Wenger: Người hùng không gặp thời
Ông là một người hùng không gặp thời. Chẳng ai phủ nhận được tài năng của HLV người Pháp. Nhưng ông xuất hiện đúng vào giai đoạn mà Premiership thay đổi hoàn toàn về chất. Thời ông mới nhậm chức, năm 1996, Premiership cũng đã chơi cuộc chơi tiền bạc: trước đó một năm, Blackburn Rovers phá kỷ lục chuyển nhượng nước Anh với Alan Shearer, “mua” chức vô địch bằng tiền của ông chủ Jack Walker. Bản thân Wenger trong những năm đầu của nhiệm kỳ cũng tiêu tiền “ở mức chấp nhận được” so với mặt bằng chung, với những Marc Overmars, Henry, Wiltors, Van Bronckhorst…
Nhưng không gì có thể so sánh với những điều mà Roman Abramovich và sau này là Sheikh Mansour đã mang đến cho Premiership. Có phải là ngẫu nhiên, khi sau 10 năm tỷ phú người Nga mua lại Chelsea, Arsenal trắng tay đến 8 năm? Bởi Abramovich không chỉ biến Chelsea thành một thế lực chi tiêu đáng kinh sợ, mà còn đẩy Man United vào cảnh phải hoạt động hết công suất, dù tiềm lực tài chính của Quỷ đỏ, ngay cả ở lúc khó khăn nhất, Arsenal cũng không cách nào cạnh tranh nổi. Thời kỳ này, ngay cả một CLB thuộc hàng khá như Tottenham, các ông chủ cũng phải ném ra hàng chục triệu bảng mỗi mùa mới nuôi nổi tham vọng. Rồi Man City xuất hiện, và một kẻ ngỗ ngược không chịu đi theo dòng chảy chung như Arsenal của Wenger “hết cửa”.
Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận đã có lúc HLV người Pháp quá cực đoan với chính sách mua rẻ bán đắt, và cũng không thể đổ lỗi cho Abramovich hay Sheikh Mansour khi Arsenal để vuột chức vô địch Cúp Liên đoàn vào tay Birmingham. Nhưng có lẽ thất bại của Wenger hôm nay, lỗi phần nhiều ở thời thế.
Nghiệp HLV là như thế, đôi khi thất bại không phải là bởi kém tài, mà bởi môi trường. Người ta vẫn nhớ rằng, Fabio Capello đã bị đẩy đi khỏi Real Madrid dù có chức vô địch La Liga, bởi ông không thể tạo ra thứ bóng đá nơi này mong muốn. Cũng không ai quên Carlo Ancelotti đã rời Chelsea, Benitez bị đuổi khỏi Liverpool như thế nào, khi họ không hề được làm việc theo ý muốn nhưng rồi phải nhận mọi trách nhiệm…