Cậu cử nhúng chàm
Trong 9 cầu thủ V.Ninh Bình tham gia vào vụ cá độ, Phan Anh Tuấn là người có học vấn cao nhất. Trước khi bước vào cuộc phiêu lưu ở V.Ninh Bình, cầu thủ người Phủ Lý (Hà Nam) này đã kịp tốt nghiệp cử nhân bóng đá, Đại học TDTT Từ Sơn.
Cho nên, việc Phan Anh Tuấn gác lại tất cả, cất tấm bằng cử nhân vào tủ để dấn thân với nghiệp quần đùi áo số, kể cũng là chuyện thuộc loại độc đáo trong giới cầu thủ Việt Nam.
Với xuất phát điểm đặc biệt, Phan Anh Tuấn từng được coi là “hàng độc” của HLV Nguyễn Văn Sỹ. Bởi Tuấn được HLV người Nam Định này “nhặt” về V.Ninh Bình, sau khi chứng kiến cầu thủ người Hà Nam này thể hiện trên các sân phủi của đất Nam Định.
Phan Anh Tuấn lặng lẽ tìm chỗ đứng trong màu áo đội bóng đất cố đô. Và thực tế, sau hơn 1 mùa gia nhập V.Ninh Bình và được HLV Nguyễn Văn Sỹ gọt giũa, chàng cử nhân bóng đá này đã tạo dựng một vị trí nhất định.
Anh Tuấn (áo cam) khi thi đấu cho V.Ninh Bình
Phan Anh Tuấn cũng là viên ngọc thô, dần được đánh bóng, chẳng khác gì trường hợp trung vệ Nguyễn Gia Từ được Nguyễn Văn Sỹ nhặt về từ đội hạng Ba Hà Tĩnh và chóng vánh nhận vé lên tuyển Việt Nam.
Lẽ ra cuộc phiêu lưu với niềm đam mê của Phan Anh Tuấn có thể kết trái một khi không có phút yếu mềm trên đất Mã. Trớ trêu ở chỗ, cậu cử đá bóng này vốn “dính” nhẹ nhất lại nếm trải cảm giác nghiệt ngã của việc mất tự do, chẳng khác gì những nhân vật chủ chốt là Trần Mạnh Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng.
Phan Anh Tuấn không tham gia họp bàn bán độ, chỉ nhận lời “động viên” của Trần Mạnh Dũng khi sắp vào sân từ ghế dự bị: “Vào sân cố gắng ghi nhiều bàn thắng nhé!”. Tuy nhiên, sau khi về Việt Nam, Phan Anh Tuấn đã không thoát được khỏi sự cám dỗ, nhận 75 triệu đồng mà Trần Mạnh Dũng chia cho đồng đội sau vụ thắng độ.
“Bị cáo không họp bàn làm độ, nhưng đã nhận đủ 75 triệu đồng được Trần Mạnh Dũng chia cho. Bị cáo biết đấy là tiền thắng độ mà có và lúc này, bị cáo vô cùng ân hận vì không làm chủ được mình trước cám dỗ”, Phan Anh Tuấn thốt lên trước phiên tòa.
Cũng may cho Phan Anh Tuấn, mức án mà cậu cử nhân bóng đá này phải nhận là thấp nhất trong 10 bị cáo. Chỉ nghiệt ngã ở chỗ, Phan Anh Tuấn từng phờ phạc vì những ngày bị tạm giam và then chốt nhất, cuộc phiêu lưu với niềm đam mê đành dang dở theo cách chua chát nhất.
Nỗi đau của cô vợ trẻ
Khi Nguyễn Gia Từ bị phát hiện nằm trong nhóm 9 cầu thủ nhúng chàm, rất nhiều người, trong đó có cả HLV Nguyễn Văn Sỹ, đã bị sốc. Sốc ở chỗ, một cầu thủ vốn trầm tư, sống kín và có tiếng là ngoan nhất đội lại dính vào chuyện động trời.
Gia Từ không một lần quay lại nhìn người bạn đời Như Quỳnh (áo sọc) trong suốt phiên tòa (Ảnh: VSI)
Đối với HLV Nguyễn Văn Sỹ, việc Gia Từ nhúng chàm còn nặng nề hơn cả những đứa em, đứa cháu được ông đưa từ Nam Định về V.Ninh Bình, bởi trung vệ người Hà Tĩnh vốn dĩ được một tay ông gọt giũa từ viên đá thô. Vậy mà Từ lại qua mặt người thầy đã góp công đưa trung vệ này lên thành “sao”.
Ở V.Ninh Bình, Gia Từ có tiếng là lành. Hồi mới từ đội hạng Ba Hà Tĩnh ra V.Ninh Bình, Từ chắt chiu từng đồng lương, đồng thưởng gửi về gia đình. Những ánh đèn xanh đỏ, nhậu nhẹt gần như không có bóng của trung vệ này.
HLV Nguyễn Văn Sỹ quý Gia Từ như con trai, dồn hết công sức gọt giũa, nâng đỡ. Thế nên, từ một cầu thủ hạng Ba với đồng lương chưa đầy 3 triệu đồng/ tháng, Từ bật vọt lên tuyển Việt Nam chỉ sau nửa mùa đá chính ở V.Ninh Bình. Tất nhiên, lương thưởng của Từ ở V.Ninh Bình cũng được bầu Trường điều chỉnh, sau những nỗ lực không ngừng.
Tại sao Gia Từ lại đổi thay nhúng chàm và phụ thầy? Giống như 9 cầu thủ nhúng chàm, Từ ân hận và chỉ trực tuôn nước mắt khi đứng trước vành móng ngựa. Suốt phiên tòa, Từ cúi gằm mặt, chịu trận.
Không giống như nhiều đồng đội cùng ngồi trên hàng ghế bị cáo, Từ không một lần quay lại phía sau, nơi có cô vợ trẻ đang thắt từng khúc ruột và những khán giả tò mò, dò xét những người hùng một thời khi sa cơ.
“Bố con đã mất, chỉ còn mẹ già và đang bệnh tật. Vì vậy, con chỉ mong tòa cho con được sớm trở lại cuộc sống đời thường”, Gia Từ đau đớn nói lời cuối trước tòa. Từ cuối cùng cũng được tòa ban ân huệ, cho hưởng án treo. Dẫu vậy, giống như nhiều đồng đội khác, cái ngày về thật sự của Từ còn xa lắm, nhất là khi Từ vẫn bị “cách ly” với bóng đá.
Cũng vì thế, trong khi Từ chìm vào trong nỗi ân hận, cô vợ trẻ Như Quỳnh của trung vệ này thổn thức: “Anh Từ nhà em còn cơ hội quay lại với bóng đá không ạ?”. Cuộc sống của Từ và Như Quỳnh, giờ trông hết vào tiệm tóc mới mở ở Hà Đông, thay vì được tung hoành trên sân cỏ như thuở nào.