1001 chuyện "siêu thần" trong bóng đá
Một đêm, họ bí mật đột nhập vào sân Juan Domingo Peron chôn 7 con mèo đen chết xung quanh SVĐ của Racing Club để… yểm bùa. Chiêu bài tưởng như rất vớ vẩn của các CĐV Independiente bất ngờ thành công rực rỡ bởi sau đó Racing Club lụn bại. Họ không thể vô địch Argentina, thậm chí Racing Club còn suýt phải tuyên bố phá sản (1999). Khi đó, Racing Club phát hiện ra âm mưu của CĐV Independiente và bắt đầu cật lực đi đào bới, tìm kiếm 7 bộ xương mèo. Sau nhiều năm tìm kiếm, Racing Club chỉ tìm thấy 6 bộ xương.
Trước khi bị định chỉ thi đấu vì nguy cơ phá sản, ngày 14/02/1998, hơn 100.000 cổ động viên của Racing Club đồng loạt mặc đồ trắng cùng BLĐ đến sân với một thầy pháp, làm lễ ở các cột cầu môn, tưới nước thánh lên sân khung thành “trừ tà”. Nhưng Racing Club vẫn rơi vào thảm cảnh.
Năm 2001, khi Reinaldo Merlo làm HLV, ông đề nghị làm một cuộc tổng tấn công bộ xương mèo đen thứ 7. Merlo ra lệnh đào toàn bộ khuôn viên SVĐ, bốc toàn bộ những công trình cản trở việc tìm kiếm, đào cả con hào được bê tông hóa phía ngoài sân, nơi trước đây là rãnh nước. Khi con hào lật lên, họ đã tìm thấy bộ xương mèo thứ 7. Ngay mùa giải năm đó, Racing Club đã đoạt chức vô địch quốc gia sau 35 năm bị yểm bùa.
Trùng hợp? Thật khó nói. Nhưng với những người duy tâm, đó là niềm tin. Và trong bóng đá cũng không ít người đề cao chuyện tâm linh, thậm chí không làm thì họ không thể đá bóng nổi. Ví dụ như tiền đạo Gomez (Bayern) không bao giờ hát quốc ca, luôn “giải quyết vấn đề” ở bồn cầu thứ 3 dãy trái. Tiền đạo lừng danh Luis Suarez của TBN hồi thập kỷ 60, luôn tin rằng mình sẽ ghi bàn nếu làm đổ cốc sữa trong bữa ăn trước trận. Vì thế, HLV Inter khi đó là Helerio Herrera luôn “giúp” Suarez… làm đổ cốc sữa. Người hùng của ĐT Anh tại World Cup 1966, Nobby Stiles luôn bôi dầu olive vào ngực trước trận đấu. Kolo Toure luôn cầu nguyện rất lâu trước khi vào sân, vì thế mà anh từng nhận thẻ vàng khi khoác áo Arsenal vì tội cầu nguyện quá lâu khi vào thay người…
Mê tín thì chẳng ai dám nhận. Nhẹ nhàng hơn một chút là “tâm linh”, thì ai cũng có, nghề nào cũng có. Người duy lý thì bảo rằng đó là điều tưởng tượng, chỉ đơn giản là thói quen, kiểu như thủ môn Cech dù chấn thương đầu đã lành từ lâu nhưng đến bây giờ, khi thi đấu vẫn không thể bỏ mũ bảo hiểm ra được. Thiếu nó, Cech không bắt được. Nhưng sẽ giải thích thế nào với những sự trùng hợp khó hiểu, cụ thể là trường hợp của Racing Club? Hay những đội bóng như Lokomotiv Plovdiv chỉ thắng khi bôi máu cừu lên cột gôn, chuyện CLB Karsiyaka (TNK) vẫn tin rằng mình sẽ thắng nếu cắt tiết lạc đà bôi lên mặt cầu thủ? Thống kê thì có 80% số trận Karsiyaka thực hiện nghi lễ này sau đó họ thắng (có lẽ bởi ít lạc đà quá cho họ cắt tiết!). Tình cảm hơn một chút thì ai có thể giải thích tại sao Blanc luôn hôn cái đầu hói của thủ môn Barthez trong mỗi trận đấu của ĐT Pháp?
Tâm linh hay niềm tin vào siêu nhiên, dù muốn hay không, thì đó vẫn là một phần của cuộc sống thực tại. Dù là người vô thần thì nhiều lúc trong cuộc sống vẫn gặp những điều khó giải thích. Do vậy, chuyện sùng tín một điều gì đó, có thể chỉ là thói quen, nhưng nó cũng tác động lên tâm lý cầu thủ, HLV và các nhà lãnh đạo. Sự tác động tâm lý này có khi còn tạo ra sức mạnh phi thường. Vì thế, dù có hay không một thế lực siêu nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin. Tin vào bản thân. Tin vào niềm tin của chính mình. Và tin vào những điều làm cho mình mạnh mẽ…
Mê tín trong bóng đá xuất hiện từ khi nào?
Trả lời: Khoảng những thập niên 80 thế kỷ 19.
Không một nhà khoa học nào dám đưa ra mốc thời gian chính xác về thời điểm những điều mê tín quái dị xuất hiện trong bóng đá. Tuy nhiên, một vài chuyên gia khẳng định, họ bắt đ ầu nhìn thấy những điều “không bình thường” ở một số đội bóng châu Phi từ năm 1892. Khi các cầu thủ ăn mặc lòe loẹt, để tóc quái dị ra sân, họ thừa nhận ăn mặc như thế để xua đuổi tà ma. Đến khoảng những năm 60-70 của thế kỷ 20, cánh báo chí Anh mới đưa những dấu hiệu đầu tiên về mê tín ở bóng đá Anh. Đó là trường hợp của ngôi sao dự bị khoác áo Liverpool, David Fairclough. Anh này khẳng định trước mỗi trận đấu luôn rửa tay ít nhất 4 lần và luôn xỏ giày cuối cùng trong quy trình thay trang phục thi đấu. Song Fairclough khẳng định đó chỉ là thói quen, chứ không phải một dạng mê tín.