1. Báo chí Italia, dường như bởi đã sống trong một môi trường bóng đá đáng hoài nghi quá lâu, đặt ra giả thiết: Tây Ban Nha và Croatia có thể sẽ bắt tay với nhau để cùng loại đội tuyển Italia. Cả hai đội sẽ dắt tay nhau đi tiếp với một kết quả hòa, và mỗi bên ghi từ 2 bàn trở lên.
Đó có thể cũng là một đòn cao tay. Bây giờ thì cả thế giới sẽ dồn sự chú ý vào thày trò Del Bosque, và hạn chế tối đa khả năng Tây Ban Nha đá an toàn.
Nhưng thực ra, HLV Del Bosque còn một lý do khác quan trọng hơn để chỉ đạo các học trò của mình đá thật. Tây Ban Nha vẫn đang trong quá trình đi tìm hình dáng của chính họ.
2 trận, 2 sơ đồ chiến thuật. Sơ đồ với “tiền đạo thật” Torres thành công, nhưng đối thủ lại chỉ là một Ireland nhỏ bé. Sơ đồ với “tiền đạo ảo” Fabregas không thể mang lại 3 điểm, nhưng đối thủ là Italia, và đó cũng không đáng xem là một trận cầu thất bại.
2. Trong môn xã hội học có một khái niệm gọi là “quá tải lựa chọn” (overchoice). Xã hội phát triển, những lựa chọn vật chất dành cho con người nhiều đến mức thừa mứa. Và họ rơi vào tình trạng quá tải. Người ta sẽ đánh mất khả năng lựa chọn những điều thiết thực nhất, thứ vốn rất dễ dàng thực hiện trong điều kiện lựa chọn hạn chế. Người ta sẽ sinh ra thiếu quyết đoán, sẽ cảm thấy không thỏa mãn vì lúc nào cũng... thiếu thốn khi không tìm được điều mình cần. Thừa sinh ra thiếu – đó gọi là “nghịch lý của lựa chọn” (paradox of choice), một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại.
Đó tất nhiên cũng là vấn đề phổ biến của bóng đá. Một đội bóng sở hữu quá nhiều ngôi sao có thể “chết” vì HLV không thể chọn ra đội hình tối ưu nhất. Ai cũng có vẻ quan trọng, ai cũng không đáng bị gạch tên.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của thành công vang dội của Tây Ban Nha ở EURO 2008 là sự ổn định. Cặp đôi tấn công Torres và Villa đã được xác định rõ ràng. Không ai hoài nghi Torres ngay cả khi anh không ghi bàn cho tới trước trận chung kết.
Nhưng EURO 2012. có vẻ như Tây Ban Nha đang rơi vào tình trạng “quá tải lựa chọn”, khi không có phương án nào thực sự ưu việt. Trong bối cảnh Villa chấn thương, Torres vẫn được xem là lựa chọn sáng giá nhất. Nhưng anh đã thể hiện sự thiếu ổn định suốt 2 năm qua. Del Bosque cũng chưa hẳn tin anh, nên đã quyết định dùng “tiền đạo ảo” Cesc Fabregas trong trận khai màn gặp Italia.
3. Tây Ban Nha cần đá cật lực với Croatia, không chỉ bởi danh dự của đội tuyển hùng mạnh này. Họ cần đá để xác nhận lại “tư cách của Torres”, và rộng hơn là hình dáng của cả đội tuyển trong phần còn lại của giải đấu. Đây sẽ là một trận thử nghiệm nghiêm túc.
Chính El Nino, với rất nhiều lần “nổ rồi lại xịt” trong màu áo Chelsea, đã dạy người ta rằng một trận tỏa sáng không chứng minh được anh sẽ hoàn toàn quay lại. Trong một năm rưỡi qua, cứ mỗi lần anh ghi bàn, người ta lại nói rằng “sự tự tin đã quay trở lại”, nhưng hóa ra nó không trở lại.
Lần này, sau giai đoạn tỏa sáng “có vẻ” dài hơi cùng Chelsea cuối mùa trước, sau trận gặp Ireland, hy vọng được nhen lên mạnh mẽ.
Del Bosque nói rằng ông rất khó khăn khi phải loại những cầu thủ “vốn chẳng biết băng ghế dự bị nằm ở đâu”. Ông đang ám chỉ Fabregas.
Để làm được việc khó khăn ấy, người ta cần rất nhiều động lực. Và hãy hy vọng rằng Croatia và Torres sẽ cho Del Bosque đủ động lực để “đóng khung” cho một Tây Ban Nha thừa mứa ngôi sao.
Bongdaplus.vn