
Trên thực tế, chấn thương đầu là một dạng chấn thương rất phổ biến trong bóng đá. Hầu hết những “tai nạn” liên quan đến đầu do va chạm mạnh khi tranh chấp với đối thủ, hoặc chịu một va đập bất thường. Những pha va chạm “tóe lửa” như giữa Smalling và Huntelaar vừa qua cũng chẳng hiếm. Dù không xảy ra va chạm trong thi đấu, chỉ riêng việc cầu thủ thường xuyên đánh đầu cũng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Có rất nhiều nghiên cứu được tiến hành về tác hại của đánh đầu, trong đó, các kết luận của Viện y tế Quốc gia của Mỹ được chú ý nhất.
Mỗi năm tại Mỹ, số ca chấn thương đầu chiếm tới 40%. Các môn thể thao ở Mỹ có tới 3,6 triệu ca chấn thương đầu mỗi năm (60% thuộc về các cầu thủ bóng đá - theo Tạp chí Lâm sàng Y học thể thao năm 2002). Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, những cầu thủ trẻ có nguy cơ chấn động cao hơn, vận động viên nữ dễ chấn động hơn nam và người đã từng trải qua 1 lần chấn động não sẽ tái phát xung động não khi có va chạm (dù nhẹ hơn 30% lần trước). Một khuyến cáo cũng được đưa ra: trẻ em dưới 15 tuổi không nên đánh đầu quá 3 lần mỗi ngày trong những quả tạt từ xa trên 15m.
Mỗi cầu thủ chuyên nghiệp sẽ đánh đầu khoảng 5 đến 6 lần trong một trận đấu 90 phút (khi tập luyện là khoảng 9 lần). Mỗi lần đánh đầu, họ nhận trung bình một lực tương đương cú đấm của một tay boxing hạng trung. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu Y tế của FIFA thì cho rằng, lực tác động của những cú đánh đầu này không đủ gây ra chấn động (kể cả sai cơ bản). Nhưng họ quên mất rằng, những cú đánh đầu lại diễn ra thường xuyên. Khi đó, dù cầu thủ không bị choáng nhưng hậu quả lại rất lớn.
Mỗi chấn thương có một biểu hiện khác nhau tùy theo lực va chạm và vị trí ảnh hưởng. Nếu tác động ngắn hạn, cầu thủ có thể bị ảnh hưởng từ vài giờ đến vài tháng. Tác động dài hạn sẽ được chia ra nhiều loại như ảnh hưởng trực tiếp: cầu thủ hôn mê hoặc mất trí nhớ; chấn thương mãn tính. Đây là trường hợp thường gặp khi cầu thủ bị đau đầu kinh niên, trầm cảm, suy giảm trí nhớ, nói lắp, thị giác suy giảm sau khi giải nghệ… Trung tâm nghiên cứu Y khoa ĐH Albert Einstein (New York) đã đưa ra nghiên cứu từ 106 cựu cầu thủ được tiến hành (những người đánh đầu trung bình trên 1.200 lần mỗi năm) cho thấy 81% cầu thủ về sau có ảnh hưởng đến trí nhớ và mắt.
Một loạt nghiên cứu vẫn đang được tiến hành nhằm giải quyết hậu quả về chấn thương đầu. Trong đó ĐH Boston đang lên hẳn một kế hoạch nghiên cứu chuyên ngành. Họ đã có nhiều người nổi tiếng tình nguyện hiến não phục vụ nghiên cứu sau khi qua đời, trong đó có 2 tuyển thủ Mỹ: Taylor Twellman (nam) và Cindy Parlow (nữ).
Tuy nhiên, trước khi có kết quả thì tốt nhất khi thi đấu bóng đá hãy hạn chế đánh đầu, đặc biệt là những cầu thủ… chưa chuyên!
Bongdaplus.vn