Sự tương đồng từ những vị chiến lược gia lão luyện
Wenger nhiều hơn Van Gaal 2 tuổi và vào nghề sớm hơn 7 năm (1984). Trong suốt quãng sự nghiệp, cả hai rất ít khi có dịp đối đầu, chính xác là chỉ 3 lần. Đó là vòng knock-out Champions League năm 1999 (Barcelona của Van Gaal hòa 1-1 ở Nou Camp trước khi thắng 4-2 ngay tại sân nhà Highbury của Arsenal ở trận lượt về). Vòng 12 Premier League năm nay, Van Gaal cũng dẫn dắt MU đả bại Wenger với tỉ số 2-1.
Ít gặp nhau là vậy, nhưng nghiệp của Van Gaal cũng có mối liên hệ gián tiếp với Wenger khá thú vị. Robin Van Persie vinh dự được đeo băng đội trưởng khi làm việc với Wenger tại Arsenal và Van Gaal tại ĐTQG Hà Lan. Van Gaal từng dẫn dắt Bayern Munich cùng Barcelona, hai CLB suýt chỉ định Wenger làm HLV.
Van Gaal và Wenger từng làm nên nhiều dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp
Marc Overmars, Nwankwo Kanu và Dennis Bergkamp, ba cầu thủ từng trưởng thành từ lò đào tạo Ajax Amsterdam do Van Gaal dìu dắt trước khi thành danh tại Premier League, trong màu áo… Arsenal.
Sự nghiệp hai ông hiện tại cũng đang có dấu hiệu đi xuống so với giai đoạn hoàng kim cách đây đã gần chục năm. Wenger trải qua thời kì “danh hiệu vào như nước” từ 1996 đến 2004, thì Van Gaal còn sớm hơn (khoảng từ 1993 đến 1999).
Về tư duy bóng đá, Wenger và Van Gaal đều tôn thờ lối chơi tấn công, ban chuyền đẹp mắt. Cả hai ông từng góp phần tạo nên thương hiệu của những lò đào tạo trẻ danh tiếng. Nếu Van Gaal chạm tới vinh quang Champions League cùng lứa siêu sao U23 Ajax Amsterdam, thì “những đứa trẻ nhà Wenger” lại là thương hiệu nổi tiếng vượt khỏi biên giới nước Anh.
Bên cạnh đó, họ còn thực hiện những cuộc cách tân lớn ở một CLB. Chúng ta từng biết tới Barcelona giai đoạn cuối thế kỉ 20 với kế hoạch “Hà Lan hóa”, hay Arsenal với làn sóng cầu thủ Pháp đổ bộ vào mạnh mẽ, và tác giả chính là Van Gaal và Wenger!
Tuy nhiên, giữa hai người lại có sự khác biệt tương đối….
Hai ngã rẽ khác
Thứ nhất là về cách tiêu tiền để mua thành công. Wenger luôn đề cao quan điểm “thắt chặt chi tiêu” vào công tác mua bán cầu thủ để đầu tư cho việc xây dựng SVĐ, đào tạo trẻ, trái ngược với Van Gaal thời kì “hậu Ajax”.
Thứ hai là về tính cách. Van Gaal khá lập dị, nóng tính với phương pháp huấn luyện khắc nghiệt, còn Wenger lại trầm lắng, điềm đạm. Kể từ khi kết thúc 6 năm tại vị ở Ajax, Van Gaal chưa bao giờ gắn bó với một CLB nào quá 4 năm.
Trong khi đó, Wenger chỉ còn 18 tháng nữa là kỉ niệm tròn 20 năm dẫn dắt Arsenal. Điều đó chứng tỏ Van Gaal thích “xê dịch” hơn, nhưng cũng cho thấy ông nhiều kẻ thù và ít khi được lòng học trò, BLĐ hơn Wenger.
Giờ đây, họ lại đối đầu ở một đấu trường mới: FA Cup
Kể từ chiến tích bất bại mùa giải 2003/04, Wenger tỏ ra thua kém hẳn Van Gaal. Ông mất 9 năm để có thêm danh hiệu tiếp theo (FA Cup 2013/14), cùng thời gian ấy Van Gaal dần tìm lại danh tiếng bằng chiến tích đăng quang Bundesliga 2 lần, vô địch Eredivisie (giải VĐQG Hà Lan) 1 lần.
Như đã nói trên, Wenger lẫn Van Gaal đều thích đá đẹp, dù ông thầy người Hà Lan có phần thực dụng, trực tiếp hơn. Lối chơi đẹp mà Wenger dày công xây dựng cho Arsenal đã lỗi thời kể từ khi Barcelona khai sáng ra tiki-taka huyền thoại. Trong khi Van Gaal lại không ngại thử thách bản thân bằng những lối chơi mới.
Kết quả, Van Gaal dù gặp không ít thất bại, nhưng vẫn nhận được nhiều lời tán thưởng, cũng như chiến quả đáng ghi nhận, mà điển hình là thành công cùng ĐT Hà Lan ở kì World Cup 2014 vừa qua.
Mùa giải 2014/15, Van Gaal cùng Wenger đều vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng theo hai hướng khác nhau đến trái khoáy. Người Arsenal chê Wenger bảo thủ, keo kiệt, không dám thay đổi khiến các cầu thủ cứ đến rồi đi.
Người MU lại mỉa mai rằng Van Gaal “ném tiền qua cửa sổ”, chi gần 150 triệu bảng để mua cầu thủ mà vẫn vạ vật với cuộc đua top 4, rằng ông vẫn đang loay hoay trong khối ru-bic chiến thuật, lúc thì 4-4-2 kim cương, lúc thì 3-5-2,v.v...
Đó chính là lí do vì sao, hai vị HLV từng có chung thời điểm hoàng kim ấy lại đi theo hai con đường khác nhau, hai tư duy dần xa nhau ở hiện tại và tương lai gần.