32 đội bóng dự World Cup 2014 đều chịu sức ép nhất định nhưng không ở đâu sức ép lớn như ở Brazil, nơi đăng cai.
Sự nghiệp của các cầu thủ, HLV và các quan chức Liên đoàn có thể sẽ thay đổi sau kỳ World Cup này, phụ thuộc vào việc đội nhà có vô địch hay không. Nếu chiến thắng, chi phí đăng cai khổng lồ sẽ được đền bù lại bằng sự kiện lịch sử. Ngay cả tổng thống Dilma Rousseff cũng đang chờ đợi sự kiện này vì nó sẽ quyết định sự nghiệp chính trị của bà trong chiến dịch tái cử cuối năm.
Và ở trung tâm của sức ép ấy, đó là Felipe Scolari. Một huyền thoại. Scolari đã từng đưa đội tuyển này tới vinh quang và ông được chờ đợi sẽ lặp lại điều ấy lần nữa. Cho đến lúc này, Scolari đã tiếp nhận sức ép bằng cả hai bàn tay.
“Chúng tôi là chủ nhà. Như vậy có nghĩa là, điều tối thiểu mà chúng tôi phải đạt được - điều tối thiểu - đó là chiến thắng”.
Giáo sư Regina Brandao (phải), trợ thủ đắc lực của HLV Scolari
Để chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới cũng như điều chỉnh bản thân với sức ép công việc, Scolari đã nhờ tới một vũ khí bất ngờ: Một chuyên gia tâm lý học. Regina Brandao, giáo sư Đại học Sao Judas Tadeu ở Sao Paulo đã là thành viên của ban huấn luyện của Big Phil từ thập niên 1990. Bà tuy không phải một chuyên gia về chiến thuật bóng đá nhưng đã làm công việc đánh giá khả năng của các tuyển thủ Brazil để giúp Scolari triệu tập 23 người mà ông và cả Brazil kỳ vọng cho VCK sắp tới.
“Công việc của tôi là thiết lập hồ sơ tâm lý các cầu thủ”, bà Regina trả lời trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi. “Qua những hồ sơ ấy, ông Scolari có thể làm việc cá nhân và làm việc tập thể với các cầu thủ dễ hơn. Ông ấy muốn hiểu cảm giác của các cầu thủ cũng như ảnh hưởng tâm lý hiện diện trong phong độ của họ”.
Học hỏi từ ĐT Đức
Scolari không phải người đầu tiên có cách làm việc như vậy. Jurgen Klinsmann cũng làm điều tương tự trước World Cup 2006. Nhưng với Scolari, có được những hồ sơ do bà Brandao cung cấp giúp ông có thể “đổi màu” như một con tắc kè. Ngày hôm nay ông có thể sẽ mang màu sắc này cho đội hình của mình nhưng ngày hôm sau có thể hoàn toàn thay đổi.
Bà Brandao đã yêu cầu các tuyển thủ Brazil phải trả lời những bảng hỏi đáp. Họ sẽ phải tự đánh giá từng sự kiện có thể ảnh hưởng tới mình như thế nào bằng việc đánh dấu vào thang mức độ, và những thang mức độ ấy được thể hiện bằng những khuôn mặt, từ mặt cười cho đến mặt mếu hay tức giận.
Những câu hỏi ấy đôi lúc rất cơ bản: “Bạn cảm thấy thế nào khi đốt lưới nhà?”. Mấu chốt mà bà Brandao quan tâm sẽ là xu hướng phản ứng cử đa số cầu thủ, để từ đó Felipe Scolari hình thành một kế hoạch rõ ràng trong đầu.
Đôi lúc kết quả cho ra những điều rất thú vị, như việc các cầu thủ người Brazil và Bồ Đào Nha, dù nói cùng thứ tiếng và có văn hóa tương đồng, có cách hành xử hết sức trái ngược trong nhiều tình huống. Người BĐN khá trung dung về mặt tình cảm, họ có thể tìm thấy những mặt tích cực trong những việc tiêu cực, nhưng với người Brazil thì việc bị thẻ vàng là hoàn toàn tiêu cực. Người Brazil tỏ ra khá cực đoan trong cảm xúc và dễ bị đánh lạc hướng bởi những yếu tố bên ngoài. Một báo cáo của bà Brandao có viết, Scolari cần tế nhị khi nói chuyện với những tuyển thủ đang sắp hết hợp đồng với CLB.
Các báo cáo của bà Brandao đôi khi trực tiếp quyết định cách làm việc của Scolari. Nếu như Jurgen Klinsmann giữ đội hình xuất phát tới lúc sắp vào trận mới công bố, Big Phil nói ngay với các học trò từ đầu vì người Brazil cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi được biết trước quyết định. Bà khẳng định: “Các cầu thủ người Brazil luôn có sự căng thẳng nhất định trong cảm xúc với nhiều sự kiện dù tốt hay xấu. Đó là một vấn đề về văn hóa”.
Bà Regina tham mưu cho Scolari chọn Ronaldo làm đội phó ĐT BĐN ở Euro 2004
Bà Regina Brandao đã đôi lần trực tiếp gặp mặt các cầu thủ, và khi Felipe Scolari dẫn dắt Bồ Đào Nha ở EURO 2004, bà đã cố vấn cho Big Phil chọn cựu binh Nuno Gomes làm đội trưởng và cầu thủ trẻ Cristiano Ronaldo làm đội phó. 2 năm trước đó, sự có mặt của bà Brandao rất quan trọng trong việc xây dựng tình cảm bền chặt giữa các tuyển thủ Brazil tại World Cup 2002, khi phần lớn trong số họ trở về đội tuyển từ tứ xứ.
Và, những nghiên cứu của bà Regina đã khiến “Felipao”, như các cầu thủ vẫn gọi Scolari, trở thành một nguồn kích thích cảm xúc đặc biệt. Khi các cầu thủ ngủ dậy vào buổi sáng hôm diễn ra trận chung kết Confeds Cup 2013 với Tây Ban Nha, họ đã tìm thấy những lá thư dấu dưới gầm giường, viết:
“Mặt trời đang mỉm cười, với luồng sáng của hy vọng, cùng thông điệp đến bạn, những con người đặc biệt: Hãy tiến bước và hoàn tất hành trình của mình”.
Trung phong Fred nói: “Hiểu một cách đơn giản, ông ấy nói với chúng tôi rằng, tất cả những gì chúng tôi làm, mỗi trận đấu mà chúng tôi ra sân, đất nước luôn song hành, và đồng bào sẽ chết nếu tôi không chiến thắng”.
ĐT Brazil tự tin hướng tới chức vô địch Thế giới trên sân nhà
Đối với Scolari, chiến thắng là mục đích cuối cùng của mọi trận bóng đá. Ông có thể ngồi lại và trả lời một câu hỏi mà chính ông đã cảm thấy mệt mỏi khi phải trả lời: “Với tôi, nếu không thể vừa thắng vừa đá đẹp, vậy thì hãy thắng bằng cách khác. Thắng bằng đá đẹp là điều tuyệt vời, nhưng đá đẹp mà thua thì vô cùng tồi tệ. Bất kỳ kẻ nào nói điều ngược lại đều là người ngốc nghếch”.
“Nếu chúng tôi có thể đá đẹp và thắng, chúng tôi sẽ làm điều đó. Còn nếu không, chúng tôi chỉ cần thắng. Và những gì tôi làm là bảo đảm cho các cầu thủ có trạng thái tâm lý phù hợp để chiến thắng”.