2014/15 - mùa giải suy tàn của vị trí tiền vệ trụ
Sau này, người ta sẽ nhìn lại Lampard, Gerrard, Xavi, Kehl để đúc kết hẳn một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển chuyên môn của bóng đá đỉnh cao.
Steven Gerrard
Frank Lampard
Sebastian Kehl
TỪ TRỤ CỘT THÀNH RÀO CẢN CỦA ĐỘI BÓNG
Chỗ tương đồng đầu tiên: Xavi (Barcelona), Steven Gerrard (Liverpool), Sebastian Kehl (Borussia Dortmund) đều đã ở tuổi 35. Đấy chưa phải là độ tuổi quá già khiến họ không thể chạy nữa. Vậy nên, họ đâu đã chính thức giải nghệ! Xavi sẽ sang Qatar trong khi Gerrard sang Mỹ, vừa để dối già, vừa để tranh thủ kiếm thêm chút đỉnh từ những bản hợp đồng chắc là không tồi về mặt tiền bạc. Kehl thì dự định thư giãn vài tháng “trước khi có quyết định mới”.
Tất cả cho thấy một điều, họ đều chưa cam tâm vui thú điền viên. Vẫn còn “cày” được, nên họ đâu dễ dàng lui vào bóng tối. Vậy nên, đây là chỗ tương đồng tiếp theo: họ phải chia tay CLB của mình chẳng qua vì không còn kham nổi yêu cầu khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao. Muốn níu kéo thêm, cũng chẳng được.
Đến đây, lại phải kể thêm Frank Lampard (Man City). Tất cả đều giống, trừ mỗi khác biệt nhỏ nhoi: Lampard già hơn 2 tuổi so với 3 ngôi sao còn lại. Khác biệt tuy nhỏ nhưng lại nói lên một vấn đề lớn: các ngôi sao kia không “già” vì cái tuổi 35 cụ thể (vì còn có người... già hơn họ).
Steven Gerrard
Một thời, họ là trụ cột, là biểu tượng ở CLB của mình. gắn bó với Chelsea trong suốt 13 năm rực rỡ nhất của đời cầu thủ. Kehl ở Dortmund cũng vậy. Gerrard hoặc Xavi còn đặc biệt hơn: họ đã gắn bó cả đời với CLB duy nhất trong sự nghiệp.
Họ là một phần của Liverpool hoặc Barcelona - phần quan trọng trong cả lịch sử CLB. Họ là nhân vật trung tâm để các HLV dựa vào đấy mà xây dựng lối chơi toàn đội. Bây giờ, họ phải ra đi không chỉ vì đã luống tuổi. Cay đắng ở chỗ, những biểu tượng ấy giờ đã trở thành rào cản cho chính CLB của mình.
LỐI CHƠI ĐÃ LỖI THỜI
Đến đây, câu chuyện của cả mùa bóng rẽ sang hướng khác, vượt khỏi giới hạn của những cái tên cụ thể như Gerrard hoặc Xavi. Đấy là xu hướng chiến thuật, là sự thay đổi liên tục của lối chơi trong bóng đá đỉnh cao. Như đã nêu trên, những biểu tượng một thời giờ phải ra đi không chỉ vì đã luống tuổi, mà quan trọng là vì họ đã trở nên thừa thãi, không phù hợp với yêu cầu mới về mặt chuyên môn. Họ “hết thời” về lối chơi hơn là tuổi tác.
Frank Lampard
Lối chơi phát triển theo kiểu xoắn ốc, nghĩa là không hoàn toàn bỏ đi những giá trị cũ mà cũng chẳng hề nảy sinh điều gì hoàn toàn mới mẻ. Từ thời xa xưa, Nobby Stiles hoặc Marco Tardelli đã được khen ngợi, trước khi vai trò tiền vệ trụ nở rộ, trở thành vai trò cực kỳ quan trọng, đến nỗi người ta dùng luôn cái tên Claude Makelele như một khái niệm, một vai trò trong bóng đá.
Đấy là mẫu tiền vệ trung tâm chủ yếu “dọn dẹp”, thu hồi bóng cho đồng đội. Tiền vệ trung tâm chuyên khởi đầu pha tấn công thì bóng đá cũng đã có những Gerson hoặc Glenn Hoddle từ rất lâu rồi.
Khi bóng đá đỉnh cao bước sang thế kỷ 21, cứ phải nói rằng các đội hơn thua nhau chủ yếu là ở khu vực giữa sân, cụ thể là ở các vị trí tiền vệ trung tâm. Gerrard chưa chắc đã là một tài năng đặc biệt. Anh trở thành “ông chủ Liverpool” một phần vì anh vươn lên đúng lúc “mốt” chơi bằng tiền vệ trung tâm phát triển rực rỡ.
Bây giờ, thời kỳ rực rỡ của các tiền vệ trung tâm đã trôi qua. Tất nhiên, không có chuyện xóa sổ vai trò tiền vệ trung tâm, nhưng người ta không nhất thiết cứ phải hơn thua nhau ở khu giữa sân nữa. Gerrard, Lampard, Kehl hay Xavi chỉ là những cái tên cụ thể. Không chỉ họ, mà vai trò quan trọng của họ cũng đã hết thời.
ĐÃ CÓ XU HƯỚNG MỚI
HLV Luis Enrique nói: “Không bao giờ có một Xavi thứ hai”. Đấy là sự thật, hay chẳng qua là cách nói “ngoại giao” trong phút chia tay? Tùy bạn. Và đây là một trong những cách hiểu: Enrique nói vậy vì trong đội hình Barcelona của ông, vị trí của Xavi chẳng bao giờ là vị trí quan trọng nữa.
Sebastian Kehl
Quá rõ ràng: Barcelona chủ yếu đá bằng bộ ba tiền đạo Lionel Messi, Luis Suarez, Neymar trong suốt mùa bóng vừa qua. Phân tích kỹ hơn, Barcelona đã có một bước tiến dài về khả năng phòng ngự. Hậu vệ Barca bây giờ công thủ toàn diện, rất giỏi trong việc tung những đường chuyền dài để nhanh chóng đưa bóng về phía tiền đạo.
Barca, bây giờ, thậm chí phản công cũng hay. Tóm lại, Barcelona bây giờ không đá bằng tiền vệ như thời kỳ Tiqui-Taca nữa. Vấn đề đâu phải là Xavi (hoặc Andres Iniesta già nua). Enrique chưa bao giờ cho thấy ông có nhu cầu tìm ra những tiền vệ giỏi, trẻ hơn, để thay thế các lão tướng. Sẽ không có Xavi mới là vì vậy.
Vấn đề cuối cùng chỉ là: có đúng rằng bóng đá đỉnh cao bây giờ đã xem nhẹ vai trò tiền vệ trung tâm? Đấy có thực sự là một trào lưu, phổ biến khắp nơi? Có vẻ như thế thật. Hãy xem, đâu là “cầu thủ số 6” tỏa sáng ở mùa bóng 2014/15? Dù có, cũng không rõ ràng, và rất hiếm. “Số 10 thần thánh” còn bị lãng quên, huống hồ là “số 6”...