Vài dòng về thầy Miura...
* BXH huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 28
* Lịch thi đấu bóng đá và các môn khác ở SEA Games 28
Theo dõi Việt Nam dưới thời Miura, thấy rõ một điều: Đội tuyển của Miura thay đổi qua từng giải đấu và đỉnh cao là qua từng trận đấu tại SEA Games lần này. Thay đổi ở đây không có nghĩa là tiến bộ.
Miura là người nhìn nhận đối thủ tốt, đấu pháp hợp lý, thể hiện sự tỉ mỉ và khôn ngoan trong công việc. Đây có thể là HLV có chuyên môn thuộc dạng tốt nhất nhì lịch sử thuê HLV ngoại của Việt Nam, cho dù thành tích của ông ở Nhật không nổi bật.
Nhưng Miura có một nhược điểm lớn: Không thể thay đổi "nóng" trong trận. Tức là nếu mọi thứ diễn ra đúng như dự báo của HLV người Nhật thì không sao, nhưng nếu nó trật trìa thì Miura thay đổi khá chậm. Bên đường pitch, ta không thấy ông ghi chép, trao đổi với trợ lý mà gần như chỉ đăm chiêu.
"Ít nhiều chiến sĩ buồn không nói.
Đứng đó nhìn xa nghĩ ngợi gì?"
Có thể vì rào cản ngôn ngữ, cũng có thể vì đó là đặc tính người Nhật, rất chậm thay đổi. Chính đội tuyển Nhật Bản cũng vậy, đá hay thì trùm trời nhưng gặp đối thủ có chiến thuật đối phó thành công là như gà mắc tóc. Alberto Zaccheroni từng nói về cầu thủ Nhật: "Họ rất kỹ thuật, cần cù và máu lửa, nhưng chậm thích nghi với những thay đổi".
Một người bạn của tôi làm quảng cáo cho các công ty Nhật nhận xét: "Nhật Bản rất giỏi hoạch định những chiến lược dài hơi, nhưng không giỏi trong những đoạn ngắn và chậm thay đổi".
... Nhưng ông thầy người Nhật khá chậm thích nghi với diễn biến trên sân
Trở lại với SEA Games, 5 trận đấu là 5 cách tiếp cận khác nhau. Không trách được Miura vì đội U23 của ta chưa mạnh như Thái nên phải tùy đối thủ mà đá. Đây là cách tiếp cận hợp lý, chỉ có điều về lâu về dài không tốt. Một đội bóng muốn mạnh thì phải có triết lý rõ ràng. Các HLV đến phải dung hòa triết lý của bản thân và đội bóng, chứ không thể đồng hóa luôn đội bóng ấy theo mình.
Việt Nam từ khi trở lại với bóng đá khu vực như anh chàng Lệnh Hồ Xung trong người tùm lum những luồng chân khí. Mỗi HLV chẩn bệnh Việt Nam một kiểu. Dưới thời Weigang đá kiểu Đức, thời Murphy phất bóng dài kiểu Anh, thời Tavares đá kiểu Brazil, thời Dido chưa ra hình thù gì, thời Riedl khá trung tính, thời Calisto đá kỹ thuật kiểu Bồ, chưa kể một vài trường hợp lẻ tẻ khác. Bây giờ lại về tay thầy Nhật, Việt Nam liên tục thay đổi triết lý bóng đá và lối chơi, tiến bộ được mới lạ. Có thể cách của ông A hay ông B này hợp với Việt Nam đấy, nhưng chúng ta không có cơ hội kiểm chứng bởi hụt cái HCV SEA Games là... dễ ra đường.
Một người học võ cần nội công căn bản, cơ thể khỏe mạnh trước rồi mới học chiêu thức. Việt Nam hơn 20 năm qua vẫn mầy mò đi học chiêu thức trong lúc sức mạnh nội tại gần như đứng yên, hoặc tiến rất chậm. Vậy giữ hay không giữ Miura? Theo tôi là nên giữ, nhưng quan trọng hơn là cần luôn 1 giám đốc kỹ thuật thật giỏi để hoạch định những chiến lược dài hơi và định hình một phong cách. Không thể cứ mỗi giải lại thấy 1 đội tuyển khác nhau như vậy được.
Và để tính đến chiến lược dài hơi, điều tiên quyết là bỏ ra khỏi đầu những vấn vương về AFF Cup hay SEA Games! Bởi "giấc mơ con đè chết cuộc đời con".