Lăng kính: Hiệu ứng Balotelli và hiệu ứng Vilanova
1. Milan đã chơi một trận có thể được coi là hay nhất của họ trong mùa giải này. Đó là trận cầu mà không ít người đều phải thừa nhận rằng, nếu Milan có trắng tay vào tháng 6 tới, họ vẫn có quyền ngẩng cao đầu vì đã chơi một thứ bóng đá hồi sinh khí chất Milan.
Điểm sáng lớn nhất của Milan ở San Siro đêm thứ Tư vừa rồi chính là Montolivo, nhưng không phải chỉ một mình cầu thủ ấy đã mang lại chiến thắng cho Milan. Còn phải nhắc đến những cá nhân khác nữa như Mexes, Muntari, Boateng, El Shaarawy… Đặc biệt là những cầu thủ trẻ như El Shaarawy hay Niang. Pha phối hợp ít chạm, khéo léo và ngẫu hứng của họ ở cuối hiệp 2 đã loại hết hàng thủ kinh nghiệm của Barca để rồi Muntari lạnh lùng ấn định tỷ số 2-0. Tinh thần Milan nằm ở chỗ đó, nơi mà người trẻ chẳng ngán ngại những tên tuổi lẫy lừng của thế giới.
Có thể nói, thời của thế hệ trẻ, thế hệ El Shaarawy đã tới…
El Shaarawy tự tin trước những ngôi sao đã thành danh
2. Nhưng có một người cũng đáng được nhắc đến trong chiến thắng lẫy lừng của Milan, dù người ấy không chơi trên sân. Đó là Balotelli.
Super Mario chỉ có thể chơi ở Champions League cho Milan ở mùa bóng sau bởi những ràng buộc về quy định mà UEFA đưa ra. Nhưng không thể phủ nhận rằng, chính anh là một trong những động lực mạnh nhất của cuộc hồi sinh Milan trong hai tháng trở lại đây.
Vài chục năm qua, chưa bao giờ Milan đón một cầu thủ nào ồn ào như đón Balotelli. Không phải vì cái tên Balotelli quá lớn mà vì lý do khác. Milan đã lâu rồi sống trong sự “thấp kém” trên thị trường chuyển nhượng, vì vấn đề tài chính. Họ gần đây chỉ bán đi ngôi sao lớn chứ ít khi mang được về ngôi sao nào xứng tầm đẳng cấp thế giới. Việc Balotelli đến đã đánh thức thứ Milan cần bấy lâu nay: niềm tin.
Chính vì niềm tin ấy, các cầu thủ Milan đã ra sân chơi như lên đồng. Thử hỏi, Montolivo đã bao giờ chơi được một trận hay như thế kể từ khi anh khoác áo Milan? Chắc chắn là chưa.
Có thể nói, động lực Balotelli rất lớn với Milan là như vậy.
Balotelli theo dõi trận đấu từ khán đài
3. Barca cũng đã có động lực lớn như Milan khi Tito Vilanova tái phát ung thư. Nó như một thứ ngòi nổ kích thích cả đội bóng. Cái chung khi ấy được phát huy mạnh nhất, đủ sức dẹp đi mọi rắc rối nho nhỏ thường ngày: như chuyện Villa hay Fabregas… Nhưng khi hiệu ứng của cái gọi là “hội chứng Tito” qua đi, Barca trở về với thường nhật của mình. Lúc ấy, chuyện Valdes muốn ra đi, Villa cũng muốn ra đi bỗng lại thành ồn ào lớn. Có thể, sự xao nhãng của họ bắt nguồn từ đó chăng?
Cuộc sống là một chuỗi mắt xích các sự kiện tương tác đến nhau và đôi khi chỉ cần một sự việc nhỏ thôi, theo dây chuyền, cũng sẽ gây nên một hậu quả (hoặc thành quả) lớn. Milan đang có hiệu ứng ấy nhưng nó không ở lại lâu. Cũng như “hiệu ứng Tito” ở Barca, theo thời gian, nó sẽ nhạt dần để âu lo bộc lộ.
Barca chưa từng thất bại với cách biệt 2 bàn ở các trận đấu chính thức kể từ mùa bóng 2010/11. Mùa ấy, họ có hai lần thua cách biệt 2 bàn (0-2 trước Hercules ngày 11/09/2010 ở La Liga và 1-3 trước Betis ngày 19/01/2011 ở Cúp Nhà Vua). Sau một thời gian dài chỉ biết “đè” đối thủ, có thể chính thất bại 0-2 trước Milan này sẽ là động lực để họ bắt đầu tập trung cho cái chung. Chính vì thế, Roura mới nói: “Chúng tôi sẽ lật ngược thế cờ ở lượt về, vì chúng tôi là Barca”.
“Vì chúng tôi là Barca” nghe như một lời thề danh dự. Và trong hoàn cảnh đó, trận lượt về chắc chắn sẽ có một kịch bản tuyệt vời…