Van Marwijk là kẻ thù của bóng đá Hà Lan?
Không ai có thể chối bỏ những thành tích HLV Van Marwijk đã mang về cho tuyển Hà Lan. Việc từ bỏ lối chơi tổng lực, cống hiến bằng một lối chơi khoa học, thực dụng và hiệu quả trong sơ đồ 4-2-3-1 đã mang lại những thành công, ông đã cùng “Những người Hà Lan bay” đoạt ngôi Á quân tại World 2010 khi chỉ chịu thua Tây Ban Nha với tỷ số sít sao 0-1. Xét về mặt kết quả, Van Marwijk có bảng thành tích tốt hơn những người tiền nhiệm, nhưng sau những gì thể hiện ở Euro này, ông đã và đang trở thành “tội đồ”, “kẻ thù” của những người Hà Lan, những người yêu bóng đá đẹp.
Van Marwijk đã làm rất tốt sau khi kế nhiệm chiếc ghế nóng của tuyển Hà Lan sau EURO 2008, nhưng cũng chính từ đó Hà Lan dường như chỉ còn là chiếc bóng của những bậc tiền bối. Những mĩ từ “cơn lốc”, những trái tim yêu bóng đá đẹp, yêu tuyển Hà Lan trong những năm qua đã bị hoen ố khi chứng kiến vẫn một tuyển Hà Lan nhưng không còn là những cơn lốc mà chỉ là những ngọn gió thoảng.
Trong những thất bại “điên rồ” của Hà Lan trước Đan Mạch, rồi thua “tâm phục” trước Đức… ông như “con mãnh thú bị thương” và không còn đủ sáng suốt để nhìn ra những “sai lầm có hệ thống” của mình trong việc bố trí đội hình và không đưa ra những điều chỉnh chiến thuật hợp lý trong những tình huống “lép vế” đó. Đoàn quân của ông “chưa đánh đã thua” bởi những “cái đầu” không “tuân phục” ngay từ phòng thay đồ. Chưa có được một tập thể đoàn kết, ông lại tỏ ra “kỳ lạ” khi liên tiếp có những “quyết định khó hiểu” từ việc trao chiếc băng đội trưởng cho chàng rể của mình (van Bommel) và luôn điền tên anh trong danh sách xuất phát. Trong khi những người không am hiểu nhiều về bóng đá vẫn có thể thấy Mark van Bommel đã thi đấu không thật sự tròn vai, vấn đề tuổi tác đã “tố cáo tất cả”. Trên hết, ai cũng nhận thấy Sneijder đã thi đấu hay như thế nào, chiếc băng đội trưởng nếu được dành cho anh thì cũng hoàn toàn xứng đáng…
Ông đã không nhận ra điều ấy mà lại tập trung mũi dùi, nặng lời chỉ trích những cầu thủ của mình, điều tối kỵ khi họ chưa bao giờ là một tập thể đoàn kết: “Chúng tôi không tạo được nhiều cơ hội nhưng đã tạo được một số tình huống có thể thực sự ghi bàn. Mọi thứ đã đổ vỡ trong hiệp 2. Đội bóng đã không còn là chính mình.”??? Khi các cầu thủ của ông không còn là chính mình thì ông ở đâu hỡi Van Marwijk. Ông chê hàng thủ, nhưng có bao giờ ông tự hỏi hai chàng tiền vệ phòng ngự ở đâu. Biết rằng hàng thủ của mình chưa thi đấu tốt, ông có “kêu gọi” họ hỗ trợ cho hàng hậu vệ “mỏng manh” đó?
Là người cầm lái, nhưng dấu ấn, cá tính của ông trong những trận đấu vừa qua gần như bị biến mất. Chậm điều chỉnh và khi điều chỉnh kịp thời thì thời gian không còn nữa. Hà Lan như là một miếng ghép ngược và chính ông là gã thợ mộc “quê mùa” khi mải lo “đẽo cày giữa đường” và khiến học trò của tự đánh mất mình, những đôi chân không còn thanh thoát, những cái đầu, cái “TÔI” của từng vị trí trên sân chưa thông suốt. Ông đã để các cầu thủ của mình “hoang dại” hay chính ông đã khiến họ trở nên “hoang dại”. Bóng đã là một môn chơi tập thể và cần tới cả 11 người chứ không thể một vài người “chạy tốt” là có thể đưa đội bóng tới vinh quang.
Dưới tay Marwijk là những “mãnh tướng” đã từng xông pha khắp mọi “chiến trường” và lập vô vàn công trạng nhưng bỗng trở nên “hiền” đến khó hiểu tại EURO 2012. Van Persie, Sneijder, Robben, Van der Vaart, Huntelaar đều đã khẳng định được “thương hiệu” của mình nhưng lại không thể tập hợp những “thương hiệu” đó thành một khối thống nhất. Sở hữu hai chân sút hàng đầu, nhưng vẫn bảo thủ theo sơ đồ “có anh, không có tôi” 4-2-3-1, chính van Marwijk đã tự làm khó mình khi gây ức chế cho những “sát thủ” và chỉ khi vận hành với hai mũi giáp công Van Persie và Huntelaar “lốc” Hà Lan mới có thể bay bổng.
Hà Lan đã thua, thua khuất phục trước sự bản lĩnh, lỳ lợm, khoa học của người Đức; sự chắc chắn, sắc sảo của Đan Mạch; sự thăng hoa của Bồ Đào Nha nhưng trên hết họ tự “thua” với sự “bết bát” của tất cả các tuyến: Phòng thủ “ngây thơ”, hớ hênh như một cô gái đang “nồng giấc trưa”; hàng tiền vệ xơ cứng, thiên phòng ngự hơn chú tâm tới việc đưa bóng lên trên để tấn công có mảng miếng; hàng công được trông chờ nhiều nhất thì luôn trong tình trạng đói bóng, luôn tấn công trong sự mê muội của những cái đầu thiếu kiềm chế của cái TÔI, sự ích kỷ, tham lam đến cùng cực của những ngôi sao chưa bao giờ thực sự lớn… tất cả vẫn như đang chưa tỉnh giấc và nó có tên là “định mệnh”!
Tiền vệ Sneijder đã bật khóc ngon lành khi “Cơn lốc màu da cam” Hà Lan khuất phục trước sức mạnh của “Cỗ xe tăng Đức”, những giọt nước mắt khiến nhiều con tim nghẹn ngào. Nhưng anh chỉ là một cánh én, khúc vĩ thanh trong một bản hòa tấu xô bồ từ những ngón tay lạc nhịp của Van Marwijk.
Sau chức vô địch EURO năm 1988, Hà Lan đã 3 lần lọt vào trận bán kết (1992, 2000, 2004), 2 lần vào tới tứ kết (1996, 2008) và tới vòng chung kết năm nay, người hâm mộ Hà Lan lại một lần nữa “mơ” một giấc mơ vàng. Nhưng đêm nay trước Bồ Đào Nha, giấc mơ đó đã không thành sự thật. Người Hà Lan rất cần một sự tái thiết và người cần làm đầu tiên chính là Van Marwijk!
Nguồn thethaovanhoa