“Những gã trai làm trong các nhà máy luôn cảm thấy nhàm chán, họ cần sự hứng khởi vào mỗi dịp cuối tuần. Họ đến sân bóng là vì thế, vì muốn tìm thấy sự hứng khởi…” Đó là lời của Sir Matt Busby, HLV huyền thoại vào thập kỷ 60 của MU.
Thành phố Manchester giờ đây đã khác nhiều so với thời Matt Busby, thành phố công nghiệp đầu tiên trên thế giới giờ đây đã không còn công nghiệp như xưa nữa. Chỉ còn đó những nhà kho, bến cảng, bảo tàng nơi những ký ức một thời công nghiệp còn hiển hiện, Manchester giờ đây đã là một trung tâm của dịch vụ, tài chính và các ngành phi công nghiệp khác. Những nhà máy còn lại đều đã được chuyển ra ngoại vi thành phố. Trung tâm của nó chỉ có 500,000 dân và không khí của Manchester giản dị và yên tĩnh hơn nhiều so với tên tuổi của thành phố.
Không khí bình yên của thành Manchester luôn bị ngắt quãng với những trận đấu của M.U
Sự bình lặng chấm dứt vào những ngày cuối tuần nơi MU thi đấu trên sân nhà. Ở đây, MU là một thứ tôn giáo và mỗi fan của MU như một tín đồ. 2h chiều trận đấu mới khai cuộc, 12h trưa, toàn bộ các nhà hàng gần đó đều đã chật kín “tín đồ”. Có những fan dễ nhận ra với chiếc áo đỏ truyền thống trên người, những người khác kín đáo hơn và chỉ nhận ra “tôn giáo” của họ khi bắt chuyện. Tất cả đều háo hức trước cuộc hành hương về thánh địa mỗi chiều cuối tuần như những người Công giáo đi Nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật.
1h chiều, một không khí lễ hội trên khắp các nẻo đường dẫn về Old Trafford. Những cửa hàng lưu niệm đỏ rực màu cờ phướn được lập ra xung quanh cổng chính dẫn vào sân. Phấn khích nhưng rất trật tự, khoảng hơn 70.000 người rầm rầm kéo về Old Trafford để kiếm tìm sự hứng khởi đúng như lời Sir Matt Busby. Điều khác chỉ là dòng người đổ về Old Trafford mỗi cuối tuần không phải là “những gã trai làm trong các nhà máy” như ngày xưa nữa mà có thể là bất kỳ cư dân nào trong một thành phố đang trên đà mở rộng nhanh chóng.
Lễ hội bóng đá ở Old Trafford bao giờ cũng mang một màu đỏ rực
Sức chứa của cả 4 khán đài Nam, Bắc, Tây, Đông của Old Trafford khoảng 76, 000 chỗ. Mỗi khi MU đá trên sân nhà, rất ít chỗ trống còn sót lại trên Thánh địa của những giấc mơ. Kỷ lục về số lượng được lập vào năm 2007 khi Quỷ đỏ đánh bại Blackburn Rovers 4-1 với 76,089 fan hâm mộ có mặt. Riêng những người đặt chỗ cả mùa đã chiếm khoảng 50,000 vé. Số còn lại được bán cho khách lẻ và khách quốc tế.
Ít ai tưởng tượng được, mỗi khi MU đá trên sân nhà, số lượng tín đồ khổng lồ này ngốn hết khoảng 2,5 tấn bánh mì và xúc xích. Điện năng sử dụng cho một ngày diễn ra trận đấu lên đỉnh tới 5,5 megawatts. Số lượng người phục vụ ở Old Trafford khoảng 400 nhưng vào ngày thi đấu, con số này phải lên tới 2500 người.
Nhân viên an ninh làm nhiệm vụ quanh sân trên lưng ngựa
Nước Anh nổi tiếng bởi những cổ động viên quá khích nhưng sự hứng khởi ở Old Trafford diễn ra trong khuôn khổ kỷ luật, văn hóa và văn minh. Nhóm cổ động viên đội khách West Bromwich có khoảng 3000 vé được sắp riêng vào một khu có hàng rào ngăn và hàng chục nhân viên đứng gác ở hai bên. Old Trafford có khu riêng dành cho các cổ động viên khuyết tật với khoảng 120 chỗ ngồi đặc biệt được thiết kế cho xe đẩy và người nhà đi kèm. Những người khiếm thị hoặc thị lực yếu được phát riêng hệ thống tai nghe để nghe bình luận trực tiếp.
76.000 cổ động viên chắc chắn thải ra một lượng rác khổng lồ. Một điểm đặc biệt khác ở Old Trafford là CLB tái chế lại toàn bộ số rác này. Giấy, chai nước, bảng biểu được phân loại riêng trong khi đó mọi thứ rác còn lại đều được gửi tới Cơ sở tái chế Vât liệu Công viên Trafford để xử lý. Thậm chí ngay cả cỏ được cắt từ đường pitch cũng được tái chế thành phân bón. Không có bất kỳ loại rác nào từ sân Old Trafford bị vứt ra bãi thải.
Fan M.U đi xem bóng đá như đi hội
Old Trafford là sân vận động đầu tiên ở Âu Châu có hệ thống phòng VIP và sảnh tiếp khách dành riêng cho VIP. Đoàn khách đến từ Việt Nam theo lời mời của Nhà vận chuyển chính thức cho MU Turkish Airlines được sắp xếp vào một phòng VIP riêng và phục vụ ăn uống theo chế độ đặc biệt. Tuy thế, khi trận đấu bắt đầu, toàn bộ bia rượu sẽ được dọn ra ngoài để tránh các cổ động viên bên dưới nhìn thấy cảnh chè chén trong phòng VIP. Tới giờ nghỉ giữa hiệp, rượu bia lại được mang vào nhưng người phục vụ kéo tầm rèm che toàn bộ khung kính nhìn ra sân vận động. Ngay cả khách VIP cũng không nằm ngoài những nguyên tắc khắt khe nhưng mang chuẩn mực văn hóa ở Old Trafford.
“Sir Matt Busby nói rằng người hâm mộ đi xem bóng đá vào mỗi dịp cuối tuần để tìm kiếm sự hứng khởi. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra sự hứng khởi cho họ. Đó là triết lý vẫn song hành cùng CLB cho tới ngày nay và mang lại danh tiếng cho MU trên toàn thế giới.” Sir Bobby Charlton viết.
Thành phố Manchester kiếm bộn tiền từ du lịch nhờ những shop hàng lưu niệm của M.U hay Man City
Manchester là một trong những CLB chơi thứ bóng đá có chất lượng chuyên môn cao nhất thế giới. Nhưng thành công của MU không chỉ nhờ chất lượng chuyên môn. CLB đã chạm tới trái tim người hâm mộ bởi một điều quan trọng khác: Quỷ đỏ luôn biết cách tạo ra một lễ hội văn hóa đầy hứng khởi nhằm phục vụ người hâm mộ vào mỗi dịp cuối tuần. Quan trọng hơn thế, đó còn là sự hứng khởi được tổ chức đầy văn hóa và hết sức văn minh trên tất cả các tiêu chí của nó.
Khánh Duy
Thethaovanhoa.vn