World Cup 2014: Sự lên ngôi của sơ đồ 5 hậu vệ
* Nhật ký World Cup ngày 21/6
* Lịch World Cup 2014
* Lịch World Cup 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Trên lý thuyết, đó là đội hình 5-3-2, nhưng trong hoàn cảnh ở một trận đấu hiện tại, ít HLV nào lại dùng tới 5 hậu vệ bên phần sân nhà, trừ trường hợp muốn “dựng xe bus”. Trên thực tế, 2 hậu vệ biên trong đội hình này thường được kéo lên khu vực giữa sân, tạo thành sơ đồ 3-5-2 rất biến ảo. Mấu chốt của đội hình này chính là ở 2 hậu vệ biên, khi họ sẽ phải liên tục di chuyển ở 2 bên trục hành lang, đảm nhiệm một lúc 2 vị trí: hậu vệ và tiền vệ phòng ngự. Và thậm chí có thể nhô cao hơn, trở thành một cầu thủ chạy cánh.
Nếu có được những sự lựa chọn tốt về mặt nhân sự ở 2 vị trí rất kén người này, một đội bóng sẽ có được sự cân bằng đáng nể ở cả mặt trận tấn công lẫn phòng ngự. Thế nên, đội hình này vẫn chưa thực sự phổ biến tại châu Âu nói riêng, và trên thế giới nói chung. Juventus là ví dụ xuất sắc nhất ở việc áp dụng thường xuyên sơ đồ này tại Serie A mùa giải năm ngoái. Liverpool cũng có một vài trận đấu thử nghiệm rất thành công. Đây chính là sơ đồ “khắc tinh” của 4-2-3-1 đang rất thịnh hành vào thời điểm hiện tại.
Mexico là đội bóng đầu tiên “trình làng” sơ đồ này tại World Cup. HLV Miguel Herrera đã sử dụng 2 hậu vệ biên là Miguel Layun (trái) và Paul Aguilar (phải). Cả hai đều chơi bám biên, cả ở bên phần sân nhà. Tốc độ và kỹ năng đi bóng của hai cầu thủ này cho phép họ áp sát khu 16m50 của đối thủ. Trong khi những đường chuyền của Layun luôn nhắm tới tiền đạo cắm Oribe Peralta (lệch trái), thì Aguilar có thiên hướng phối hợp nhiều hơn với Giovani Dos Santos (lệch phải). Những tình huống phối hợp 1-2 của những cầu thủ chạy biên này khiến hàng thủ đối phương rối loạn, và tạo nhiều khoảng trống hơn để Dos Santos tìm thấy Peralta.
Trong khi đó, HLV Louis van Gaal đã giúp ĐT Hà Lan nâng tầm đẳng cấp với sơ đồ này. Van Gaal đã rất dũng cảm thay đổi đội hình truyền thống 4-3-3 và 4-2-3-1 của Oranje, để mang đến nét khác biệt trong lối chơi tấn công tổng lực. Daryl Janmaat (phải) và Daley Blind (trái) là những cái tên đảm trách 2 vị trí phức tạp nhất ở 2 bên cánh. Trong khi Janmaat chuyên tâm hơn về nhiệm vụ hỗ trợ cho 3 cầu thủ trung vệ, thì Blind góp mặt nhiều hơn ở mặt trận tấn công. 2 pha kiến tạo của anh trong trận mở màn với ĐT TBN đã nói lên tất cả. Lối chơi nhanh của TBN ở khu vực giữa sân đã bị bóp nghẹt không thương tiếc, đồng thời họ cũng không có ý tưởng để ngăn chặn lối chơi biến ảo của Hà Lan.
Chưa hết, La Roja còn phải hứng chịu một thất bại nặng nề khác trước đối thủ cùng bảng là Chile, cũng trong một màn đấu trí với sơ đồ 5 hậu vệ. Isla và Mena là những người đã hoàn thành quá tốt nhiệm vụ của mình trong màn đối đầu với TBN. Họ vừa khiến Pedro và David Silva của TBN “câm lặng”, vừa hỗ trợ đắc lực cho Aranguiz và Diaz trong việc khóa chặt Andres Iniesta. Có thể thấy Chile đã “bắt chước” thành công chiến thuật của Hà Lan, dù ở trận mở màn với Australia, họ cũng đã “lên đồng” với sơ đồ 4-4-2.
Bất ngờ lớn nhất tại giải, ĐT Costa Rica, cũng đang bay cao với chiến thuật mới mẻ này. Đến Brazil với không nhiều kỳ vọng, cùng một lối chơi còn nhiều bí ẩn, Los Ticos đã áp dụng thành công sơ đồ 3-5-2 phòng ngự phản công. Uruguay chính là nạn nhân đầu tiên với trận thua bạc mặt 1-3 ngay trong ngày ra quân. Điểm nhấn của Costa Rica chính là hai cầu thủ đánh biên Gamboa (phải) và Diaz (trái). Di chuyển không biết mệt, và kết hợp tốt với Bryan Ruiz, Joel Campbell ở tuyến trên, sự góp mặt của Gamboa và Diaz khiến Costa Rica luôn có lợi thế bên phần sân đối thủ. Italia cũng đã nếm trải cay đắng từ sự hiệu quả trong chiến thuật của Costa Rica, dù họ là một “ông kẹ” trong lối chơi phòng ngự.
Với nhiều ưu việt như vậy, sơ đồ 5-3-2/3-5-2, nhiều khả năng sẽ trở thành một trào lưu mới, khi các giải VĐQG châu Âu trở lại vào tháng 8 tới. Nó hứa hẹn sẽ còn nhiều biến đổi hơn nữa để phù hợp với phong cách bóng đá ở từng khu vực.