1. Giải VĐQG Hà Lan sẽ là giải đấu hay nhất châu Âu
Lý do được đưa ra là bởi 3 đội bóng lớn Hà Lan gồm Ajax Amsterdam, PSV Eindhoven và Feyenoord Rotterdam đều có truyền thống trọng dụng những cầu thủ “cây nhà lá vườn”. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của các giải đấu hàng đầu châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Đức hay Italia (trong đó có tiền bạc) đã khiến họ phải để cầu thủ của mình ra đi.
Hiện tại, các đội bóng kể trên đang có một chu trình quen thuộc đó là giành toàn bộ thời gian và nỗ lực phát triển các cầu thủ trẻ của mình nhưng khi đã nổi danh sức hút từ tiền bạc hoặc tham vọng của các đội bóng lớn sẽ cám dỗ được họ và vượt khỏi tầm tay các CLB. Để rồi sau đó những đội đó lại bắt tay vào đào tạo thêm nhiều nhân tố mới (Arsenal là đội đã quá quen thuộc với tình hình này).
Không có TTCN, giải VĐQG Hà Lan sẽ giàu nhân tài
Nếu không có chuyển nhượng, thế hệ vàng của Ajax đoạt chức vô địch Champions League năm 1995 gồm có Van Der Saar, de Boers, Rijkaard, Seerdorf, Davids, Kluivert, Bergkamp… sẽ không bị phân tán bởi những “đại gia” và sẽ tiếp tục phát triển và thống trị châu Âu dưới màu áo đội bóng đào tạo ra mình.
Điều này đương nhiên sẽ tạo ra những lợi ích quốc tế không chỉ tại Ajax mà còn là cho toàn giải vô địch bóng đá Hà Lan (Eredivisie) khi những cái tên nổi tiếng hiện nay như Arjen Robben, Robin van Persie và Ibrahim Affelay hay trước đó là Ruud van Nistelrooy, Phillip Cocu và Mark van Bommel sẽ ở lại chơi trong nước và giúp nó tràn ngập tài năng.
Và nếu nhìn vào những “mầm non” được Ajax, PSV và Feyenoord đào tạo đang được đánh giá là rất có triển vọng trong tương lai như Siem de Jong, Stefan de Vrij và Georginio Wijnaldum, việc họ không tham gia vào những cuộc mua bán đồng nghĩa với việc Eredivisie có thêm nhiều trận đấu rất hấp dẫn.
Bên cạnh đó, khi được chơi cùng trong một đội, trong cùng một giải đấu và không tham gia chuyển nhượng, sẽ giúp đồng bộ hóa, tăng sự ăn ý của các cầu thủ khi họ tề tựu tại đội tuyển quốc gia và giúp Hà Lan nâng cao hơn cơ hội vô địch tại một giải đấu lớn.
2. Barcelona và Real Madrid vẫn sẽ thống trị Tây Ban Nha
Sẽ không có nhiều sự thay đổi về cán cân sức mạnh của các đội bóng tại La Liga nếu như TTCN không tồn tại. Lò La Masia của Barcelona và La Fabrica của Real Madrid vẫn là hai hệ thống đào tạo chiếm ưu thế trong làng bóng đá Tây Ban Nha.
Tài năng trẻ của Barca thì có lẽ không cần nói nhiều khi những Valdes, Puyol, Pique, Alba, Busquets, Xavi, Iniesta, Messi, Pedro hay Fabregas… vẫn đã và đang khuynh đảo bóng đá thế giới những năm gần đây. Nhưng Real cũng không thể coi thường khi vẫn có trong tay Casillas, Arbeloa, Filipe Luis, Javi Garcia, Soldado, Negredo hay Juan Mata…
Riêng với Barca, nếu như không tham gia vào những cuộc mua bán, họ vẫn là một thế lực tại châu Âu và những chuyện buồn như bản hợp đồng đắt giá nhưng vẫn thất bại tràn trề với Zlatan Ibrahimovic sẽ không xuất hiện.
3. Southampton và West Ham là những đội bóng tốt nhất nước Anh
Southampton sẽ rất tự hào khi sở hữu mũi đinh ba đầy chất lượng trên hàng công gồm Theo Walcott, Alex Oxlade-Chamberlain và cả Gareth Bale. Bên dưới sẽ là sự hỗ trợ của hàng thủ gồm Wayne Bridge, Chris Baird và Luke Shaw, những người mà họ không phải lo sợ mất vào tay một CLB lớn hơn.
West Ham và Southampton là những lò đào tạo có tiếng tại Anh
Đối thủ lớn của họ cho vương miện Premier League sẽ là West Ham với một loạt danh thủ kỳ cựu như Rio Ferdinand, Anton Ferdinand, Frank Lampard, Joe Cole, Jermain Defoe, Michael Carrick và cả John Terry (người từng có thời gian 4 năm tập ở đội trẻ The Hammers).
Không thể quên nhắc tới Manchester United với lứa cầu thủ xuất chúng năm 1992 với những Paul Scholes, David Beckham và Gary Neville hay các hậu bối như Darron Gibson, David Jones and Craig Cathcart.
Còn Chelsea thì sao? Có thể bạn sẽ chẳng thấy họ ở nửa trên BXH Premier League khi mà đội bóng này chỉ có những cái tên như Ryan Bertrand (thậm chí ban đầu còn là một sản phẩm của Gillingham) hay cầu thủ vô danh như Jody Morris…
4. Partizan Belgrade, Hadjuk Split và Sporting Lisbon là những thế lực tại châu Âu
Theo một nghiên cứu của một trung tâm quốc tế về thể thao, học viện của Ajax là nơi đóng góp nhiều cầu thủ hàng đầu nhất trong làng bóng đá thế giới. Nhưng ngạc nhiên là Partizan Belgrade của Serbia là lò đào tạo trẻ đứng thứ 2. Những đại diện ưu tú của họ gồm có Stevan Jovetic, Danko Lazovic, Adam Ljajic và Matija Nastasic.
Tiếp theo là Hadjuk Split, đội bóng là nơi khởi nghiệp của những danh thủ Croatia trong quá khứ như Alen Boksic, Robert Jarni, Slaven Bilic, Igor Tudor và cả hiện tại như Nikica Jelavic, Darijo Srna và Ivan Perisic. Đứng ngay sau Barcelona (xếp thứ 4), học viện của Sporting Lisbon đã chắp cánh cho tài năng của những Cristiano Ronaldo, Simao, Nani và Joao Moutinho.
Trong thực tế, hầu hết những nền bóng đá ở các nước châu Âu đều có ít nhất một CLB có hệ thống đào tạo trẻ danh tiếng. Trong quá khứ, đã từng có thời gian các đội bóng tới từ Romania, Thụy Điển hay các nước thuộc Nam Tư cũ có thể đi tới trận chung kết và vô địch. Nếu không có chuyển nhượng, quá khứ có thể sẽ được lật lại.
5. Andy Carroll không trở thành trò cười
Trước ngày 31 tháng 1 năm 2011, Andy Carroll được biết đến như một trong những tiền đạo đầy triển vọng của Newcastle United. Nhưng kể từ ngày định mệnh đó khi chuyển tới Liverpool với mức giá kỷ lục của CLB: 35 triệu bảng, anh đã trở thành một trò cười trong thế giới bóng đá.
Dù tới đội bóng nào, Carroll vẫn bị cái mác 35 triệu bảng đè nặng
Dù vừa chính thức trở thành người của West Ham với cái giá 15,5 triệu bảng nhưng cái mác 35 triệu bảng sẽ không bao giờ rời bỏ anh. Khi chơi tại đội bóng hiện tại hay sau khi rời nó, cũng khó để anh tránh khỏi những lời chế giễu kiểu “anh chàng này giá 35 triệu bảng đấy!”
Không quá khi nói chính cái giá mà nhiều người cho rằng là vô lý đó đã gián tiếp hủy hoại sự nghiệp và danh tiếng của Carroll. Nêu như không có thương vụ này, anh sẽ là trụ cột của Newcastle và sẽ ngày một phát triển khả năng. Tiếc thay!
6. Đồng tiền sẽ không bị mất giá
Cho dù tính bằng bảng Anh, Euro hay Đô la Mỹ, phí chuyển nhượng khi đã lên 1 triệu sẽ là con số rất lớn. Nhưng đó là khi không có TTCN, còn hiện tại những bản hợp đồng 1 triệu bảng, 2 triệu Đô la Mỹ hay 3 triệu Euro sẽ được coi là không đáng chú ý và lẻ tẻ.
Sự cạnh tranh người này người kia của các đội bóng lớn khiến mức giá chuyển nhượng bị đội lên rất cao. Cả tiền lương của các cầu thủ cũng vậy, chuyện một ngôi sao cỡ khá nhận được 100 nghìn bảng trở lên trong 1 tuần đã không còn hiếm. Nếu không có chuyển nhượng, đồng nghĩa với không có chuyện đồng tiền mất giá như vậy.
7. Mùa hè trở nên nhàm chán
Trong một thế giới bóng đá không có chuyển nhượng, chúng ta sẽ nói gì vào mùa hè này? Thời tiết? Môn thể thao khác? Những người thân yêu của mình? Vẫn thấy thiếu thiếu một thứ gì đó!
Thiếu những thương vụ mua bán, mùa hè sẽ rất nhàm chán
Những nhà báo thể thao sẽ đi vào lối mòn của sự khô khan khi cứ phải phân tích về chuyên môn của các đội bóng (dù họ không có trận nào thời gian đó). Sẽ có các giải đấu quốc tế, nhưng chỉ trong vòng khoảng 1 tháng thôi và đó là không đủ để lấp đầy những khoảng trống còn lại của kỳ nghỉ hè.
Chúng ta háo hức những tin tức bóng đá nóng nổi từng ngày từng giờ dù là thông tin chính thức hay những lời đồn đại. Tóm lại, nếu không có TTCN, mùa hè này với những người hâm mộ bóng đá sẽ vô cùng nhàm chán.
Vũ Hoàn (Báo bóng đá điện tử: ibongdavn.com)