TTCN mùa Đông: Áp lực đồng tiền
Tất nhiên, trước khi là sao hạng A, mọi cầu thủ đều là hạng B, C thậm chí là… Z. Tuy nhiên, để từ là hạng B vươn lên đẳng cấp hạng A là cả một vấn đề nan giải. Schuerrle trở lại Đức trong màu áo Wolfsburg, cầu thủ từng vô địch World Cup 2014 cùng Mannschaft có thể trở thành ngôi sao số 1 của đội bóng, giúp Wolfsburg nuôi hy vọng giữ vững vị trí thứ nhì tại Bundesliga mùa này. Chỉ có thế, không thể trông đợi gì hơn. Trong khi đó, Bony và Cuadrado xem như đại diện cho cuộc chiến tranh ngôi vô địch Premier League giữa Man City và Chelsea.
Đây cũng là hai đội bóng giàu có và có khả năng mua sắm rầm rộ vào loại nhất nhì thế giới. Với The Citizens cũng như The Blues, phung phí vài triệu bảng chỉ là chuyện nhỏ, nhưng phí vài chục triệu bảng thì dĩ nhiên không còn là chuyện nhỏ. Một vấn đề quan trọng và đáng bàn hơn: những tân binh sẽ đem lại gì cho đội bóng mới, khi cả Bony lẫn Cuadrado đều chỉ xứng là sao hạng B ở những đội bóng có rất nhiều sao hạng A.
Hai HLV Manuel Pellegrini và Jose Mourinho chịu áp lực không nhỏ vì Bony và Cuadrado. Phải tin tưởng lắm họ mới thuyết phục được ban lãnh đạo Man City và Chelsea móc hầu bao mua một cầu thủ chưa chứng tỏ được nhiều ở đẳng cấp cao nhất. Bạn có thể mua 5 cầu thủ với giá 10 triệu bảng rồi để cả 5 ngồi dự bị suốt mùa cũng chẳng sao, nhưng mua một người giá 25 triệu bảng mà anh ta ít ra sân, chơi dưới sức, đạt hiệu suất ghi bàn không như trông đợi thì ôi thôi, trăm dâu đổ đầu tằm! HLV và đội bóng sẽ là những kẻ phải giơ đầu chịu báng trước tiên, sau đó mới đến nhân vật tưởng như chính mà là phụ. Nếu một cầu thủ chỉ có giá cỡ 10 triệu bảng mà được mua với giá 25 triệu bảng, đó không phải lỗi của anh ta. Đội mua anh ta sẽ chịu thiệt, còn đội bán tất nhiên rung đùi đắc ý. Lợi dụng sự giàu có của các CLB Anh và tính cạnh tranh quyết liệt của Premier League, các đội bóng thường không ngần ngại “siết giá”. Cuộc chơi luôn rất công bằng, kẻ nào kém thì ráng chịu!
Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó. Một cầu thủ mới giá cao nhưng chất lượng không cao có thể gây rối tung nội bộ một đội bóng, tạo nên những hiệu ứng tiêu cực đến CLB ấy về lâu về dài. Xét kỹ, Bony liệu có hơn Aguero, Jovetic hay Dzeko? Chelsea cần Cuadrado làm gì khi bộ khung định hình là bộ tứ vệ chuyên tấn công Willian - Oscar - Hazard - Fabregas sẽ phối hợp, hoán chuyển vị trí ở cánh và giữa sân ăn ý như từ đầu mùa đến giờ.
Những cầu thủ trên đều không chuyên đá cánh. Cuadrado lại chuyên đá cánh, nếu anh được mua với giá thấp thì đó sẽ là phi vụ tương tự Schuerrle hay Salah, nghĩa là thành công thì tốt thất bại cũng chẳng sao. Đằng này, áp lực giá chuyển nhượng gần như bắt buộc Cuadrado phải thành công, bởi Mourinho không chịu nổi khi bị kẻ khác bảo mình dốt!
Premier League chỉ có một ông vua vào cuối mùa, tức Man City hoặc Chelsea sẽ có một đội “thất bại”. Những phi vụ giữa mùa luôn rủi ro rất cao, khen cho sự dũng cảm của Pellegrini và Mourinho nhưng đáng lo cho số phận hai vụ chuyển nhượng đình đám nhất tháng 1/2015.