Arsenal đối diện thêm 1 mùa bóng thất bại cùng Wenger: Hãy dứt tình khi còn có thể!
HLV Arsene Wenger sợ nhất điều gì? Rất có thể đó là hai điều kỳ lạ sau đây: được cấp quỹ chuyển nhượng lớn trước mỗi mùa bóng, và gặp đối thủ tầm thường ở Champions League! Gặp những hoàn cảnh thuận lợi như vậy, Wenger sẽ không còn lý do để bào chữa nếu thất bại. Và ông... quả đã thất bại.
MONACO LÀ CÂU TRẢ LỜI
Sau 4 mùa liên tiếp dừng chân ở vòng 1/8 Champions League, HLV Arsene Wenger vẫn yên tâm ngồi rung đùi. Suy cho cùng, Arsenal chỉ lần lượt thua Barcelona, AC Milan và Bayern Munich (2 lần) trong 4 mùa bóng vừa nêu.
Trong mắt giới quan sát, Wenger có thể là HLV “bất lực” - hiểu theo nghĩa ông không bao giờ nghĩ ra được một ý tưởng mới mẻ, khả dĩ giúp Arsenal bất ngờ vượt qua đối thủ mạnh hơn (bóng đá đâu bao giờ thiếu những kết quả như vậy). Dù sao đi nữa, các quan chức Arsenal vẫn chấp nhận: Arsenal chỉ thua những đối thủ trên tài.
Nói rằng Wenger sợ gặp đối thủ kém tài chính là vì vậy. Champions League đang chuẩn bị bước vào lượt về vòng 1/8. Gần như chắc chắn, đấy sẽ chỉ là thủ tục để Monaco đóng đinh vào “cỗ quan tài” Arsenal, tiễn đưa đội bóng của Wenger ra khỏi Champions League.
Và đấy sẽ là thất bại quá tai tiếng. Monaco, chứ đâu phải “ông kẹ” như Bayern hoặc Barcelona. Một Monaco cách đây 2 năm còn đang thi đấu ở giải hạng Nhì nước Pháp. Một Monaco phải vừa bán đổ bán tháo ngôi sao, thậm chí không bán được thì cho mượn, để tiết kiệm tiền, trong mùa Hè vừa qua. Arsenal đã thua một Monaco như thế ngay tại sân nhà, với 3 lần thủng lưới, và với một lối chơi bị cả thế giới chê cười là “ngây thơ”.
Trong suốt lịch sử vốn đã kéo dài đến 60 năm của Cúp C1/Champions League, chỉ có đúng 1 đội từng đi tiếp sau khi đã thua với cách biệt 2 bàn tại sân nhà ở trận lượt đi. Wenger có khả năng làm nên lịch sử?
Ông “đã” làm nên lịch sử, nhưng theo chiều hướng ngược lại. Chưa, và chắc sẽ chẳng bao giờ, có một HLV đã cầm quân đến 181 trận mà vẫn không hề vô địch Cúp C1/Champions League. Đã không còn được xem là ứng viên vô địch ở Premier League, giờ lại thua cả đối thủ yếu hơn ở Champions League, và thua bằng đúng con đường chuyên môn. Vậy thì, “tay nghề” của HLV Wenger còn có chỗ nào để Arsenal hy vọng? Monaco chính là câu trả lời: không còn gì!
WENGER “HẾT THỜI” Ở NHỮNG CHỖ NÀO?
Sở trường số 1 của Wenger là nhìn ra được giá trị ngôi sao từ các cầu thủ trẻ chưa tỏa sáng. Sự phát triển rực rỡ của ngành thống kê trong bóng đá giờ đã làm cho sở trường ấy trở nên vô nghĩa. Thị trường chuyển nhượng bây giờ cũng đã khác hẳn 15 năm trước.
Và bây giờ, khi Arsenal đã thay đổi chiến lược, chịu cấp cho Wenger những món tiền lớn để mua hẳn ngôi sao thay vì chọn mua cầu thủ giá rẻ theo con đường “phát hiện”, thì ông lộ rõ sở đoản. Chọn đúng ngôi sao cần có, hoặc tận dụng ngôi sao mà ông có thể mua? Cả hai lĩnh vực này, Wenger đều xoàng.
Lúc Wenger sang Anh (1996), Premier League vẫn chủ yếu là “chạy và sút”, nên người ta mới khen Arsenal đá đẹp dưới thời Wenger. Chi tiết này giờ cũng lỗi thời. Bóng đá bây giờ là phải thiên về hiệu quả, phải biết đá theo nhiều kiểu khác nhau. Arsenal đá mãi một kiểu và họ chưa bao giờ trở lại ngôi vô địch Premier League sau năm 2004.
Đấy là chưa kể, khi phân tích sâu hơn về cách tập (dụng công rất nhiều) để nhuần nhuyễn hóa lối chơi mà Wenger đã dùng từ thập niên 1990 thì giới quan sát chỉ rõ: chính cách tập ấy dẫn đến tình trạng Arsenal luôn là đội dẫn đầu Premier League về... nạn chấn thương.
Khẩu hiệu “chơi bóng theo cách mà chúng tôi thích” của Wenger chính là thủ phạm khiến Arsenal bây giờ chẳng còn hy vọng tranh chấp ngôi cao ở những giải lớn, đơn giản vì bây giờ chẳng ai dùng quan điểm ấy. Nhưng ông quá chuyên quyền. Wenger to hơn cả ban lãnh đạo Arsenal.
Vậy nên, có khi phải đặt vấn đề theo một hướng khác. Wenger không có lỗi khi ông... lỗi thời. Lỗi thuộc về chính Arsenal: họ quá sợ hãi ông, nên họ chẳng đáng được có hy vọng tranh ngôi vô địch ở Premier League hoặc Champions League.
Kỷ lục không đáng tự hào của HLV Wenger Arsene Wenger đã đưa Arsenal vào Champions League trong 17 mùa bóng liên tiếp, và đấy thường được xem là “điểm cộng” trong sự nghiệp cầm quân của ông. Bao nhiêu người xem đấy chính là “điểm trừ”, khi mà Wenger và các học trò chưa bao giờ đăng quang ở giải đấu họ đang góp mặt lần thứ 17 liên tiếp? Chỉ tính từ mùa bóng 2003/04 (khi thể thức thi đấu như hiện nay bắt đầu xuất hiện - trước đó giải có đến 2 vòng bảng), Wenger đã dẫn dắt Arsenal thi đấu 110 trận ở Champions League. Không cần tra sổ sách cũng biết, ông chính là người đang giữ kỷ lục cầm quân nhiều nhất trong số những HLV chưa từng vô địch Champions League! Số trận của HLV Wenger cao gần gấp đôi so với người đang đứng nhì trong danh sách này. Bốn người còn lại trong “Top 5” các HLV cầm quân nhiều nhất nhưng chưa từng vô địch Champions League là Mircea Lucescu (62 trận), Roberto Mancini (61), Manuel Pellegrini (55) và Luciano Spalletti (49). Xin nhắc lại: đấy chỉ là thống kê từ khi Champions League ổn định thể thức thi đấu, với vòng 1/8 diễn ra ngay sau vòng bảng. Xưa nay, HLV Wenger đã dẫn dắt Arsenal đến 181 trận ở đấu trường Champions League, tất nhiên là vẫn chưa bao giờ vô địch! |
Ai là thủ phạm dẫn đến chấn thương? Jack Wilshere (ảnh), Mathieu Flamini, Aaron Ramsey, Mathieu Debuchy, Abou Diaby, Mikel Arteta là các cầu thủ đang chấn thương, chắc chắn không thể ra sân. Cách đây không lâu, danh sách tương tự còn có Laurent Koscielny, Mesut Oezil. Các cầu thủ khác từng khổ vì chấn thương trong mùa bóng này là Theo Walcott, Olivier Giroud, Kieran Gibbs, Nacho Monreal. Sau 27 vòng đấu ở Premier League, chỉ có 3 cầu thủ đá chính nhiều hơn 2/3 tổng số trận ở Arsenal (tức nhiều hơn 18 trận), đó là Per Mertesacker, Alexis Sanchez và Santi Cazorla. Mertesacker đá chính nhiều nhất (25 trận). Và đấy là một trong những cầu thủ... yếu nhất ở Arsenal. Anh luôn diễn vai trụ cột chẳng qua vì không chấn thương. Bình thường, người ta sẽ xem đấy là chuyện rủi ro, là vấn nạn mà nguyên nhân có thể nằm ở... FIFA, ở lịch thi đấu dày đặc, hoặc ở truyền thống không nghỉ Đông của bóng đá Anh. Nhưng năm nào Arsenal cũng suy yếu vì nạn này. Liên tục trong 2 mùa bóng gần đây, Arsenal dẫn đầu Premier League về số trường hợp chấn thương phải nghỉ thi đấu 10 ngày trở lên, và họ tiếp tục... dẫn đầu trong mùa bóng này. Tính chung trong 10 mùa bóng gần nhất ở Premier League, Arsenal cũng chính là đội đầu bảng... về chấn thương (họ đã có hơn 300 ca chấn thương phải nghỉ thi đấu ít nhất 10 ngày, cao gấp rưỡi Chelsea). Vậy thì, chắc chắn nạn chấn thương ở Arsenal không phải là sự ngẫu nhiên, cũng không phải vì rủi ro. Lối chơi (Arsenal là đội lừa bóng nhiều nhất ở Premier League) có thể là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chấn thương. Phương pháp tập là nguyên nhân khác. Chuyên gia thể lực nổi tiếng Raymond Verheijen từng chỉ rõ, sau khi tham khảo cách tập của nhiều ngôi sao Arsenal: “Họ tập như... trong hải quân. Cách tập quá nặng của Arsenal làm các cầu thủ dễ chấn thương, và đấy nói chung là cách tập đã lỗi thời”. Thủ phạm là HLV thể lực Tony Colbert, trợ lý Boro Primorac, hay là chính HLV Wenger? |