Barca 2015 hay hơn nhưng chưa vĩ đại hơn Barca của Pep
* Barcelona: Hành trình tới trận chung kết Champions League
VIDEO: Nhận định & Bình luận trước trận Juventus - Barcelona |
---|
SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA LỊCH SỬ
Giành cú ăn ba ở mùa đầu tiên tại vị (Champions League, La Liga, Cúp Nhà Vua), cú ăn 6 tính trong năm 2009 (thêm Siêu Cúp Tây Ban Nha, Siêu Cúp châu Âu, FIFA Club World Cup), HLV Pep Guardiola đã xác lập một cột mốc vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Barca. Chiến công hiển hách ấy gần như biến ông thành một vị thánh. Và nó cũng tạo ra một tiền lệ xấu: bất kỳ HLV nào sau đó của Barca cũng sẽ bị đem ra so sánh với Guardiola.
Xét về danh hiệu, Barca 2009 vẫn tạm dẫn trước
vì có chức vô địch Champions League
Luis Enrique cũng không là ngoại lệ. Lucho thậm chí còn bị “soi” nhiều hơn vì từng là đồng đội của Pep, cũng xuất thân từ đội ngũ “HLV tương lai” thời Louis van Gaal và cũng từng nắm Barca B trước khi dẫn dắt đội 1. Sự tương đồng giữa bộ đôi này không chỉ dừng ở đấy. Trước khi họ lên nắm quyền, Barca đều trắng tay ở mùa giải trước đó. Và ngay mùa đầu tiên tại vị, cả Pep lẫn Enrique đều lập tức giúp đội bóng Catalan giải cơn khát danh hiệu.
KHÁC BIỆT KHÔNG CHỈ Ở NHỮNG CON SỐ
Tất nhiên, Barca của Enrique vẫn chưa giành được danh hiệu quan trọng nhất là chiếc cúp Champions League. Thế nhưng nhìn từ hiện tại, có thể khẳng định đội bóng hiện tại hay hơn 6 năm về trước, ít nhất là về mặt thống kê. So với Barca của mùa giải kỳ diệu 2008/09, đội bóng của Enrique ghi được nhiều hơn tới 18 bàn (còn 1 trận chưa đá), để thủng lưới ít hơn 17 quả và có tỷ lệ chiến thắng áp đảo: 83% so với 68%.
Nhưng ngay cả khi gạt các con số sang một bên, những gì Enrique làm được ở mùa giải này vẫn xứng đáng được điểm cộng. Ở mùa 2008/09, Pep được tạo mọi điều kiện thuận lợi để làm cách mạng, kể cả khi ông ra những quyết định khó khăn như đẩy Ronaldinho và Deco khỏi Nou Camp. Ngược lại, 6 năm sau, Lucho phải đối mặt với cả núi khó khăn ngay từ khi nhậm chức.
Xét về những chỉ số, Barca 2015 hơn Barca 2009
Ngoài áp lực từ sự so sánh với người đồng đội cũ, Enrique đã phải lèo lái đội bóng trong bối cảnh bất ổn hơn nhiều. Thủ quân Carles Puyol vừa treo giày, án cấm chuyển nhượng từ FIFA khiến Barca phải “chộp giật” trên thị trường chuyển nhượng, GĐTT Andoni Zubizarreta - đồng minh thân cận của Lucho - bị sa thải còn chủ tịch Josep Maria Bartomeu phải tuyên bố tổ chức bầu cử sớm để giảm áp lực từ các CĐV. Và đỉnh điểm của khó khăn đến sau trận thua Sociedad 0-1, khi tất cả tưởng rằng Enrique sẽ phải ra đi vì mâu thuẫn với Lionel Messi.
Rốt cuộc, kịch bản tồi tệ ấy đã không diễn ra. Enrique đã tỏ ra rất sáng suốt khi thuyết phục Xavi ở lại, vì tiền vệ này chính là người đứng ra làm trung gian hòa giải sự bất đồng giữa ông và Messi. Những gì diễn ra sau đó thì tất cả đều biết: không đối thủ nào có thể cản Barca được nữa và giờ, họ chỉ còn cách cú ăn 3 đúng 1 trận đấu.
SAU CÙNG, TẤT CẢ VẪN LÀ NHỮNG DANH HIỆU
Nhìn từ xuất phát điểm và bối cảnh thực tế, những gì Enrique làm được tại Barca rõ ràng ấn tượng hơn nhiều so với Pep Guardiola, người may mắn được thừa hưởng một đội ngũ đồng loạt đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng không thể phủ nhận dấu ấn của Lucho trong việc thay đổi thứ triết lý bóng đá đã ăn sâu vào tâm trí người Catalan.
Nhờ sự xuất hiện của Ivan Rakitic, Barca đã lược bớt những đường chuyền ngang chỉ nhằm giữ bóng, để tấn công nhiều hơn theo chiều dọc sân.
Việc Luis Suarez nhanh chóng tỏa sáng ở vị trí trung phong giúp Enrique có thêm nhiều giải pháp đột kích bằng việc đưa Messi sang cánh phải, hay thậm chí kéo anh lùi xuống đá như một tiền vệ. Những bài tập hằng ngày giúp Barca trở nên tập trung và sắc sảo hơn ở các tình huống cố định, cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Còn liệu pháp xoay vòng của Enrique khiến các cầu thủ luôn duy trì được tình trạng sung sức và “thèm” bóng.
Nói về sự thay đổi này, Gerard Pique nhận xét: “Chúng tôi đã trưởng thành hơn, và luôn sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề. Chúng tôi cũng không cầm nhiều bóng như trước nữa, mà tấn công trực diện hơn và phòng ngự vững chãi hơn”. Cây bút Alfredo Relano của tờ AS thì phân tích: “Barca đang theo đuổi một phong cách khác, họ vẫn để cho đối thủ chơi bóng nhưng vẫn có thể chiến thắng đầy thuyết phục. Thứ bóng đá của họ giờ rất tốc độ và khó lường”.
Những nhận định ấy cho thấy, Barca đã “tiến hóa” tới một nấc thang mới, sau nhiều năm trở thành con tin của thứ bóng đá tiqui-taca thời Pep Guardiola. Nhưng dĩ nhiên, để trở nên vĩ đại thì chỉ hay hơn là không đủ. Họ còn cần giành chiếc cúp Champions League nữa, bởi sau cùng thì lịch sử bao giờ chẳng vinh danh người chiến thắng.