Markus Babbel chữa khỏi căn bệnh liệt nguy hiểm Guillain-Barre
LẦN ĐẦU GẶP ÁC MỘNG
Năm 2000, HLV Gerard Houllier cần mua một trung vệ to cao, mạnh mẽ cho Liverpool và ông đã nhắm đến Markus Babbel, cầu thủ có thể đá tốt cả trung vệ lẫn hậu vệ phải. Trước đó, Babbel thi đấu rất ấn tượng và dồi dào thể lực trong màu áo Bayern.
Mùa bóng đầu tiên tại Liverpool, Houllier không có gì phải phàn nàn với Babbel khi anh chơi như người không phổi với đủ 38 trận tại Premiership, 13 trận tại UEFA Cup chưa kể các trận tại FA Cup và Cúp Liên đoàn. Mùa 2000/01 cũng là hoàng kim của Liverpool khi họ đoạt cú ăn ba (UEFA Cup, FA Cup và Cúp liên đoàn) với nhân tố quan trọng Babbel.
Nhưng đến Hè 2001, Babbel cảm thấy khang khác trong người khi ngày càng nhanh mệt hơn sau thời gian tập luyện. Thời điểm đó Babbel mới 28 tuổi nên anh nghĩ rằng mình dễ mệt vì đã qua thời đỉnh cao. Bước vào mùa giải, ác mộng mới bắt đầu.
Trong trận khai mạc gặp West Ham và trận tranh Siêu Cúp châu Âu với Bayern, Babbel chơi như mất hồn. Anh kể lại trên Telegraph năm 2002: "Hai trận đó thật tồi tệ với tôi. Bình thường tôi có thể chạy suốt 90 phút mà không gặp vấn đề gì nhưng khi ấy tôi chỉ chạy 20 phút là hết hơi. Tôi không thể chạy, thậm chí không thể thở. Tôi nói với HLV điều này nhưng không biết có gì xảy ra với mình và đơn giản là tôi không thể thi đấu".
HLV Houllier lo lắng nhưng vẫn tin tưởng Babbel. Trận đấu ít ngày sau đó gặp chủ nhà Bolton, Babbel vẫn ra sân trong đội hình xuất phát nhưng trong giờ nghỉ, anh đã xin thay ra sân. Lần đầu tiên trong sự nghiệp, Babbel phải xin HLV rời sân giữa chừng vì mệt. Babbel tin rằng cơ thể anh có vấn đề gì nghiêm trọng và tiến hành xét nghiệp máu ngay lúc đó.
Sau trận gặp Bolton hôm 27/8/2001, Babbel phải dừng chơi bóng luôn vì không đủ thể lực. Anh trở lại Đức để điều trị với hy vọng sớm trở lại sân cỏ. 3 tháng sau, các bác sĩ gửi cho anh tin xấu về mẫu thử máu. Họ chẩn đoán anh mắc hội chứng Guillain-Barre. Các bác sĩ cảnh báo những người mắc hội chứng này có thể bị liệt và tử vong.
LÊ BƯỚC ĐẾN TOILET
Babbel được đưa đến một phòng điều trị đặc biệt trong bệnh viện. Các bác sĩ dặn Babbel khi cảm thấy khó thở thì phải thông báo ngay. "Nếu tôi không làm điều đó, các cơ hô hấp có thể ngừng hoạt động và tôi sẽ chết", Babbel kể lại.
Trong quá trình điều trị (chủ yếu bằng thuốc và hóa lý trị liệu), Babbel đã trải qua những khoảnh khắc tồi tệ. Thời gian đầu trên giường bệnh, Babbel không có cảm giác từ dưới đầu gối và khuỷu tay, thậm chí một phần bên mặt. Nỗi lo bị liệt khiến Babbel cảm thấy sợ hãi khi anh thấy có nhiều bệnh nhân trong viện phải sống với xe lăn suốt đời.
Babbel không muốn bạn bè trông thấy anh trong tình cảnh này nhưng đồng đội tại Munich và Liverpool vẫn mò ra địa chỉ của hậu vệ người Đức thông qua vợ anh. Khi gặp bạn bè, Babbel thường khóc vì tủi thân.
Nhưng cũng may, quá trình điều trị đạt kết quả khả quan và Babbel được cho phép tập luyện để đi lại. Những người bị hội chứng Guillain-Barre bị tổn thương hệ thống thần kinh và cơ bắp khiến họ bị teo cơ nên cần phải tập luyện lại để phục hồi cơ.
Thử thách đầu tiên của Babbel là chinh phục toilet. Nói thì khôi hài nhưng đó quả là một bước tiến lớn trong quá trình hồi phục của Babbel. Từ giường bệnh đến toilet khoảng 10 mét mà khi đỉnh cao thì Babbel mất vài bước là tới. Còn lúc bị bệnh, anh phải bò lê mất vài phút mới tới nhưng rất hạnh phúc vì tự giải quyết được vấn đề cá nhân.
3 tuần sau, Babbel được các bác sĩ cho chuyển tới trung tâm phục hồi chức năng tại vùng núi Regensberg. Tại đây, Babbel được tập để đi lại những bước chập chững như đứa trẻ. Rất khó tưởng tượng dáng đi của Babbel khi đó và chính anh cũng tự mô tả là mình đi chậm chạp, vụng về như robot. Tuy nhiên, chính những bước đi đó cho thấy sự phục hồi của Babbel.
Trong hơn nửa năm điều trị kết hợp với nỗ lực tập luyện, Babbel đã lấy lại được phần nào thể lực để kịp tham gia kỳ tập huấn mùa Hè của Liverpool năm 2002. Trong trận tranh Siêu Cúp Anh năm 2002, Babbel đã được đưa ra sân phút 78 để thay cho Abel Xavier. Dù không chơi xuất sắc như khi đỉnh cao nhưng vẫn khá hơn nhiều so với trận Siêu Cúp Anh một năm trước. Kể từ lúc đó, Babbel tin rằng anh đã chiến thắng được bệnh tật.
BÁC SĨ KHÚC THỊ NHẸN (KHOA THẦN KINH - BỆNH VIỆN E HÀ NỘI): NHỮNG DẤU HIỆU BỆNH DỄ THẤY
Thông thường bệnh biểu hiện bởi cảm giác tê bì, kiến bò ở đầu chi, lúc đầu ở chi dưới sau lan lên chi trên, đôi lúc có thể tê ở mặt, triệu chứng thường xuất hiện ở cả hai bên (có tính chất đối xứng). Kèm theo bệnh nhân thấy yếu hoặc liệt tăng dần hai chân hoặc tứ chi, đi lại khó khăn, nhưng không rối loạn đại tiểu tiện.
Đồng thời bệnh nhân thấy đau mình mẩy hoặc đau các bắp cơ, liệt dây VII ngoại biên (liệt mặt ngoại biên) hai bên (hai mắt nhắm không kín, không nhe răng hay thổi lửa được, ăn uống hay bị vãi). Trường hợp nặng bệnh nhân thấy khó nuốt, uống nước sặc, kèm theo không ho khạc được, khó thở, rối loạn nhịp tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định là chọc dò tủy sống, ghi điện cơ đồ. Đây là hai xét nghiệm cần thiết giúp chẩn đoán xác định hội chứng Guillain-Barre. Trong trường hợp điển hình, xét nghiệm dịch não tủy thấy tăng protein còn tế bào bình thường.
Tuy nhiên nếu protein bình thường ở giai đoạn đầu của bệnh cũng không loại trừ hội chứng Guillain-Barre (cần làm lại lần hai); kết quả ghi điện cơ thấy hình ảnh giảm tốc độ dẫn truyền thần kinh (chứng tỏ có tổn thương mất myelin). Ngoài ra bệnh nhân cần làm các xét nghiệm khác như công thức máu, sinh hóa máu, chụp phổi, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu...
Hội chứng Guillain-Barre là gì?
Hội chứng Guillain - Barre là một rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh. Điểm yếu và tê ở tứ chi thường là triệu chứng đầu tiên. Những cảm giác có thể nhanh chóng lây lan, cuối cùng làm tê liệt toàn bộ cơ thể. HC Guillain - Barre là tương đối hiếm, ảnh hưởng đến chỉ có 1 hoặc 2 người trên 100.000 người.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân của hội chứng Guillain - Barre chưa rõ nhưng bệnh thường xuất hiện sau nhiễm khuẩn vài ngày hoặc vài tuần (tác nhân thường là vi khuẩn đường ruột gây viêm dạ dày - ruột hoặc virut), hoặc sau dùng một số loại thuốc (thuốc làm tiêu sợi huyết: streptokinase;...), một số trường hợp bệnh xuất hiện sau can thiệp ngoại khoa.
Thông thường sau khi bị vi khuẩn hoặc virus tấn công, cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại tác nhân gây bệnh, nhưng trong trường hợp này kháng thể lại chống lại bao myelin quanh dây thần kinh (gây tiêu hủy myelin từng đoạn) dẫn đến giảm tốc độ dẫn truyền các xung động thần kinh. Do đó bệnh được coi là một bệnh tự miễn, không có tính chất gia đình và cũng không lây truyền.