
Năm 2008, sau khi ông chủ Roman Abramovich sa thải Felipe Scolari, John Terry có một bài trả lời phỏng vấn đầy ẩn ý, mà cho đến giờ những ẩn ý ấy vẫn được lấy làm tiêu chuẩn trong việc đánh giá hậu trường Chelsea. Terry bảo rằng anh ủng hộ Scolari, và “hãy hỏi 2 hoặc 3 người khác, họ cũng sẽ nói như tôi”.
John Terry sau này khi giải nghệ, viết tự truyện chắc sẽ hay, bởi cách mà anh đã dùng để diễn đạt “sự đồng lòng” của phòng thay đồ Chelsea lên đến tầm một thủ pháp văn học. Hai hoặc ba người, nghĩa là không phải tất cả. Nếu là tất cả, cách nói sẽ phải là “hãy hỏi những người khác”. Nhưng không, Scolari chỉ được ủng hộ bởi vài cá nhân thôi.
Người ta liên hệ câu nói ấy với việc trước khi Scolari bị tống đi, Abramovich đã có một chuyến vi hành đến sân tập của đội, và tiếp xúc với Cech, Ballack và Drogba (không có Terry), để rồi xác tín rằng chính những quyền lực đen trong phòng thay đồ đã đẩy HLV người Brazil rời Stamford Bridge.
Cho đến bây giờ, cứ nghĩ về hậu trường Chelsea là người ta nhớ lại giai đoạn ấy, khi Scolari, Avram Grant và Mourinho đều ra đi trong bí ẩn, mà quyền lực cầu thủ được cho là lý do quan trọng nhất.
2. Trong phòng thay đồ của Chelsea có “dăm ba người này” và “dăm ba người khác”, cách nghĩ không giống nhau không phải là điều quá nghiêm trọng. Đội bóng lớn nào cũng như thế: họ có nhiều cái tôi. Nhưng nếu những nhóm người ấy quyết định biến suy nghĩ thành hành động lại là một vấn đề khác.
Nhiều người có xu hướng lập luận rằng mang thân là cầu thủ chuyên nghiệp, lại có hình ảnh cá nhân cần gìn giữ, cho dù có bất mãn đến mấy thì cầu thủ cũng sẽ đá hết sức. Nhưng thực tế chỉ ra điều ngược lại. Cái Tôi có thể chiến thắng mọi thứ. Carlos Tevez có thể từ chối ra sân. Dàn cầu thủ Man City cuối mùa giải 2007/08 có thể “nằm” cho Middlesbrough làm nhục tới 8-1 để phản ứng quyết định đuổi HLV Sven-Goran Eriksson của ông chủ Thaksin. Và cầu thủ Chelsea thì có thể đuổi HLV.
Andre Villas-Boas có thể sử dụng năng lực điều khiển chiến thuật để gắng gượng vực dậy phong độ của Chelsea. Nhưng ông không thể làm điều đó một mình: ông cần sự đoàn kết và hết lòng của cầu thủ.
Villas-Boas vẫn một mực khẳng định rằng cầu thủ Chelsea đang đoàn kết. Nhưng mọi dấu hiệu đều chống lại tuyên bố ấy. Alex và Anelka đã thẳng thắn đòi ra đi. Drogba đã từ chối lời đề nghị gia hạn hợp đồng thêm 1 năm của Chelsea, kèm lời tuyên bố lạnh băng của người đại diện: “Ở tuổi này, anh ấy sẽ chỉ đá nơi nào trả nhiều tiền nhất”. Có bao nhiêu nhóm “dăm ba người” đang hình thành trong phòng thay đồ của Chelsea bây giờ? Ai đang chán nản với tương lai của CLB như Alex? Ai đang chán Villas-Boas? Và ai đang trông về Ả-rập hay Đông Âu để kiếm chút cơm tuổi xế chiều như Drogba?
3. Báo chí Anh tung tin Villas-Boas đang có mong muốn làm một cuộc cách mạng. Sẽ có khoảng 6 người bị bán đi trong mùa Đông, trong số đó tất nhiên có Anelka, Alex, Drogba, ngoài ra có thêm Bosingwa, Ferreira và Kalou. Một vài cái tên đắt tiền có thể đến.
Những người mới có thể nhanh chóng tạo hiệu ứng tốt như Mata, và có thể là phong độ của Chelsea sẽ được cải thiện. Họ sẽ thực sự quay trở lại cuộc đua. Nhưng đó chỉ là giả thiết lạc quan nhất, chỉ là có thể và có thể. Có thể chẳng có cuộc cách mạng nào.
Jose Bosingwa đăng đàn tuyên bố ủng hộ Villas-Boas. Có thể chỉ có “2 hoặc 3 người khác” sẵn sàng nói giống như anh.
Bongdaplus.vn