Vào đêm thứ Sáu vừa qua, phát ngôn viên của nhóm hoạt động vì nữ quyền tại Ukraina Femen đã hốt hoảng thông báo rằng 3 thành viên chủ chốt của họ đã bị một nhóm đàn ông bắt cóc ở thành phố Donetsk, nơi mà theo lịch trình họ sẽ tiến hành biểu tình trước trận Pháp –Ukraina. Alexandra Shevchenko, Anna Bolshakova và Yana Zhdanova, những thành viên đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình đình đám trước đây của Femen, có mặt ở Donetsk và phát hiện ra có một nhóm khoảng 15 người đàn ông đang theo dõi mình. Shevchenko mất liên lạc với tổ chức vào lúc 4 giờ chiều hôm 15/6 và một giờ sau đó, liên lạc với Bolshakova và Zhdanova cũng bị cắt đứt.
Một thành viên của FEMEN bị cảnh sát bắt giữ
Trong thông báo trên trang web của mình, Femen cho rằng những tên bắt cóc trên có dấu hiệu thuộc lực lượng an ninh quốc gia Ukraina hoặc là điệp viên của Chính phủ. Femen cũng miêu tả Donetsk như là một “khu vực tự trị” trong lòng Ukraina và tỏ ra rất lo lắng cho tính mạng và sức khỏe của các thành viên trong nhóm.
Cảnh sát thành phố Donetsk đã phủ nhận việc họ có liên quan đến việc biến mất của 3 người phụ nữ nói trên. Nhưng Femen có lý do để không tin vào điều đó. Theo lời thủ lĩnh của nhóm Anna Gutsol thì đây không phải là lần đầu thành viên của Femen bị bắt cóc. Chính Shevchenko và hai đồng nghiệp cũng từng biến mất vào hồi tháng 12 năm ngoái sau khi ngực trần biểu tình ở Belarus nhằm chống lại Tổng thống Alexander Lukashenko. Anna cho biết khi đó, 6 người đàn ông thuộc Tổ chức tình báo của Belarus là KGB bắt họ tại một bến xe bus ở Minsk và sau đó đưa họ tới một nơi xa xôi hẻo lánh. Anna cáo buộc những người này đã đổ dầu lên người thành viên của Femen, dọa dẫm sẽ thiêu cháy họ và cắt hết tóc. Sau đó những người này bị bỏ lại trong rừng.
Đấu tranh hay quấy rối?
Gây chú ý khi đấu tranh chống lại EURO 2012 với mục tiêu đòi quyền lợi cho nữ giới. Thế nhưng, những hoạt động của Femen có thể nói là chỉ dừng ở mức độ gây ấn tượng chứ chưa cho thấy một kết quả thiết thực nào. UEFA vẫn tiến hành tổ chức giải đấu và Chính phủ Ukraina vẫn cho tuyên truyền tình dục an toàn trước nạn mại dâm đang bùng phát khắp đất nước. Khi những trận đấu đã khởi tranh, vấn đề mà họ quan tâm là diễn biến trên sân cỏ, nạn phân biệt chủng tộc, bạo loạn giữa CĐV và cả quảng cáo bất hợp pháp chứ không phải là nữ quyền.
Đây không phải lần đầu tiên thành viên FEMEN mất tích
Nguyên nhân chính khiến các hoạt động của Femen không mang tính hiệu quả là bởi họ không được coi là một tổ chức chính trị bởi khi Femen biểu tình thì Hội phụ nữ của Ukraina vẫn tiến hành những hoạt động nhằm phát triển quyền lợi và khả năng của nữ giới. Với chính quyền Ukraina, Femen không thuộc tổ chức chính trị nào mà chỉ là một nhóm chuyên gây rối với đội quân ngực trần.
Bên cạnh đó, việc đứng đầu Femen là những người xuất thân từ nghệ sĩ với tố chất “ngông” cũng khiến cho hoạt động của họ không được đề cao. Trên thực tế, Femen được DJ Hell, tức Helmut Josef Geier, một tay DJ người Đức nổi tiếng thế giới từ những năm 1980 tài trợ về mặt tài chính với lý do “Họ cũng điên như tôi.” Còn người đứng đầu Anna Gutsol, cũng là một nghệ sỹ, thì được cho là thuộc giới tính thứ ba và ngoài việc dẫn dắt các thành viên thì còn lợi dụng…tình cảm.
Cũng bởi tính thiếu chuyên nghiệp và không được dẫn dắt bởi một tổ chức hay cá nhân uy tín, trải qua bao nhiêu năm hoạt động Femen vẫn chỉ là “tổ chức lố bịch” dưới con mắt của Chính phủ, “những đứa con hư” của gia đình khi phanh ngực giữa đường phố và khó lấy chồng vì đàn ông thường không chấp nhận những phụ nữ như vậy.
Thế nên, việc họ mất tích cũng không vì thế mà quá rùm beng bởi có lẽ họ bị cảnh vệ hay lực lượng an ninh đâu đó giữ lại vì tội quấy rối. Rồi sau đó ít ngày họ lại được trả về sau khi trải qua quá trình thẩm vấn. Điều này, thành viên Femen có lẽ đã quá quen.
Nguồn Thể thao văn hóa