Miroslav Klose: Giỏi săn bàn thắng World Cup nhờ nghề... câu cá
ĐI NGỦ VỚI CỪU NON, THỨC GIẤC VỚI SƠN CA
Ở cái tuổi 36, Miroslav Klose vẫn giữ được thể lực và khả năng săn bàn thiên bẩm. Vậy đâu là bí quyết của kỷ lục gia săn bàn mới tại các vòng chung kết World Cup? Ai thì không biết nhưng với Klose, đơn giản là ngủ nhiều và rượu ít.
Klose bắt đầu thói quen sinh hoạt “ngủ nhiều và rượu ít” từ mùa Hè 2011, khi anh rời Bayern Munich để tới Thủ đô Italia đầu quân cho Lazio. Cứ như một… cái máy được lập trình, 21 giờ đêm, Klose lên giường, ôm vợ và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngon lành. Tới 6 giờ sáng ngày hôm sau thì chân sút Lazio tỉnh giấc.
Người Việt ta hay nói: “Ăn được ngủ được là tiên”. Người phương Tây thì khuyên: “Hãy đi ngủ với con cừu non và thức giấc cùng con chim sơn ca”. Nhưng thực ra, nếu không vì vướng bận chuyện con cái, Klose có thể ngủ tới nửa ngày. Trong cuộc trò chuyện về thói quen sinh hoạt của mình với tờ Focus, Klose bảo: “Đưa con đi học là nhiệm vụ của tôi. Mỗi buổi sáng, dù còn rất thèm ngủ, tôi phải dậy từ 6 giờ sáng rồi đưa chúng tới điểm xe bus tới trường. Buổi trưa, tôi ngủ thêm 2 tiếng nữa”.
Khoa học cho rằng, người trưởng thành nên ngủ mỗi ngày trung bình 8-9 tiếng. Nhưng Klose ngủ tới 11 giờ mỗi ngày, điều đó có hại? Bác sĩ Yann-Benjamin Kugel, chuyên gia thể lực của ĐT Đức khẳng định: “Tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người, miễn sao mỗi khi tỉnh giấc, bạn cảm thấy cơ thể mình sảng khoái”.
1 TRẬN SAY, 10 NGÀY HÔN MÊ
11 giờ mỗi ngày. Klose ngủ rất nhiều nhưng cây săn bàn lừng danh của Die Mannschaft lại uống rất ít rượu. Cụ thể hơn, một chút rượu vang Italia mỗi ngày cũng là bí quyết duy trì thể lực, sức bền và độ dẻo dai cho lão tướng tuổi 36.
Klose từng tiết lộ với Die Welt: “Tôi không uống rượu nhiều như trước kia. Nhưng ở Italia, phong tục của họ là uống rượu vang vào bữa trưa. Khi tôi tới Lazio, lãnh đạo đội bóng cũng khuyên tôi uống một chút vang hằng ngày vì nó rất tốt cho sức khỏe. Tôi dường như đã nghiện hương vị của vang đỏ Italia. Nhưng trong thời gian tham dự VCK World Cup 2014, tôi sẽ không đụng tới một giọt rượu vang, dù là vang đỏ Italia tôi vẫn dùng hằng ngày, bởi với khí hậu nóng và ẩm ở Brazil, đồ uống này sẽ có tác dụng không tốt cho sức khỏe”.
Không phải ngẫu nhiên mà khi trả lời phỏng vấn Die Welt, Klose lại phải rào đầu bằng câu: “Tôi không uống nhiều rượu như trước kia nữa”. Bởi trong quá khứ, tiền đạo gốc Ba Lan từng là gã “bợm” khét tiếng chẳng kém gì những “huyền thoại bợm” như George Best hay Paul Gascoigne.
Klose không thể nhớ nổi thời “trẻ trâu”, anh đã bao phen vừa uống vừa… “tiểu cả ra quần”. Nhưng Klose không bao giờ quên bữa rượu với một “bợm già” ngay sau trận đấu ra mắt Werder Bremen vào tháng 8/2004. Nhớ vì chén tạc, chén thù với một ông lão mà tới giờ Klose còn chẳng nhớ nổi tên, anh đã phải… nhập viện.
Về trận rượu suýt chết ấy, cựu tiền đạo Bremen tiết lộ với Bild: “Năm 2004 sau trận ra mắt Bremen, tôi uống với một ông già trong quán rượu nhỏ. Rất nhiều rượu và tôi gục xuống. Người ta đưa tôi tới bệnh viện, tôi nằm hôn mê khoảng 9 đến 10 ngày. Đó là trận say cuối cùng trong cuộc đời của tôi”.
CẦN THỦ MIRO BUÔNG CÂU NHƯ THẾ NÀO?
Thế đấy, 11 giờ ngủ và 1 ly rượu vang đỏ Italia mỗi ngày, là bí quyết thể lực của lão tướng Miroslav Klose. Nhưng còn kỹ năng săn bàn, đâu là bí quyết của kỷ lục gia bàn thắng World Cup? Trả lời phỏng vấn tờ Abendzeitung ngày 7/6/2011, Klose khẳng định, đó là… câu cá, vì cây săn bàn vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup của ĐT Đức cũng là cần thủ. Anh nói: “Bạn phải kiên nhẫn, di chuyển hợp lý và chọn đúng vị trí, thời điểm. Nó giống như bạn đi câu cá vậy”.
Hãy nhớ lại xem Klose đã chơi như thế nào trong 20 phút cuối của trận Đức - Ghana, khi anh được HLV Joachim Loew tung vào sân thay Mario Goetze?Klose chạm bóng đúng 2 lần trong khu vực 16m50 (5 lần trên toàn mặt sân) nhưng 1 trong số đó làm tung mành lưới Ghana, giúp ĐT Đức san bằng cách biệt 2-2 đồng thời giúp anh cần băng kỷ lục ghi 15 bàn thắng trong các kỳ World Cup với “Người ngoài hành tinh” Ronaldo. Đúng là không phải cây săn bàn nào cũng biết chọn thời điểm và địa điểm thích hợp để “buông câu” như Klose.
Cầu thủ Klose bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp cho Blaubach-Diedelkopf năm 1997 khi anh 19 tuổi. Nhưng sự nghiệp “buông câu chuyên nghiệp” của cần thủ Klose thì sớm hơn rất nhiều, khi anh khoảng 12 tuổi.
Klose tiết lộ với Abendzeitung: “Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đi câu của mình, khi tôi 12 tuổi. Đó là ở kỳ nghỉ tại miền Nam nước Pháp cùng cha tôi và vài người bạn của ông đến từ Kaiserslautern. Chúng tôi câu trên một chiếc thuyền nhỏ và tôi mê câu cá từ thời điểm đó”.
Tất cả những địa điểm câu nổi tiếng tại nước Đức, Pháp hay Italia, Klose đều đã buông câu. Tuy nhiên, điểm câu ưa thích nhất của tiền đạo ĐT Đức là đoạn hạ nguồn sông Isar ở xứ Bavaria. Ở đó, Klose khiến nhiều cần thủ phải kính nể với biệt tài câu cá hồi vân và cá hồi nâu.
Klose tự hào khoe với Abendzeitung: “Cá hồi vân và cá hồi nâu là những loại cá khó câu nhất trên dòng sông Isar, bởi chúng có sức mạnh và trí thông minh để nhận ra mồi câu. Bạn phải có bí quyết tạo ra mồi hấp dẫn và tự nhiên nhưng phải thay đổi liên tục, chúng mới chịu cắn câu. Dĩ nhiên, bạn cũng cần phải kiên nhẫn với loài cá thông minh này. Mỗi khi câu được một con cá hồi vân to, tôi cũng có cảm giác chiến thắng như ghi được bàn thắng trên sân cỏ vậy”.
Cần thủ Klose không có đối thủ ở hạ nguồn Isar. Và giờ, anh vẫn đang kiên nhẫn, tiếp tục buông câu ở “hồ câu lớn” mang tên World Cup.
Klose giàu cỡ nào?
Là cây săn bàn hàng đầu châu Âu và World Cup thì đương nhiên Miroslav Klose phải được hưởng mức thu nhập xứng đáng với những cống hiến của anh. Tiền đạo 36 tuổi của ĐT Đức hiện đang hưởng mức lương 31.000 bảng/tuần cùng khoản thưởng 244.000 bảng/năm ở Lazio. Ngoài thu nhập từ bóng đá, Klose còn có nguồn thu từ bản hợp đồng tài trợ lớn của hãng Nike. Và theo thống kê của The Goal Rich List, khối tài sản hiện tại của Klose lên tới 20,5 triệu bảng, xếp thứ 29 trong Top 100 cầu thủ giàu nhất thế giới. Được biết, chân sút gốc Ba Lan sẽ tiếp tục thi đấu cho Lazio thêm một mùa giải nữa và sau khi mùa bóng 2014/15 khép lại, anh sẽ giải nghệ để theo nghiệp huấn luyện.