Lăng Kính: Huyền thoại sa cơ
>>
>>
1. Thống kê ấy là đủ để nói về bản chất của nền bóng đá này. Người ta nói rằng ở Brazil, để thoát nghèo chỉ có hai cách: theo âm nhạc và bóng đá. Những đứa trẻ ở đất nước này chơi bóng nhiều gấp bội các quốc gia khác.
Không có gì để các phụ huynh phải đắn đo khi con trai họ có chút tài năng bóng đá. Những tay “cò” sẵn sàng trả 600 USD/tháng, cao hơn cả lương viên chức để được sở hữu một cầu thủ, đem cậu ta đi chào mời ở các CLB lớn, để nếu cậu nhóc vượt qua được các cuộc peneira (bài kiểm tra sát hạch, thứ mà Romario phải vượt qua 8 lần trước khi có sự nghiệp), họ sẽ có cả một gia tài.
Sẽ là không hàm hồ khi dùng từ “tự phát” với bóng đá Brazil. Các CLB, vốn chẳng giàu có, không việc gì phải tổ chức những khóa đào tạo từ lứa tuổi thiếu nhi. Họ chờ đợi những đứa trẻ đường phố tự đến, tổ chức peneira, lấy những đứa tốt nhất, đào tạo vài năm rồi tung ra sân.
Đó là một cuộc săn vàng hỗn loạn, mà công ty trang sức lại không trực tiếp khai mỏ, như ở châu Âu.
2. Mô hình tự phát ấy đang trở nên lỗi thời. Bóng đá thế giới ngày càng nặng tính chiến thuật. Đội tuyển Brazil thống trị thế giới vì sự khéo léo của đôi chân, thứ có thể trau dồi trên đường phố. Và họ đang tụt hậu vì thiếu một đội hình có khả năng tự tổ chức tinh tế, thứ chỉ có thể được đào tạo trong nhà trường.
Sự đi xuống của giải VĐQG Brazil cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nền bóng đá nước này khan hiếm tài năng lớn.
Đầu tiên, Brazil là nước xuất khẩu cầu thủ lớn nhất thế giới. Điều này dẫn tới việc các CLB nước này không thể có sự ổn định: họ liên tục “thay máu” đội hình, khi các cầu thủ tốt khăn gói sang các châu lục khác. HLV cũng được thay lên tục. Và khán giả cũng chẳng tìm được lý do để trung thành với CLB.
Sau đó, sự thiếu chuyên nghiệp về tổ chức hủy hoại bóng đá Brazil. Lịch thi đấu của họ là một thảm họa. Các hãng truyền hình ép các trận đấu lớn của giải VĐQG phải tổ chức sau novela das nove (phim tâm lý dài tập lúc 21h00, một sản phẩm văn hóa Brazil trứ danh mà khán giả nước ta đã quen thuộc). Rồi các giải bang tổ chức tới tận tháng 5, và 38 vòng đấu còn lại của giải VĐQG chỉ được gói gọn trong… 6 tháng.
Các CLB chìm trong nợ nần, đứng bên bờ vực phá sản. Và làm sao trông chờ họ tổ chức mô hình đào tạo chuyên nghiệp trong bối cảnh ấy?
3. Bóng đá Brazil đã thành công chính bởi tính cộng đồng của nó, khi nhà nhà chơi bóng, người người chơi bóng. Nhưng bây giờ, Brazil lại thất bại vì không thể tạo ra những mô hình đào tạo chuyên biệt hơn, vì chính sự tự phát.
Neymar, Damiao, Oscar hay Hulk chưa thể đủ tầm vóc để so sánh với những huyền thoại của thế hệ trước như Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho. Và đó không phải chuyện mang tính thời điểm.
World Cup 2014 có phải là cơ hội để vực huyền thoại này sống dậy? Không hề. Các sân bóng bị đóng cửa để sửa chữa, số khán giả của giải VĐQG Brazil lại càng thụt giảm thê lương. Và các CLB vẫn ngập trong những khoản nợ…