông, một khu phòng học, khu nhà điều hành và một căn-tin. Dù thiếu các cơ sở ngôi sao, học viện này vẫn sản sinh ra nhiều tài năng lớn. Đó không chỉ là nơi Bony trưởng thành, mà còn là trường đào tạo đầu tiên của Jean Michael Seri (FC Porto), Xavier Kouassi, đang chơi bóng ở Thụy Sĩ và hậu vệ Wilfried Kanon, đang chơi ở giải vô địch Hà Lan.
Bony khởi nghiệp bóng đá ở tuổi 12 tại học viện trẻ Cyrille Domoraud
Cyrille Domoraud, ông chủ của học viện, từng là một danh thủ của bóng đá Bờ Biển Ngà. “Tôi mở trung tâm này vì tôi từng có cơ hội tới châu Âu khi còn rất trẻ. Rất nhiều cầu thủ trẻ ở Bờ Biển Ngà muốn được ở vị trí của tôi”, Domoraud nói. Từng chơi bóng ở Pháp, Italia, TBN và TNK, Domoraud đeo băng đội trưởng ĐT Bờ Biển Ngà lần đầu tiên dự World Cup năm 2006.
Sau khi giải nghệ, ông bắt đầu chuyển sang đào tạo những ngôi sao tương lai. “Tôi đã trao cho Wilfried Bony cơ hội và một số cầu thủ khác vì tôi muốn trả lại cho bóng đá những gì bóng đá mang tới cho tôi”, ông nói. Nếu phải mô tả về Bony bằng một từ, thì Domoraud nói đó đó là “sự nghiêm túc”. “Cậu ấy là một cậu bé khôn ngoan biết rõ mình muốn gì”, ông nói. “Cậu ấy suy nghĩ rất mạch lạc”.
Doumbia Aidianu muốn theo chân Bony
Lần đầu tiên Domoraud thấy Bony chơi bóng là khi ông tới thăm Abidjan, thủ đô kinh tế của Bờ Biển Ngà, nhân một kỳ nghỉ từ Pháp. Bony khi đó chơi trung vệ, với rất nhiều quyết tâm. “Cậu ấy khống chế bóng dễ dàng, rất kỹ thuật. Tôi đã để mắt tới cậu ấy”. Khi Domoraud gia nhập BHL ĐT Bờ Biển Ngà cùng Sven-Goran Eriksson, Bony lần đầu có cơ hội khoác áo ĐTQG. Domoraud không nói với ai rằng cầu thủ trẻ đó trưởng thành từ học viên của ông. Ông muốn Bony phải tự chứng tỏ mình.
Những người trẻ tuổi khác ở học viện Domoraud đang lấy Bony làm tấm gương. CĐV 16 tuổi của Man City Doumbia Aidianu, vừa vào học viện, là một trong những người như thế. Cậu nói cậu thấy thật tự hào được vào học viện mà Bony từng qua. “Tôi cho rằng anh ấy là một cầu thủ lớn cực kỳ xuất sắc. Anh ấy là ngôi sao ở đây”, Aidianu nói. “Tôi hy vọng anh ấy sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi”.
“Cậu ấy khiến đất nước này tự hào”, Domoraud nói. Khi chúng tôi nói về Bờ Biển Ngà, chúng tôi nghĩ tới (tiền đạo của Chelsea) Didier Drogba, Yaya Toure, những người từng là các hợp đồng lớn nhất ở Anh. Nhưng giờ chúng tôi còn có Wilfried Bony. Cậu ấy là niềm tự hào của chúng tôi”.
Những cầu thủ châu Phi đắt giá nhất
Wilfried Bony: Swansea tới Man City giá 25 triệu bảng năm 2015
Michael Essien: Lyon tới Chelsea giá 24,4 triệu bảng năm 2005
Yaya Toure: Barcelona tới Man City 24 triệu bảng năm 2010
Didier Drogba: Marseille tới Chelsea 24 triệu bảng năm 2004.
|