Từ chuyện Văn Quyến đến... Công Phượng
TỪ CHUYỆN BỎ LỌT TÀI NĂNG…
Tại sao lò SLNA để lọt Công Phượng? Đấy là câu hỏi rất cũ mà người ta dành cho lò SLNA, vốn nổi tiếng trong việc phát hiện tài năng sau lũy tre làng, bên những triền đê… mà Văn Quyến, cậu bé chăn trâu ngày nào ở huyện Hưng Nguyên là ví dụ điển hình.
Chúng tôi đem chuyện Công Phượng hỏi ông Nguyễn Hồng Thanh – Chủ tịch CLB SLNA, ông chỉ cười: “Đi kiếm tài năng, thấy tài năng mà không lấy mới là lạ. Hồi đó Phượng 11 tuổi, nhỏ thó, không đủ cân nên bị đánh trượt. Nhưng với các chuyên gia JMG, Phượng lại là một tài năng theo cách nhìn của họ. Cũng may, Phượng lên đó và có chế độ dinh dưỡng đặc biệt nên phát triển thể hình tốt, còn ở SLNA, chẳng biết cậu ấy có cao nổi 1m6 không?”
Cũng theo ông Thanh, chuyện tuyển sinh, bỏ sót nhân tài không có gì là lạ. Đang nói, bỗng ông nhắc đến thủ môn Thế Anh. Theo ông, cựu thủ môn ĐTQG (hiện chơi cho XSKT.CT) cũng giống Công Phượng. Các tuyển trạch viên SLNA đã bỏ lọt tài năng này bởi khi đó Thế Anh đá tiền đạo. Khi xin qua QK4, Thế Anh lại chơi rất hay ở vị trí thủ môn, rồi sau đó mới về thi đấu cho SLNA.
Thế Anh hay Công Phượng đều là người xứ Nghệ và bị lọt khỏi lò SLNA. Nhưng với những lý do như đã nói ở trên thì chuyện SLNA bỏ lọt tài năng là điều có thể hiểu được.
ĐẾN CHUYỆN VĂN QUYẾN - CÔNG PHƯỢNG
Nhìn Công Phượng hiện tại nhiều người đã liên tưởng đến Văn Quyến. Họ đến với bóng đá giống như những câu chuyện cổ tích, đều có tài năng thiên bẩm, đã và đang là những số 10 khiến biết bao con tim lạc nhịp ở độ tuổi đôi mươi…
Dưới con mắt của mình, ông Thanh cho rằng: “Quyến và Phượng hội đủ các phẩm chất kỹ thuật và kỹ năng ghi bàn. Đặc biệt, cả hai đều hơi “tham lam”, cứ có bóng là muốn đột phá và ghi bàn nhưng tiền đạo là phải vậy. Khó có thể so sánh ai hơn ai vì mỗi người có thế mạnh và cũng có những hạn chế riêng. Với Phượng, hạn chế hiện tại của cậu ấy chính là kinh nghiệm thi đấu. Đá tiền đạo, anh cần phải làm cho đối phương chẳng biết đường nào mà lần, vì thế phải biết lúc nào đột phá, lúc nào nên phối hợp với đồng đội. Ở điểm này, tôi thấy Quyến hơn Phượng bởi cậu ấy có đầy đủ kỹ năng để qua mặt hậu vệ đối phương. Quyến ma lanh lắm, chẳng hạn cậu ta chủ động cầm bóng đi vào khu cấm địa để ăn phạt đền, hay những cú cài người, đi bóng rồi ra đòn rất lẹ, khiến thủ môn rất khó phán đoán. Phượng tuy có kỹ thuật tuyệt vời, có dáng dấp thủ lĩnh nhưng cần có thêm thời gian trau dồi và nếu được nuôi dưỡng tốt, cậu ta sẽ là một cầu thủ xuất sắc”.
Vâng, giữa Quyến và Phượng có những điểm tương đồng và có cả những dị biệt nhưng họ đều là “của hiếm” trong bóng đá. Bây giờ đang là thời của Phượng và anh đang đi trên con đường mà đàn anh Văn Quyến đã qua. Ở tuổi đôi mươi, Phượng có danh tiếng, tiền bạc đã bắt đầu đến và cũng có những bóng hồng vây quanh… Cũng mong rằng, Phượng sẽ nhìn vào Quyến, để không giẫm vào “vết xe đổ” của “thần tượng” bóng đá Việt Nam một thời!
“Đừng so sánh trong bóng đá”
Trước những lời so sánh mình với Văn Quyến, tiền đạo Công Phượng cho biết: “Mọi người đều có quyền bàn luận nhưng đừng so sánh người này với người kia, bởi trong bóng đá chẳng ai giống ai cả. Tôi và anh Quyến là hai thế hệ khác nhau và tôi rất tôn trọng anh ấy”.