Chuyển nhượng Hè 2015: Lão tướng đắt hàng
Đó là những trường hợp tiêu biểu cho xu hướng của thị trường chuyển nhượng mùa hè này khi các “lão tướng” - những cầu thủ đã lớn tuổi, thậm chí qua thời kì đỉnh cao của sự nghiệp đang được các đội bóng lớn-nhỏ tìm cách chiêu mộ.
Xu hướng của nhiều đội bóng:
Bên cạnh một số cầu thủ chuyển sang thi đấu cho các giải MLS, Qatar để “dưỡng già” thì những thương vụ chuyển nhượng các “lão tướng” giữa các đội bóng châu Âu cũng diễn ra khá sôi nổi với không ít thương vụ đình đám. Ở mùa hè này, các đội bóng Thổ Nhĩ Kì tỏ ra rất hứng thú với những ngôi sao đã luống tuổi. Trong đó, đội bóng ít nghe danh Antalyaspor đã trở nên nổi tiếng khi quyết định chiêu mộ cặp đôi tiền đạo từng khoác áo Barca là Ronaldinho (từ Queretaro) và Samuel Eto’o (từ Sampdoria) với mức lương không hề nhỏ.
Cùng chung xu hướng này, 2 “đại gia” của Thổ Nhĩ Kì gồm: Galatasaray đã nhanh tay chiêu mộ tiền đạo 30 tuổi Lucas Podolski – ngôi sao thất sủng ở Arsenal, hay Fenerbahce cũng xác nhận đang đàm phán để chiêu mộ tiền đạo Robin Van Persie của M.U dù anh đã 33 tuổi và không còn ở đỉnh cao. Bên cạnh những đội bóng nhỏ, các đại gia châu Âu cũng tích cực “săn hàng” từ những cầu thủ lớn tuổi.
Cách đây không lâu, chúng ta đã thấy nhiều đội bóng như: Arsenal, M.U, Livepool, Juventus, PSG,... mong muốn có được sự phục vụ của hậu vệ cánh Dani Alves sau khi anh tuyên bố sẽ ra đi. Thậm chí, chính Barca cũng không muốn để mất hậu vệ đã 31 tuổi này dù trong tay vẫn còn những cầu thủ trẻ được đào tạo từ lò La Masia và cuối cùng, đội chủ sân Nou Camp đã quyết định kí hợp đồng mới với Alves, đồng thời bán đi hậu vệ Martin Montoya.
Ở nước Anh, cả 4 đại gia: Chelsea, Arsenal, M.U, Liverpool đều tỏ ra thích thú với những món hàng lớn tuổi. Đình đám nhất là vụ chuyển nhượng của thủ thành Petr Cech từ Chelsea chuyển sang Arsenal. Nhiều ý kiến cho rằng Chelsea đang giúp dội thủ trực tiếp của mình mạnh lên, bởi hiện nay Cech vẫn là một trong những thủ môn xuất sắc nhất ở châu Âu. Bán đi Cech, nhưng Chelsea cũng đang chuẩn bị đưa về một thủ thành đầy kinh nghiệm khác là Asmir Begovic từ Stoke City, đây được xem là sự thay thế xứng đáng cho thủ thành người CH Czech.
Bên cạnh đó, để bổ sung cho hàng công, Chelsea đã quyết định mang về chân sút Radamel Falcao, người sắp bước sang tuổi 30 bằng một bản hợp đồng cho mượn nhưng rõ ràng đây lại là một thương vụ mạo hiểm của HLV Mourinho khi “El Tiger” đã đánh mất bản năng sát thủ của mình ở mùa giải vừa qua trong màu áo MU.
Falcao được đánh giá là thương vụ mạo hiểm với Chelsea
Một trong những đội bóng tích cực nhất trên thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay là Liverpool cũng mang về 2 lão tướng đã 30 tuổi trở lên, trong đó tiền vệ James Milner hứa hẹn sẽ là bản hợp đồng chất lượng khi dù đã sắp 30 tuổi nhưng anh vẫn rất sung sức và là trụ cột của Man City trong mùa giải vừa qua. M.U cũng tỏ ra hứng thú với những lão tướng giàu kinh nghiệm và đẳng cấp khi chiêu mộ thành công Bastian Schweinsteiger của Bayern Munich và tiếp tục đàm phán với hậu vệ Sergio Ramos của Real.
Nhiều CLB lớn khác ở châu Âu cũng hướng đến việc chiêu mộ những cầu thủ giàu kinh nghiệm, như: Barca mua về tiền vệ Arda Turan (29 tuổi) từ Atletico Madrid, Inter mua trung vệ João Miranda (31 tuổi), Valencia mua tiền đạo Alvaro Negredo (30 tuổi),…
Nhưng bất ngờ nhất phải kể đến Porto, đội bóng trước giờ nổi tiếng với việc mua các tài năng trẻ với giá rẻ về đào tạo, thi đấu để rồi sau đó bán lại cho các đội bóng khác với giá cao hơn nhiều lần. Vậy nên khi việc họ thay đổi quan điểm để chiêu mộ Didier Drogba (37 tuổi) và sắp tới là Casillas (34 tuổi) đã thật sự gây sốc. Rõ ràng là nhiều đội bóng ở châu Âu đang hướng đến việc sở hữu những cầu thủ đã chứng tỏ được tài năng, có kinh nghiệm để hướng đến những mục tiêu ngắn hạn với giá cả phải chăng.
Casillas đang được Porto theo sát
Có nên kì vọng vào những “món hàng” lớn tuổi?
Những món hàng “cao tuổi” thường được xem là sự bổ sung giá rẻ có tính ngắn hạn nhưng nhiều thương vụ đã thành công ngoài sức mong đợi của “người mua”. Năm 2004, Barca gây bất ngờ khi chiêu mộ tiền đạo 33 tuổi Henrik Larsson dưới dạng chuyển nhượng tự do. Nhưng anh đã trở thành người hùng của Barca trong trận chung kết UEFA Champions Leage 2006. Dù chỉ thi đấu trong nửa giờ ở trận chung kết tại Paris nhưng sự xuất hiện của Larsson đã làm thay đổi thế trận cho Barcelona, giúp đội bóng này giành danh hiệu Champions League thứ 2 trong lịch sử CLB.
Năm 1996, một trong những huyền thoại của Chelsea là Gianfranco Zola chuyển đến đội bóng này khi anh đã 30 tuổi với giá 4,5 triệu bảng. Nhiều người thực sự nghi ngờ về khả năng thành công của Zola nhất là khi anh đã có một mùa giải thất vọng trước đó với Parma. Thế nhưng anh đã thi đấu thăng hoa trong thời gian ở đây bằng lối chơi thông minh, đi bóng lắt léo và bản năng săn bàn, giúp Chelsea giành được 2 cúp FA, 1 cúp Liên đoàn và 1 cúp UEFA.
Ngoài ra những thương vụ chuyển nhượng các lão tướng dưới dạng “ngon, bổ, rẻ” còn có thể kể đến như: trường hợp của Teddy Sheringham về đầu quân cho Tottenham theo dạng chuyển nhượng tự do khi đã 35 tuổi và giúp vực dậy đội bóng này, hay trường hợp của thủ thành Edwin Van der Sar chuyển đến thi đấu cho M.U khi anh đã 35 tuổi nhưng được Sir Alex xem là thủ môn xuất sắc nhất CLB sau thời Peter Schmeichel với kỉ lục 1.311 phút giữ sạch lưới ở giải Ngoại hạng Anh; hoặc trường hợp của tiền vệ Esteban Cambiasso (34 tuổi) chuyển đến thi đấu cho Leicester City theo dạng tự do và góp công lớn giúp đội bóng này trụ hạng thành công ở giải Ngoại hạng Anh mùa giải vừa qua.
Cambiasso là bản hợp đồng thành công của Leicester City
Tuy nhiên cũng có không ít thương vụ là những sự đầu tư lãng phí và sai lầm. Trong đó, đáng kể là trường hợp của Andriy Shevchenko, Chelsea đã phải bỏ ra 30 triệu bảng dành cho một tiền đạo đã 30 tuổi. Nhưng đây là một thương vụ hoàn toàn thất bại của họ khi Shevchenko đã không thể hòa nhập và phát huy khả năng săn bàn của mình do chấn thương và phong độ đi xuống.
Nhiều thương vụ chuyển nhượng các lão tướng cũng trở thành những nỗi thất vọng, như: trường hợp của Vidic (33 tuổi) ở Inter, dù là một trung vệ đẳng cấp, từng thành công rực rỡ ở M.U nhưng anh đã thi đấu phập phù và mắc hàng loạt sai lầm ở Serie A. Tương tự là trường hợp của Rio Ferdinand (35 tuổi) và Park Ji Sung (32 tuổi) ở QPR, “bệnh binh” Vermaeleen (29 tuổi) ở Barca, Michael Owen (30 tuổi) ở M.U, Fernando Morientes (29 tuổi) và Rickie Lambert (32 tuổi) ở Liverpool, Cassano (30 tuổi) ở Inter, Owen Hargreaves (30 tuổi) và Bacary Sagna (31 tuổi) ở Man City…
Có thể thấy việc mang về các cầu thủ đã lớn tuổi, bên kia sườn dốc sự nghiệp là khá mạo hiểm. Bên cạnh việc các cầu thủ này có kinh nghiệm chinh chiến và đã chứng tỏ được khả năng của mình trước đó thì áp lực về tuổi tác, phong độ và nhất là chấn thương có thể khiến họ không thể hiện được những phẩm chất tốt nhất. Đôi khi lại trở thành gánh nặng của CLB như trường hợp của tiền vệ Owen Hargreaves ở M.U và Man City trước đây hay Vermaeleen mùa giải vừa qua ở Barca. Vì vậy các đội bóng cũng nên thận trong khi quyết định đặt bút kí hợp đồng với những người đã bước vào tuổi “băm”. Đồng thời, cũng không nên đặt quá nhiều kì vọng vào các cầu thủ đã lớn tuổi để tránh tạo sức ép cho họ trong quá trình thi đấu.