Bộ mặt của Stamford Bridge đã thay đổi quá nhanh kể từ khi ông chủ Abramovich xuất hiện. Ngay khi đặt chân tới Tây London năm 2003, tỷ phú người Nga đã xóa sạch khoản nợ 80 triệu bảng của CLB, đem về HLV Jose Mourinho cùng một loạt tên tuổi nữa ở cả trên sân lẫn ghế huấn luyện và suốt 9 năm qua, đã đốt tròm trèm 1,5 tỷ bảng vào Chelsea.
Sau những cơn điên mua sắm ở 4 mùa đầu tiên, The Blues chợt chững lại ở 3 năm tiếp theo, rồi tiếp tục bùng nổ với hơn 100 triệu euro ném vào chuyển nhượng trong 2 mùa gần nhất. Nhưng dù đang trải qua giai đoạn thành công nhất trong lịch sử CLB với 3 chức vô địch Premiership, 4 Cúp FA và trận chung kết Champions League thứ 2, thực tế là mô hình kinh doanh của The Blues thời Abra vẫn không khá hơn là mấy so với thời kỳ hỗn mang dưới quyền Ken Bates.
Theo báo cáo Football Money League 2012 của hãng kiểm toán Deloitte, doanh thu của Chelsea chỉ tăng 15,1% so với 8 năm đầu dưới quyền Abramovich bất chấp họ liên tục tăng giá vé và phần chia từ bản quyền truyền hình cũng cao hơn. Doanh thu thương mại mùa 2010/11 của họ cũng tăng 23% so với mùa đầu tiên của Abra (2003/04), nhưng lại giảm 33% so với mùa 2006/07 và kết thúc năm tài chính ấy, The Blues vẫn lỗ tới 67,7 triệu bảng. Nói cách khác, Abramovich vẫn chưa thực hiện được kế hoạch để CLB tự lực cánh sinh, và Chelsea thực tế vẫn đang phải tiêu những đồng tiền rút ra từ hầu bao của tỷ phú người Nga.
Cách làm bóng đá của Bayern lại hoàn toàn khác, mà nói như GĐĐH Karl-Heinz Rummenigge là “không bao giờ tiêu quá những gì kiếm được”. Ở đây phải nhìn vấn đề từ hai góc độ: họ kiếm được bao nhiêu, và tiêu như thế nào? Câu trả lời là kể từ khi bắt đầu sự nghiệp quản lý năm 1979, đương kim chủ tịch Uli Hoeness đã tăng doanh thu của CLB từ 6 triệu euro lên... 321,4 triệu euro ở mùa 2010/11. 19 năm liên tiếp, Bayern không thua lỗ và mùa 2010/11, họ lãi ròng 62,3 triệu euro. Nhưng bất chấp nền tảng vững chắc ấy, trong một thập kỷ qua, Hùm xám cũng chỉ 2 lần “phá két” ở những mùa 2007/08 (chi 88,2 triệu euro) và 2009/10 (74,7 triệu).
Tóm lại, điều dễ nhận thấy là trong khi Bayern coi bóng đá là công việc kinh doanh thì với Abramovich, nó chỉ là một cuộc chơi. Mà đã chơi thì sẽ đến lúc chán, nhất là khi ông thấy hàng tỷ bảng đổ ra không mua nổi chiếc cúp Champions League.
Bongdaplus.vn