Nhìn lại Champions League 2013/14: Cầm bóng nhiều, nhưng để làm gì?
CẦM BÓNG… BỊ ĐỘNG
Tại Champions League 2013/14, Bayern với 65% thời lượng kiểm soát bóng trung bình/trận là đội có tỷ lệ cao nhất. Tiếp đến là Barcelona (63%), Porto (59%) và PSG (58%)… Có thể dễ dàng nhận thấy rằng những đội cầm được nhiều bóng đều là những đội mạnh. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi để cầm bóng tốt đòi hỏi các CLB phải sở hữu dàn cầu thủ đồng đều và chất lượng.
Tuy nhiên, trong 4 đội bóng này thì chỉ Bayern tiến được vào bán kết. Barcelona và PSG đều phải dừng chân ở tứ kết còn Porto thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng. Điều đáng nói, cách mà các đội bóng này bị loại khá giống nhau, đó là cầm bóng nhiều nhưng thi đấu bế tắc và để đối thủ ghi bàn từ những tình huống phản công nhanh. Trong số này, hai ứng viên sáng giá Bayern và Barcelona với lối đá tiqui-taca siêu đẳng cùng bị loại trước Real và Atletico chơi counter-pressing (pressing tích cực và phản công) - thường phát huy hiệu quả tối đa khi đối đầu các đội cầm nhiều bóng. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng Real đã vào chung kết Champions League 2013/14 dù chỉ cầm bóng trung bình/trận là 51%, trong khi Atletico thậm chí chỉ có 46%.
Một điều mà người ta thường lầm tưởng khi theo dõi các đội cầm nhiều bóng thi đấu là sự chủ động trong lối chơi. Thực tế, có nhiều thời điểm, Bayern hay Barcelona cầm nhiều cầm bóng hơn đối thủ nhưng họ không hề chủ động trong lối chơi mà cầm bóng một cách bế tắc, bị động. Ngược lại, các đối thủ cầm bóng ít hơn lại không hoàn toàn mất thế trận mà rất chủ động với lối chơi đó. Kết quả ở những trận đấu đó thường là bất lợi cho các đội kiểm soát bóng như bế tắc.
LỖI DO ĐÂU?
Chứng kiến thất bại của Barcelona và Bayern, có nhiều ý kiến cho rằng “tiqui-taca đã lỗi thời”. Thực tế thì tiqui-taca vẫn là một lối chơi siêu đẳng và rất khó để khuất phục. Nhưng cũng chính vì lối chơi này siêu đẳng nên đòi hỏi của nó cũng rất cao. Để tiqui-taca phát huy được hết những điểm mạnh thì mọi mắt xích trong đội bóng đều phải hoàn thành vai trò. Chỉ khi đó, tiqui-taca mới tạo nên được một sức mạnh tổng lực, biến hóa mà một khi đạt được, họ sẽ nắm nhiều phần thắng.
Vì sự hoàn hảo của tiqui-taca mà Bayern và Barcelona đang theo đuổi, họ thường không có phương án dự phòng ở những thời điểm khó khăn. Lối chơi counter-pressing mà nhiều đội áp dụng mùa này đã phát huy tối đa tác dụng vào thời điểm mà Bayern và Barcelona gặp vấn đề trong việc xây dựng tiqui-taca.
Như vậy, lỗi phần lớn trong sự thất thế của tiqui-taca nằm ở chính các đội bóng khi họ mới chỉ cầm nhiều bóng chứ chưa tận dụng được điều đó để mở ra con đường chiến thắng. Cụ thể, với Bayern là họ chưa làm quen hoàn toàn với lối chơi mới, khi mùa giải trước còn rất thành công với counter-pressing. Trong khi Barcelona ở hướng ngược lại khi chính họ chủ động đi tìm những miếng đánh mới dựa trên nền tảng cũ. Còn về cơ bản, tiqui-taca vẫn là một lối chơi đặc biệt nguy hiểm mà các đội bóng áp dụng hoàn toàn có cơ sở để tin vào những thành công, một khi họ vận dụng hoàn hảo lối chơi này.
Arsenal-Bayern chênh lệch kiểm soát bóng nhất
Một phần vì chiếc thẻ đỏ trong hiệp 1 của thủ môn Wojciech Szczesny, trận Arsenal-Bayern ở lượt đi vòng 1/8 Champions League mùa này là trận đấu có chênh lệch lớn nhất về kiểm soát bóng. Trong khi Bayern kiểm soát bóng tới 73%, con số này của chủ nhà Arsenal chỉ là 27%.
38 - Bayern với tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình/trận là 65%, tương đương giữ bóng tới 38 phút ở mỗi trận (trừ thời gian bóng chết). Nhưng họ chỉ ghi được 24 bàn sau 12 trận, so với 37 bàn của Real thì đó là cả khoảng cách lớn.