
Thanh Trung đã được "tự do"
Hôm qua, bình luận về sự kiện Thanh Trung được VFF “giải cứu” trên , độc giả lam giang từ địa chỉ e-mail [email protected] đã viết: “Theo tôi vụ này bác Kiên nên khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ, cũng cần tham vấn Bộ Tư pháp xem sao? Nếu họ vẫn xử cho Thanh Trung thắng, bác vẫn còn giải pháp kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao, rồi kiện ra Tòa thể thao quốc tế. Nếu tại Tòa vẫn thua, còn giải pháp cuối là gửi công văn tới các CLB đề nghị không nhận Thanh Trung. Đã làm phải làm tới cùng. Kinh doanh là kinh doanh, từ thiện là từ thiện. Làm gì có chuyện Thanh Trung bỏ đi dễ thế”?
Ý kiến đầy chất châm biếm và hài hước này ngay lập tức nhận được sự ủng hộ đông đảo của các độc giả khác trên , một bằng chứng cho thấy quan điểm “Dư luận sẽ là trọng tài công tâm nhất” mà ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch CLB K.KH kiêm trưởng ban Kiểm soát VPF, lấy làm tiêu đề trong bức thư ngỏ gửi cách đây chưa lâu là cực kỳ chuẩn xác.
Theo tiết lộ của người trong cuộc, luật sư Nguyễn Hữu Chí, phó ban Tư cách cầu thủ VFF, đã khuyên với Thanh Trung là nên tiếp tục kí hợp đồng với CLB bóng đá Hà Nội, vì như thế Thanh Trung sẽ được thi đấu trở lại ngay lập tức, nhưng dám chắc Thanh Trung sẽ không bao giờ làm theo lời khuyến nghị này, bởi với lí do đơn giản là sau những lời “có cánh” mà bầu Kiên đã nói với Thanh Trung như “Nếu cứ dây dưa như thế này, cháu sẽ là người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất”, hay “Cháu không đi được đội nào đâu. Chú có quan hệ với tất cả các đội bóng, chú cũng có rất đông luạt sư trong tay”, thì có giả sử bầu Kiên có trả Thanh Trung gấp 10 lần số tiền mà ông từng đề nghị Thanh Trung (1 tỷ đồng/mùa cho hợp đồng kéo dài 5 năm) thì Thanh Trung cũng sẽ không muốn khoác áo CLB BĐ Hà Nội thêm bất cứ giây phút nào nữa.
Vấn đề ở đây không phải là sự khác biệt giữa những con số trong cuộc nói chuyện giữa bầu Kiên và Thanh Trung, mà yếu tố làm nên vụ “tan đàn xẻ nghé” này là cách đối xử giữa người với người. Suốt từ đầu đến cuối, Thanh Trung tuy là một cầu thủ còn rất trẻ (sinh năm 1988-PV) đã rất ứng xử rất chuyên nghiệp và nghiêm túc, nhưng cái mà Trung nhận được từ những “người lớn” lại không phải như thế.
Cũng may là trong lúc khó khăn nhất thì Thanh Trung vẫn còn chỗ dựa là pháp luật, là Quy chế, Điều lệ của VFF, nếu không chẳng ai biết số phận của một cầu thủ được coi là tài năng trẻ của bóng đá VN sẽ trôi dạt về đâu trong trường hợp có người gây được áp lực để Thanh Trung phải rơi vào hiểm cảnh “không chốn dung thân”. Cũng may là công lí chỉ đứng về lẽ phải, chỉ đứng về cái đúng chứ không đứng về phía “kẻ mạnh”.
Mừng cho Thanh Trung, nhưng lại buồn cho bóng đá VN, vì một chuyện tưởng như đã “hai năm rõ mười” thế mà vẫn phải lôi ra “Toà án” của VFF để phân xử, mà kể cả khi đã được xử thắng thì người thắng cũng vẫn chưa hết lo lắng bởi e ngại “đối thủ” còn tung đòn hiểm vào giờ chót. Đúng là nghĩ mà cám cảnh.
Hoàng Huy
Thethaovanhoa.vn