Yaya Toure và đồng đội Nasri - Ảnh Getty
Sự việc được dấy lên kể từ sau trận đấu giữa Newcastle và Man City. Với cú đúp giúp “The Citizens” giành chiến thắng 2-0 qua đó mở ra cánh cửa rộng mở cho ngôi vô địch, Yaya Toure đã được BTC Premier League trao giải thưởng là cầu thủ xuất sắc nhất trận. Phần thưởng dành cho anh là một chai champagne trang trọng. Tuy nhiên, Yaya Toure đã bất ngờ từ chối và trao nó lại cho đồng đội Joleon Lescott với lý do: “Tôi không được uống rượu vì tôi là người Hồi giáo. Vì vậy, cậu hãy giữ nó”.
Câu chuyện của Yaya Toure xảy ra vào thời điểm Premier League đang xem xét giải quyết vấn đề văn hóa và tôn giáo vốn rất nhạy cảm càng thúc giục BTC giải đấu này nhanh chóng đưa ra một giải pháp phù hợp nhất trong việc trao giải. Vốn là nơi quy tụ các cầu thủ tới từ 68 quốc gia khác nhau trên thế giới nên giải Ngoại hạng rất khó để có thể dung hòa sự khác biệt về sắc tộc, tín ngưỡng. Thế nhưng, họ vẫn kiên quyết sẽ họp bàn làm sao tìm ra cách thức trao giải nhằm tránh gây khó xử cho các cầu thủ vốn không thể nhận một chai champagne vì những quy định khắt khe từ tín ngưỡng.
Champagne vốn được sử dụng làm phần thưởng chính cho cầu thủ, đội bóng trong các trận đấu được phát sóng trên tivi. Kể từ khi bắt đầu kỷ nguyên của bóng đá Anh hiện đại và chào đón sự ra đời của Premier League vào năm 1992, champagne là thứ quen thuộc khi nhà tài trợ trao giải thưởng cho một cầu thủ, một đội bóng. Bởi sự nhỏ gọn, tiện lợi và không kém phần trang trọng, cách thức trao giải này trở thành một hiện tượng không thể thiếu không chỉ trong bóng đá Anh mà còn lan sang các môn thể thao khác trong đó có đua xe công thức 1.
Thế nhưng, vì lợi ích của các cầu thủ, FA sẵn sàng từ bỏ truyền thống này trong trường hợp bắt buộc. Nhiều cuộc họp với sự tham gia của những người đứng đầu các tôn giáo đã diễn ra nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Phải làm sao để các cầu thủ vừa cảm thấy mình được vinh danh một cách đáng trân trọng nhất mà lại không ảnh hưởng tới các cầu thủ theo đạo Hồi là câu hỏi được đặt ra. Sau quá trình họp bàn, Premier League cũng đã đưa ra được cách giải quyết được cho là hợp lý nhất để tiến hành áp dụng trong tương lai gần. “Chúng tôi đã tham khảo ý kiến từ nhiều nhóm tôn giáo trước khi đưa ra quyết định sử dụng một chai champagne làm phần thưởng trao tặng cho các cầu thủ. Trong trường hợp các cầu thủ không thể nhận chai champagne vì vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng như trường hợp của Toure thì cầu thủ sẽ nhận một tấm danh vị tượng trưng cho cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu”, phát ngôn viên của BTC Premier League cho hay.
Với giải pháp này, hình ảnh cầu thủ giơ cao chai champagne trong niềm vui chiến thắng sẽ không biến mất tại Premier League và các cầu thủ khác cũng sẽ không cảm thấy bị “tách rời” bởi tín ngưỡng tôn giáo khác biệt.
Xây phòng cầu nguyện ở từng đội bóng
Không chỉ BTC Premier League xem xét việc điều hòa tôn giáo tránh những xung đột không cần thiết mà các đội bóng cũng rất nghiêm túc trong việc này. Man City đã xây hẳn một căn phòng cầu nguyện cho những cầu thủ theo đạo Hồi của họ như anh em nhà Toure, Samir Nasri và Edin Dzeko.
Tương tự là trường hợp của Newcastle khi họ có đến 3 trụ cột theo đạo Hồi là Papiss Demba Cisse, Demba Ba và Hatem Ben Arfa: “Tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng đối với một số cầu thủ của chúng tôi. Bạn phải tôn trọng tôn giáo của một số cầu thủ khi chơi tại đây. Điều quan trọng là với bất cứ tôn giáo nào chúng ta cần phải hiểu và tôn trọng nó”, HLV của Newcastle Alan Pardew cho biết.
Những hành động thiết thực nói trên của BTC Premier League nói chung và BLĐ các CLB nói riêng cho thấy sự tiên phong của bóng đá Anh trong việc điều hòa sắc tộc và tôn giáo của các cầu thủ và biến sân cỏ trở thành điểm hẹn văn hóa của toàn thế giới.
Thethaovanhoa.vn