Còn nhớ ở mùa giải 1995/96, HLV Ferguson đã đặt niềm tin, giao các vị trí trụ cột cho David Beckham, anh em nhà Neville, Paul Scholes, Nicky Butt… (tất cả đều mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi), thay vì thực hiện những bản hợp đồng lớn. Thậm chí, MU khi đó còn bán đi nhiều ngôi sao như Paul Ince, Mark Hughes hay Andrei Kanchelski. Và sau khi Quỷ đỏ thất bại ở trận ra quân trước Aston Villa, cựu cầu thủ Liverpool - Alan Hansen và hiện đang là BLV đã nói rằng: “Bạn không thể chiến thắng với những đứa trẻ”. Tuy nhiên cuối mùa, MU đã xuất sắc giành cú đúp danh hiệu (Premier League và FA Cup) và được coi như phát súng hiệu lệnh mở màn cho giai đoạn thành công rực rỡ với thế hệ những cầu thủ trẻ.
Khi Ronaldo và Tevez ra đi năm 2009, Sir Alex không thực hiện bất kì vụ chuyển nhượng lớn nào và kết quả đã bị Chelsea phế ngôi. Những nghi ngờ về sự thoái trào của MU bắt đầu xuất hiện. Tới Hè 2010, “ông già gân” vẫn chỉ tham gia vào thị trường chuyển nhượng bằng cách chiêu mộ “những đứa trẻ” như Chicharito, Smalling. Vậy nhưng đội hình ban đầu bị đánh giá thuộc loại yếu kém nhất trong những thế hệ Sir Alex tạo dựng đã tìm lại vị thế số 1 nước Anh và lọt vào tới trận Chung kết Champions League. Dù vậy thành công ấy còn được hòa trộn bởi kinh nghiệm của các lão tướng. Sau mùa giải 2010/11, MU đã phải chia tay với hàng loạt công thần (đầu tiên là Gary Neville, Paul Scholes rồi Van der Sar). Và rồi một lần nữa, bài toán đó đang được Sir Alex đưa ra cách giải đáp tốt nhất để đập tan mọi nghi ngờ.
MU đang có lứa cầu thủ trẻ đầy hứa hẹn |
De Gea dù chưa thật tự tin nhưng cũng ít nhiều thể hiện được tài năng. Phil Jones có lẽ sẽ sớm trở thành trụ cột nơi hàng thủ còn Ashley Young đã thuyết phục được tất cả những CĐV khó tính. Đó là ba bản hợp đồng của MU ở Hè qua. Trong khi đó, Sneijder, Nasri và Modric… từng được nhắc đến rất nhiều như phương án thay thế cho Scholes, thế nhưng Sir Alex không chọn ai bởi ông tự tin vào những gì mình có. Carrick và Fletcher gặp vấn đề về sức khỏe trong những ngày khởi đầu mùa bóng, Sir Alex đã đưa Cleverley vào đá cặp với Anderson. Đây được coi là bất ngờ, vì lẽ đơn giản mùa trước, Anderson chỉ đóng vai trò “kẻ đóng thế” còn Cleverley thậm chí phải đi tu nghiệp ở chân trời khác. Vậy mà chỉ sau một mùa hè, họ đã lột xác. Bộ đôi này chính là nguồn cảm hứng để MU giành Siêu Cup nước Anh và chễm trệ ở ngôi đầu BXH Premier League 2011/12 với 3 trận toàn thắng. Đúng là cuộc cách mạng của HLV Ferguson đang đi đúng hướng và hứa hẹn một tương lai đầy tươi sáng.
Đối lập lại, bức tranh đang hiện lên từ Arsenal thật tối tăm và mờ mịt. Sự ra đi của Fabregas, Nasri khiến HLV Wenger không kịp trở tay. Lứa cầu thủ trẻ ở lại sống trong hoang mang và kết hợp với nhau bằng tinh thần rệu rã. Premier League mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và thật không công bằng nếu sớm gạch tên Arsenal khỏi cuộc đua tới ngôi vô địch. Thế nhưng chất và lượng mà Giáo sư đang có quả thật khá mong manh. Ngoại trừ một vài bản hợp đồng gấp gáp vừa qua như Mertesacker, Arteta, Benayoun, Pháo thủ chỉ gồm hầu hết những cầu thủ đôi mươi, thậm chí “măng non” hơn cả MU.
Arsenal đang hỗn mang |
Tiếc rằng sự khác biệt giữa hai thế hệ ấy của Arsenal và MU là quá lớn. Những cầu thủ trẻ của Arsenal yếu đuối bao nhiêu thì cũng bằng nhân tố đó, MU lại đang bay cao. Trận thua tan tán của Pháo thủ (2-8) tại Old Trafford vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất. Phải chăng Wenger cần phải “học hỏi” người đồng nghiệp già Ferguson? Bởi lẽ kể từ sau thế hệ của những chàng lính ngự lâm Petit, Vieira, Henry, Pires… HLV Wenger vẫn loay hoay tạo dựng một lớp sóng mới tại Emirates. Trong khi HLV Ferguson luôn biết cách giảm thiểu sự hụt hẫng trong những lần chuyển giao thế hệ. Nếu không thể tạo ra cú hích, Pháo thủ sẽ còn trắng tay dài dài…
Nguồn 24h.com.vn