VL U23 Châu Á 2016: Nhật Bản quá mạnh, Việt Nam & Malaysia tranh ngôi nhì
NHẬT BẢN KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ
ĐT Olympic Nhật Bản với sự dẫn dắt của HLV Teguramori Makoto đã chốt danh sách 23 cầu thủ, tham dự vòng loại U23 châu Á 2016 từ ngày 3/3/2015. Trong số này, có những ngôi sao đầy tài năng của bóng đá xứ sở Mặt trời mọc từng tham dự ASIAD 2014 tại Hàn Quốc như: Ueda Naomichi (CLB Kashima Antlers), Ohshima Ryota (Kawasaki Frontale), Notsuda Gakuto (Sanfrecce Hiroshima)…
Không chỉ hội quân sớm, Olympic Nhật Bản còn nhận được sự đầu tư và quan tâm “tận răng” của LĐBĐ Nhật Bản trong công tác tập luyện và thi đấu giao hữu. Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi năm 2014 được coi là một năm đầy thất vọng của bóng đá trẻ Nhật Bản.
Cụ thể, tại Asiad 17, Olympic Nhật Bản đã phải dừng chân tại vòng tứ kết, và trước đó ở VCK U19 châu Á được tổ chức tại Myanmar, U19 Nhật Bản cũng thất bại một cách đắng cay. Chưa hết, bước sang năm 2015, tại Asian Cup 2015, ĐT Nhật Bản cũng gục ngã trong trận tứ kết trước UAE, khi hai ngôi sao Shinji Kagawa và Keisuke Honda sút hỏng phạt đền.
Mới đây nhất, thầy trò HLV Teguramori Makoto đã phô diễn sức mạnh của mình với 2 trận thắng “hủy diệt” trước các đối thủ đến từ khu vực Đông Nam Á. Sau khi đánh bại U22 Singapore với tỉ số đậm 8-1, Olympic Nhật Bản tiếp tục gây sốc với chiến thắng 9-0 trước Olympic Myanmar, đội mới đây chỉ chịu thua sát nút 0-1 trước Olympic Thái Lan trên sân khách.
“Những gì vừa diễn ra chưa thể nói hết sức mạnh của chúng tôi. Tôi tin chúng tôi sẽ còn làm tốt hơn nữa, bởi trong một vài thời điểm chúng tôi đã mắc sai sót”. Tiền đạo Musashi Suzuki tự tin khẳng định. Về phần mình, HLV Teguramori Makoto cũng cho rằng: “Chúng tôi sẽ có phương pháp tiếp cận trận đấu để các đối thủ không thể làm những gì họ muốn. Với đội hình hiện tại, Nhật Bản tự tin thắng đậm Olympic Việt Nam và Olympic Malaysia để giành ngôi đầu bảng”.
Rõ ràng, với đẳng cấp và thực lực của mình, ngôi đầu bảng I, khó thoát khỏi tay Olympic Nhật Bản.
NGÔI NHÌ, CHUYỆN CỦA VIỆT NAM & MALAYSIA
Tại bảng I, ngoài Olympic Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam còn có Macau (Trung Quốc). Tuy nhiên, nếu theo dõi cũng như dựa trên kết quả thi đấu thời gian qua, cuộc chiến giành ngôi nhì bảng có vẻ như là chuyện riêng của Olympic Việt Nam và Malaysia khi Macau được xác định là “kho điểm”.
Với tư cách là đội chủ nhà của vòng loại, HLV Ismail Razip và các học trò đang có những ưu thế nhất định so với thầy trò HLV Toshiya Miura. Thời gian vừa qua, Olympic Malaysia cũng đã để lại khá nhiều ấn tượng ở các trận đấu giao hữu. Chẳng hạn tại giải Bangabadhu Gold Cup diễn ra tại Bangladesh, Malaysia đã giành ngôi đầu bảng A với 2 trận toàn thắng trước Bangladesh (1-0) và Sri Lanka (2-0).
Ở vòng bán kết Malaysia đã vượt qua Singapore và cuối cùng, đội bóng này đã giành chức vô địch sau khi đánh bại đội chủ nhà Bangladesh với tỷ số 3-2. Dù vậy, họ cũng khiến các CĐV đội nhà phải ngờ vực, bởi mới đây nhất Olympic Malaysia đã để thua U20 Myanmar trong một trận đấu tập với tỷ số 0-3, một cách rất khó hiểu.
“Bảng I là một bảng đấu khó khăn, Olympic Nhật Bản chắc ở vị trí đầu bảng và chúng tôi phải tranh chấp với Olympic Việt Nam để có vị trí thứ hai. Cả 3 trận đấu rất quan trọng vì số bàn thắng sẽ quyết định cơ hội đi tiếp. Trong đó, trận ra quân gặp U23 Việt Nam là trận đấu mang tính sống còn. Chúng tôi buộc phải thắng U23 Việt Nam vì như đã nói Nhật Bản là một đối thủ quá mạnh”, HLV Ismail Razip phát biểu với báo giới.
Xét tương quan lực lượng và trình độ bóng đá trong những năm qua, rõ ràng, cuộc chiến giành ngôi Nhì giữa Olympic Việt Nam và Olympic Malaysia đang khá cân bằng. Nhưng cũng rất nhiều người tin, cán cân đang nghiêng về HLV Toshiya Miura và các học trò, bởi thời gian qua Olympic Việt Nam đã có những sự chuẩn bị và thu về kết quả rất tích cực. Chẳng hạn như, họ vượt qua CLB HN.T&T với tỷ số 3-1, thắng U22 Indonesia với tỷ số 1-0 hòa U22 Uzbekistan tỷ số 0-0. Ở trận đấu tập cuối cùng với CLB Đồng Nai, các học trò của ông Miura cũng hòa 1-1.
Tóm lại, ở bảng I, Olympic Nhật Bản gần như không có đối thủ, còn Việt Nam và Malaysia sẽ phải đối đầu với nhau để giành chiếc vé thứ 2 ở bảng đấu này, nhằm nuôi hy vọng lọt vào tốp 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, tham dự vòng chung kết tại Qatar 2016.
Phân bảng Vòng loại U23 châu Á 2016: Bảng A: Iraq, Oman, Bahrain, Lebanon, Maldives. Bảng B: Jordan, Kuwait, Kyrgyzstan, Pakistan, Turkmenistan. Bảng C: Arab Saudi, Iran, Nepal, Palestine, Afghanistan. Bảng D: UAE, Yemen, Tajikistan, Sri Lanka. Bảng E: Syria, Uzbekistan, Ấn độ, Bangladesh. Bảng F: Australia, Myanmar, Hong Kong, Đài Loan. Bảng G: CHDCND Triều Tiên, Thái Lan, Campuchia, Philippines. Bảng H: Hàn Quốc, Indonesia, Đông Timor, Brunei. Bảng I: Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Macau. Bảng J: Trung Quốc, Lào, Singapore, Mông Cổ. Lịch trình của Olympic Việt Nam chuẩn bị cho VL U23 châu Á 20/3: Lên đường sang Thái Lan 22/3: Thi đấu giao hữu với Olympic Thái Lan 23/3: Sang Malaysia chuẩn bị cho VL U23 châu Á 27/3: 19h45 gặp Olympic Malaysia 29/3: 19h15 gặp Olympic Nhật Bản 31/3: 16h00 gặp Olympic Macau (Trung Quốc) Cơ hội cho các đội Nhì bảng Vòng loại giải U23 châu Á 2016 sẽ có sự góp mặt của 43 đội bóng, chia thành 10 bảng. Theo điều lệ, 10 đội bóng đứng đầu các bảng và 5 đội Nhì có thành tích tốt nhất sẽ lọt vào vòng chung kết năm 2016 ở Qatar. Ở giải đấu đầu tiên vào năm ngoái (với tên cũ U22 châu Á 2013) Iraq là đội giành chức vô địch. Năm nay, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã đổi tên giải thành U23 và xem đây là vòng loại để chọn 4 đội vào bán kết tham dự Olympic Rio 2016. Nỗi buồn năm 2013 Tại vòng loại U22 châu Á 2013, tuyển Việt Nam nằm cùng bảng G với Hàn Quốc, Myanmar, Malaysia, Đài Loan và Philippines. Ở vòng đấu loại, U22 Việt Nam từng để thua với tỷ số 0-3 trước U22 Malaysia. Kết thúc vòng bảng, U22 Việt Nam đã bị loại vì chỉ giành được 3 điểm sau 5 trận đấu. |