Những cầu thủ khốn khổ sau khi giải nghệ
Ở đỉnh cao sự nghiệp, Lee Hendrie từng kiếm hơn 30.000 bảng/tuần nhờ chơi cho Aston Villa. Anh được triệu tập vào đội tuyển Anh và là một trong những ngôi sao trẻ được kỳ vọng nhất của cuối thập niên 1990, cùng thời với những Frank Lampard, Rio Ferdinand and Steven Gerrard.
Nhưng ở tuổi 37, khi những chiếc xe hơi xa xỉ và những biệt thự triệu đô đã là quá khứ, Hendrie đang phải vật lộn với cuộc sống hiện tại. Tháng Giêng 2012, anh bị tịch biên toàn bộ tài sản, chính thức trở thành kẻ phá sản sau 2 lần tự sát bất thành. Hiện tại, Hendrie vẫn đang chơi bóng tại giải vô địch bán chuyên cho CLB Basford United.
Hendrie không phải là cầu thủ hiếm hoi gặp khủng hoảng tâm lý khi sự nghiệp bước vào giai đoạn thoái trào. Gordon Taylor, Giám đốc điều hành của Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Anh (PFA), cho biết hơn 10%, phải đến gần 20% số cầu thủ từng là triệu phú sa vào cảnh nợ nần chồng chất sau khi giải nghệ. Có lẽ sẽ khó để mọi người tìm thấy sự đồng cảm dành cho những cầu thủ vốn đã hưởng quá nhiều đặc ân từ cuộc sống này. Nhưng hãy nghe thử tâm sự của Hendrie.
Anh nói với kênh BBC: “Tôi từng là triệu phú thật, nhưng sau này tôi tự hỏi mình đã dùng toàn bộ số tiến ấy vào việc gì. Tôi đã quá quen với việc vung tiền cho những thú vui hoang phí: xe hơi thể thao, nhà cửa sang trọng, những kỳ nghỉ bạc triệu, quần áo cao cấp”.
Bố của Hendrie, cựu tuyển thủ Scotland Paul Hendrie, từng khuyên con trai hãy đầu tư tiền bạc vào những mục đích khôn ngoan. Với sự chỉ bảo của ông, Lee Hendrie cũng từng tích cóp được một khoản tài chính trị giá 10 triệu bảng Anh. Nhưng đến năm 2010 thì anh mất sạch.
Hendrie nói: “Tôi không hề hoang phí toàn bộ số tiền ấy vào cờ bạc, tôi cũng không bỏ phí tài sản của mình. Tôi thật sự muốn dùng nó cho gia đình mình. Nhưng vụ ly hôn khiến tôi tổn thất nặng nề, rồi những căn nhà mà tôi mua rốt cục trở thành những vụ đầu tư thất bại. Những người từng tư vấn tôi giờ chả cho tôi biết mình nên làm gì nữa. Tôi không biết bám víu vào đâu”.
Cuộc đời của Hendrie bước vào những chương tăm tối nhất khi anh cố tứ sát 2 lần. Cuộc sống hiện tại của cựu tiền vệ người Anh giờ đã khá hơn khi anh tìm thấy một tình yêu mới và nhận dạy bóng đá cho trẻ em ở một ngôi trường thuộc Midlands. Peter Kelsey, chuyên gia tâm lý cho nhiều cầu thủ và người dẫn chương trình truyền hình, thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân của ông là tiền bạc lẫn danh tiếng chỉ là tạm thời.
Ông nói: “Tôi luôn nhấn mạnh sự nghiệp của họ đều ngắn ngủi và việc định hướng tài chính có ý nghĩa sống còn, nhưng rất ít người chịu chấp nhận điều đó. Cầu thủ rơi vào một nhóm người không được giáo dục cẩn thận, họ thường xuyên học theo những người không nên học. Điều đó dẫn đến một vài trường hợp như Lee Hendrie”.
Giám đốc điều hành PFA Gordon Taylor cũng chĩa mũi dùi về phía những người đại diện. Ông nói: “Người đại diện sẽ bám lấy cầu thủ khi họ ở đỉnh cao danh vọng, nhưng sẽ bay biến đi mất khi họ bước vào giai đoạn cuối của sự nghiệp. Đấy là một thực tế”.
Trở thành tội phạm
Delroy Michael Facey, 34 tuổi, từng là cầu thủ nổi tiếng của West Brom. Tháng 3/2010 anh dính vào một vụ đâm chém tại Huddersfield. Sau khi bị cảnh sát thẩm vấn và tha bổng, Facey tiếp tục dính vào những vụ bê bối khác. Tháng 11/2013, Facey bị tóm cùng 5 người khác vì nghi án dàn xếp tỷ số. Đến tháng 8 năm nay thì anh dính vào một vụ đút lót.
Garry O’Connor, 31 tuổi, là cựu tiền đạo của Lokomotiv Moscow, Birmingham và đội tuyển Scotland. Sau khi giải nghệ, O’Connor là gương mặt quen thuộc ở những phiên tòa liên quan đến bạo lực và ma túy. Năm 2012, anh bị phát hiện tàng trữ ma túy. Hiện nay, O’Connor đang sống trong căn nhà thuê tồi tàn với giá 65 bảng/tuần.
Michael Johnson mới 26 tuổi, nhưng sự nghiệp của anh đã kết thúc từ cách đây 2 năm. Cựu tiền vệ đầy hứa hẹn của Man City nay đã tăng cân chóng mặt và bị nghiện rượu nặng. Chỉ trong vòng 2 năm qua, 3 lần anh bị cảnh sát tóm vì lái xe khi đang say xỉn. Tháng 9/2012, anh bị phạt 5.500 bảng bởi 3 vi phạm khác nhau trong vòng 1 tháng.
Marlon King, 34 tuổi, từng chơi cho Leeds, Hull City, Birmingham City... Đến nay anh đã 3 lần phải thụ án tù với một tiền án tiền sự đáng nể bao gồm: ăn trộm, đánh nhau, lừa gạt, dùng giấy tờ giả, lái xe khi đang say rượu, đánh người và cả hiếp dâm. Năm 2008, King từng bị phạt ngồi tù 5 ngày vì tấn công 1 cô gái 20 tuổi tại 1 quán bar ở London.
Michael Branch, 36 tuổi, từng khoác áo Man City, Wolves và Bradford, từng được xem là câu trả lời của lò Everton dành cho Michael Owen của Liverpool. Ngày 10/7/2012, Branch bị phát hiện đang phân phối ma túy. Anh phạt 7 năm tù vì đã cố bàn giao 3 kg amphetamine tại một bãi đỗ xe ở Liverpool và sở hữu thêm 1 kg cocaine tại nhà riêng ở Liverpool.
Từ triệu phú đến phá sản
Celestine Babayaro, 36 tuổi, nổi tiếng là cầu thủ có cái tên dài nhất (tên đầy đủ: Celestine Boyd Jonto Dave Kennington Jacquet Hycieth Babayaro). Từng được xem là một trong những hậu vệ trái hay nhất thế giới khi còn thi đấu, cựu cầu thủ của Chelsea, Newcastle và L.A Galaxy đã tuyên bố phá sản hồi 2011.
Keith Gillespie, 39 tuổi, bị tòa án buộc phải lao động công ích hồi đầu năm nay vì quấy rối bạn cái cũ. Cựu tiền vệ của Man United, Newcastle và đội tuyển Bắc Ireland từng được kỳ vọng sẽ trở thành một George Best mới, nhưng anh mau chóng tàn đời vì bệnh nghiện cờ bạc rất nặng. Khi tổng kết lại con đường cờ bạc của mình, Gillespie cho biết đã đốt hơn 7 triệu bảng Anh cho các nhà cái.
Sau khi giải nghệ, Gillespie cũng tập tành kinh doanh. Anh tham gia làm phim với một người bạn. Nhưng vì không có kiến thức gì về lĩnh vực này nên anh giao hết cho bạn quản lý. Kết quả là toàn bọ số tiền còn lại đã đội nón ra đi.
Eric Djemba-Djemba, 33 tuổi, từng kiếm được 75.000 bảng Anh/tuần thời đỉnh cao ở Man United. Anh sở hữu bộ sưu tập gồm 10 chiếc siêu xe và có 30 tài khoản ngân hàng trải dài trên khắp thế giới. Nhưng cách đây 6 năm, tòa án Birmingham đã tuyên bố tiền vệ người Cameroon phá sản. Hiện tại anh dạt sang tận Ấn Độ để thi đấu cho CLB Chennaiyin FC với thu nhập chưa đến 10.000 bảng/tháng.