TTCN sẽ trở nên cực kỳ phức tạp trong tương lai
* Tổng hợp chuyển nhượng ngày 17/7
* Cập nhật danh sách chuyển nhượng mùa Hè 2014
Các vụ chuyển nhượng cầu thủ tại giải đấu hàng đầu nước Anh, đầu tiên là giải hạng Nhất cũ, rồi Premier League, thường không gây ồn ào như hiện giờ.
Các CĐV biết việc đội nhà có một cầu thủ mới thường trước tiên là qua báo chí. Phí chuyển nhượng đôi khi được nhắc tới, đôi khi không, nhưng không nhiều người quan tâm. Chỉ tới khi Nottingham Forest trả 1 triệu bảng cho Trevor Francis vào năm 1979, vụ mua cầu thủ đầu tiên ở Anh đạt tới cột mốc đó, giá cả mới bắt đầu trở nên quan trọng.
Ngày nay, khi bóng đá đã trở thành một ngành kinh doanh “tỉ đô”, mọi thứ đã trở nên phức tạp và rối rắm hơn nhiều. Trong khi 1 triệu bảng vào năm 1979 được coi là bom tấn lịch sử, thì lúc này chúng ta không còn cách mốc 100 triệu bảng xa lắm, với kỷ lục chuyển nhượng hiện giờ, Gareth Bale, có giá 85 triệu bảng.
Vậy một thỏa thuận mua-bán cầu thủ cao cấp giữa 2 CLB hàng đầu hiện diễn ra thế nào? Tất nhiên, mỗi cuộc mặc cả có những vấn đề riêng, nhưng cũng có không ít điểm chung trong các vụ mua bán cầu thủ. Đầu tiên, ngay cả với những cầu thủ được cho là tương đối rẻ ngày nay với các CLB lớn, vào khoảng 10-20 triệu bảng, bên mua vẫn sẽ nhắm tới một mục tiêu ở đẳng cấp nhất định, nổi tiếng ở châu Âu hoặc Nam Mỹ, từng khoác áo ĐTQG hoặc là một thành viên ổn định của đội U21.
Toni Kroos, tân binh của Real Madrid
Tất cả những điều đó đòi hỏi một bộ máy tuyển mộ cầu thủ chuyên nghiệp, làm việc full-time, có đủ loại chứng chỉ và học hành đến nơi đến chốn. Ngày nay, hiếm khi nào một cầu thủ được tuyển mộ chỉ bởi lòng tin, một trận đấu ấn tượng, linh cảm hay thậm chí là “giác quan thứ sáu” của các HLV, như trong quá khứ.
Một mục tiêu chuyển nhượng sẽ được nghiên cứu nhiều lần trước khi đưa ra quyết định hỏi mua. Các chỉ số, thống kê, tình trạng tâm lý, xuất thân và lối sống bên ngoài sân cỏ của anh ta đều được tìm hiểu kỹ. Nếu tất cả vấn đề này đã được CLB muốn mua cầu thủ thông qua, họ sẽ bắt đầu liên lạc với CLB sở hữu.
Tuy nhiên, ngày nay tất cả các cầu thủ ở đẳng cấp cao đều có người đại diện, đôi khi là một tay môi giới có chứng chỉ, đôi khi là thành viên của gia đình, hoặc thậm chí là một người bạn. Những người này nhận một phần tiền hoa hồng béo bở để thương lượng hợp đồng sao cho có lợi nhất cho thân chủ của mình. Họ cũng tham gia vào việc xác định giá vụ chuyển nhượng, sắp xếp các điều khoản cá nhân và những vấn đề như bản quyền hình ảnh cầu thủ…
Sau đó, khi CLB sở hữu cầu thủ muốn bán, một cuộc gặp sẽ được lên lịch và những cuộc thương lượng bắt đầu. Trong quá khứ người ta chỉ hỏi: “Thế nào, có bán không?”, thậm chí là qua điện thoại (như vụ Alex Ferguson mua Eric Cantona từ Leeds United). Mọi chuyện được sắp xếp chóng vánh sau 1-2 cuộc gặp. Nhưng ngày nay, các cuộc họp có thể kéo dài bất tận, với sự tham gia của những nhân vật tai to mặt lớn của cả hai phía: HLV, giám đốc điều hành, giám đốc kỹ thuật, giám đốc thể thao, người đại diện, các đối tác thương mại, các luật sư…
Vụ chuyển nhượng Neymar từ Santos sang Barca là một trong những vụ mua bán lằng nhằng nhất
Những ngôi sao lớn sẽ muốn mọi chuyện được sắp xếp sẵn cho họ: sống ở đâu, các con đi học ở đâu, tìm việc cho vợ, cho bố, cho mẹ, đi xe hơi màu gì… Danh sách có thể kéo dài vô tận. Họ chỉ muốn tới đó và đá bóng, chứ không phải động một ngón tay vào bất cứ việc gì khác.
Tất cả những điều đó khiến việc đạt được hợp đồng cuối cùng, ngay cả khi tất cả các bên đã nhất trí, có thể mất vài tuần lễ, thậm chí là vài tháng, và chi phí “mòn giầy”, thuật ngữ kinh tế chỉ tiền thủ tục giấy tờ, có thể là rất lớn. Trong hợp đồng cũng không chỉ có phí chuyển nhượng và lương. Nó sẽ dày hàng trăm trang với lịch chi trả, các điều khoản phụ trội, các điều khoản nếu cầu thủ bị bán lại, điều khoản cho phép mua lại, điều khoản kỷ luật, thỏa thuận về việc lên truyền hình, tài trợ cá nhân, hợp đồng tài trợ đồ thể thao, tiền thưởng thắng trận, thưởng ghi bàn, bảo hiểm tai nạn và hằng hà sa số những vấn đề chi li khác.
Nếu tất cả những chuyện đó được sắp xếp thành công, như cách đây vài năm thì vụ chuyển nhượng coi như xong. Nhưng giờ phát sinh thêm một vấn đề nữa: ngài chủ tịch CLB có thể muốn lách luật công bằng tài chính của UEFA, và thế là tới lượt các kế toán viên vào cuộc.
Tất nhiên, không phải vụ mua bán nào cũng rắc rối như thế. Đôi khi, chẳng hạn như việc Rickie Lambert chuyển từ Southampton sang Liverpool, thương vụ diễn ra gọn ghẽ và không mất thời gian, nhưng những cuộc thương thảo như thế đang ngày càng trở nên hiếm hoi và nếu có gì chắc chắn, thì việc mua bán cầu thủ trong tương lai sẽ chỉ càng ngày càng trở nên phức tạp.