Các CĐV Pháp đã quá chán đội tuyển của họ
Không có nhiều đội tuyển "đặc biệt" như đội tuyển Pháp những năm gần đây. Những trận đấu trên sân nhà của họ đã trở thành một nỗi ám ảnh. Ngay cả ở sân chính Stade de France, nếu các khán đài không lạnh lẽo đến ghê người, thì chúng sẽ ồn ào theo cách mà không một thành viên nào của đội tuyển Pháp mong muốn. Tất cả đều bị la ó, từ HLV trưởng cho tới các cầu thủ dự bị. Gần như không có ngoại lệ. Người "may mắn" nhất là người không bị la ó, và hoàn toàn không có những tiếng vỗ tay khích lệ.
Còn tệ hơn cả căm ghét, người Pháp dường như đã trở nên vô cảm với số phận của đội tuyển mà trên danh nghĩa là những người đại diện cho đất nước họ. Trong một cuộc điều tra nhanh được tiến hành trước trận lượt về Pháp-Ukraine, 84% người được hỏi cho rằng Pháp không có cơ hội lội ngược dòng. Nhiều trong số đó thú nhận họ chỉ biết kết quả trận lượt đi qua truyền hình và báo chí, và không có ý định theo dõi trận lượt về. Thật khó để "chiến đấu tới chết" (lời Giroud) trong bầu không khí chán chường như thế.
Vì sao người Pháp lại chán ngán đội tuyển của họ đến vậy? Câu trả lời, thực ra, không khó tìm, nếu chúng ta lật lại những màn trình diễn của Les Bleus trong 7, 8 năm trở lại đây. Từ sau World Cup 2006, với màn "hồi xuân" ngoạn mục của Zidane, Pháp không còn là đội bóng mà tất cả đều biết và yêu mến nữa. Thiếu chất lượng, không cá tính, và trên hết, tuyển Pháp chỉ còn là tập hợp rời rạc của những cái tên, những cái Tôi, chứ không còn là một tập thể chiến đấu vì nhau, và vì niềm tự hào nước Pháp.
"Đỉnh cao" của một tuyển Pháp như thế là ở World Cup 2010. Thực ra là trước World Cup 2010, Pháp đã bị ghét khi "ăn bẩn" CH Ireland nhờ bàn thắng được ghi sau một pha chơi bóng bằng tay của Henry. Nhưng phải ở Nam Phi thì họ mới thể hiện hết bộ mặt xấu xí của mình. Trên sân, họ trình diễn thứ bóng đá nghèo nàn và kém chất lượng. Ngoài sân, họ gây ồn ào với một HLV đồng bóng thích nói chuyện với thầy chiêm tinh hơn trợ lý chiến thuật, với một cầu thủ ngang nhiên chửi vào mặt thầy rồi bỏ về (Anelka), với cuộc "đình công" tai tiếng khiến một loạt cầu thủ sau đó phải nhận án kỷ luật...
Evra (phải) cầm đầu cuộc đình công chống lại Domenech ở World Cup 2010
Rất khó để yêu một đội tuyển như thế, đặc biệt là sau đó, đội tuyển ấy tiếp tục thể hiện một bộ mặt bạc nhược. Từ chỗ là biểu tượng tích cực của một nước Pháp hòa hợp (World Cup 1998), đội tuyển Pháp bây giờ bị xem như hình ảnh đại diện cho những gì xấu xí nhất của xã hội hiện tại. Đó là một tập thể những kẻ "da đen thô lỗ tới từ những vùng ngoại ô nghèo khó" (trong đánh giá của những người cực hữu), và của những gã triệu phú chỉ biết ăn chơi hưởng lạc (cực tả). Một thế hệ không có ý niệm về những giá trị chung. Một thế hệ "vứt đi".
Người Pháp, thực tế, rất muốn "vứt" thế hệ cầu thủ này đi để làm lại từ đầu. Họ mong muốn điều đó sau thảm họa World Cup 2010, nhưng bất thành. Họ tiếp tục chờ đợi điều đó sau EURO 2012, giải đấu mà Pháp cũng không thể hiện được nhiều dù vẫn qua được vòng bảng, song lại không được như ý. Bây giờ thì họ đã quá chán ngán để chờ đợi điều gì đó tích cực sẽ xuất hiện. Họ không chờ đợi nữa. Và có lẽ cũng chẳng quan tâm nữa...
Nguồn: Tổng hợp