Bây giờ, "cò" cầu thủ nhiều như nấm sau mưa và lúc nào cũng sẵn “hàng” thì các đội bóng cũng chẳng còn mặn mà cho lắm. "Cò" bây giờ không còn là địa chỉ vàng của các đội trong quá trình tìm kiếm ngoại binh nữa...
Kể từ khi V.League lên chuyên nghiệp, giới cầu thủ Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện bùng nổ của "cò" cầu thủ. Những cái tên ngoại như Raul Pignataro, Mauro, Mae Mua, Sanchez hay Trần Tiến Đại - một “siêu cò” của bóng đá Việt Nam... đều nhanh chóng trở thành những tên tuổi “có số có má” làm khuynh đảo thị trường và mặc sức “thổi giá” cầu thủ khiến các CLB chóng mặt. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang", thay vì duy trì phong độ và khẳng định vị thế, chất lượng “nguồn hàng” ngày càng giảm đã tác động xấu tới hình ảnh của chính họ. Raul Pignataro hay Mae Mua rồi cũng tự động rút khỏi Việt Nam không kèn không trống. Nghe phong thanh, cách đây 1 năm, cò Sanchez cũng có đưa “hàng” sang Việt Nam. Sau khi nghe những lời giới thiệu ngọt như mía lùi, một vài CLB cũng thử ngoại binh mà Sanchez đưa sang nhưng rốt cuộc đều lắc đầu. Mới đây nhất, một siêu cò như Trần Tiến Đại cũng không đủ sức “đạo diễn” đưa Quang Thanh ra khỏi đất Thủ. Một màn kịch vụng? Hay "cò" Đại không còn đủ tài để dàn xếp những vấn đề khác liên quan tới bản hợp đồng giữa Quang Thanh với B.BD?
Thời bão giá chuyển nhượng cho "cò" đã chấm dứt, và cái sự chấm dứt ấy về cơ bản đến từ niềm tin. Sau vài lần bị hớ và cắn răng với những bản hợp đồng từ phía các "cò", các CLB đã trưởng thành và tự rút ra cho mình bài học. Họ tự lên kế hoạch, tự tìm kiếm nguồn ngoại binh. Và điển hình nhất là trường hợp của SLNA. Họ tuyển lựa kỹ càng qua mạng rồi mới mời thử việc. Chưa hết, đội bóng xứ Nghệ còn có cả một hội đồng tuyển chọn để thẩm định chất lượng cầu thủ. Với cách làm này, SLNA vừa tìm được nguồn ngoại binh chất lượng, vừa đảm bảo tiết kiệm kinh phí. Một số đội bóng cũng xem SLNA như nguồn cung cấp ngoại binh có bảo hành. Về cơ bản, chi phí để ký một cầu thủ như thế kinh tế hơn rất nhiều nếu đem so với “nguồn hàng” của các cò (có thể “cắt phí” lên tới 30% cho một bản hợp đồng).
Không thể phủ nhận, chính các cò cầu thủ đã từng mang lại sự sôi động trên thị trường chuyển nhượng. Sự mát tay của họ cũng tạo nên hiệu ứng tích cực thậm chí đảm bảo được lợi ích của các cầu thủ. Tuy nhiên, khi yếu tố tư lợi quá lớn cộng với cách làm việc nửa vời đã khiến cò cầu thủ đánh mất đi vị trí của mình. Bởi thế, sự cảnh giác, chủ động của các CLB cũng là xu hướng tất yếu, như một nét vẽ tích cực trong bức tranh tổng thể về dòng chảy V.League.
Bongdaplus.vn