
Nhịp đập World Cup: Khi các đại gia lập lại trật tự
* Nhật ký World Cup ngày 4/7
* Lịch World Cup 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Ở mùa bóng vừa diễn ra trước thềm World Cup 2014, có một tấm gương sáng ngời cho chủ trương “ăn thua đủ” trước các đối thủ hùng mạnh. Đấy là Atletico Madrid, đội luôn tranh chấp quyết liệt, bung sức quyết đấu bất kể đối phương mạnh đến cỡ nào.
Họ nhiều lần hạ gục gã khổng lồ Barcelona. Và họ thành công vang dội với chức vô địch La Liga. Nhưng ở rào cản cuối cùng trước một cú đúp có thể làm cả thế giới bàng hoàng, Atletico đành thúc thủ, thua đậm Real Madrid 1-4 trong trận chung kết Champions League.
Tất nhiên, La Liga hoặc Champions League khác hẳn World Cup. Nhưng chủ trương táo bạo của Atletico lại là điều mà các ĐTQG có thể tham khảo và áp dụng tại World Cup. Atletico luôn chơi hết sức, hoặc như cách nói phóng đại thường thấy là họ chơi với 110% khả năng thực.
Cách chơi như thế làm cho Atletico trở nên ngang hàng với các đối thủ trên tài, trong phần lớn thời gian của các trận đấu. Bóng đá quả cũng dành chỗ cho một lý thuyết như vậy, nhưng với một giới hạn cũng rất rõ ràng.

ĐT Brazil tràn đầy khả năng vô địch
Trong khoảng 15 phút cuối, người xem luôn được chứng kiến một Atletico sức cùng lực kiệt. Họ chỉ thành công nếu giữ vững được - bằng bất cứ nguyên nhân gì - cái ưu thế “ảo” trong suốt 75 phút đầu. Họ dẫn Real 1-0 đến phút 90+3 thì bị gỡ hòa. Và kết cục tất yếu: Real thắng chung cuộc 4-1, rất dễ dàng.
Những gì Atletico làm được trước Barcelona, nhưng không làm được trước Real, cũng chính là những gì Chile làm được trước TBN nhưng không làm được trước Brazil tại World Cup này.
Ở vòng bảng, Chile can đảm quyết đấu, ăn thua đủ với TBN bằng tỷ lệ kiểm soát bóng 48%-52% trong suốt hiệp đầu. Đến khi trận đấu kết thúc, tỷ lệ kiểm soát bóng nhìn từ phía Chile chỉ còn là 37%-63%. Nhưng đội “chiếu dưới” biết cách bảo toàn ưu thế 2-0 mà họ sớm tạo được ở hiệp 1. Và Chile gây một bất ngờ động trời. Nhưng tất nhiên, các đội “chiếu dưới” - kể cả Chile - không thể thành công mãi bằng con đường ấy.
Đừng vội cho rằng Brazil ăn may hoặc Chile rủi ro khi trận knock-out giữa họ chỉ được phân định bằng trò “xổ số 11m”. Đâu phải tự nhiên mà các cầu thủ Chile sút hỏng liên tiếp 2 quả đầu tiên, rồi lại sút hỏng ở quả quyết định. Sức cùng lực kiệt cả rồi.
Cái hay của Chile, cũng như của không ít đội “chiếu dưới” khác tại World Cup này, chính là con đường táo bạo mà họ đã chọn, noi gương Atletico. Đấy cũng là cái hay của World Cup này. Dù sao đi nữa, cũng phải đến lúc các ông lớn lập lại trật tự.
Người ta không thể cứ thành công mãi chỉ bằng chủ trương táo bạo, bằng những canh bạc tất tay!
Ăn nhau phút chót

Mexico ghi bàn trước, nhưng Hà Lan thắng ngược 2-1 trong trận đấu giữa họ ở vòng 1/8. Đấy chưa chắc là kết cục ngẫu nhiên. Hãy nhìn vào sự khác biệt giữa các số liệu kỹ thuật trong toàn trận và trong 15 phút chót của cặp đấu này.
Các cầu thủ Hà Lan di chuyển tổng cộng 112.565m, gần như tương đương với các cầu thủ Mexico: 112.382m. Nhưng trong 15 phút chót, các cầu thủ Hà Lan di chuyển tổng cộng 16.248m, hơn hẳn so với các cầu thủ Mexico: 15.120m. Đấy không phải là khác biệt duy nhất.
Bảng thống kê dưới đây cho thấy số lần tấn công nguy hiểm của Hà Lan cao hơn Mexico đến 7 lần (cụ thể: 7-1) trong 15 phút chót. Còn trong cả trận, số lần tấn công nguy hiểm của Hà Lan chỉ nhiều hơn gấp rưỡi Mexico (cụ thể: 48-29). Số lần sút cầu môn trong toàn trận không khác nhau bao nhiêu (14-12). Còn trong 15 phút chót, Hà Lan dứt điểm nhiều gấp 4 lần Mexico (4-1).