* Cần hiểu về bóng đá chuyên nghiệp
Bóng đá Việt Nam trong thời gian dài ở trong tình trạng bao cấp, sống dựa vào ngân sách nhà nước. Ở địa phương nào lãnh đạo ủng hộ thì được đầu tư tốt, kèm theo đó, áp lực duy trì đội bóng ở hạng cao cũng nặng nề và liên quan trực tiếp đến cái ghế của lãnh đạo cấp Sở. Từ đó nảy sinh các tiêu cực thời bao cấp, và điều này đã được báo chí nói nhiều. Từ khi chuyển đổi sang bóng đá chuyên nghiệp, tiêu cực thì chưa bớt mà còn có chiều hướng “phức tạp” hơn, chỉ có thu nhập của những người liên quan là cao hơn. Vấn đề là chúng ta chưa có bóng đá chuyên nghiệp, ngay cả ở thời điểm hiện tại.
Bóng đá chuyên nghiệp là gì? Theo tôi, đó là khi mà không có nguồn ngân sách của nhà nước cũng như người trong biên chế nhà nước tham gia vào các hoạt động của nền bóng đá. Ví dụ như ngân sách để các đội bóng tham dự giải quốc gia ( ở các hạng được coi là chuyên nghiệp) là phải tự túc, các đội tuyển từ nhỏ tới U23, tuyển quốc gia sử dụng nguồn tài chính từ Liên đoàn bóng đá và tuyệt đối không có tiền từ ngân sách địa phương, hay Bộ chủ quản như hiện nay. Ngoài ra, nhân sự điều hành, cầu thủ… cũng là người không nằm trong biên chế nhà nước, vì nếu không họ vẫn chịu sự điều hành của cơ quan chủ quản và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Tại sao phải thế? Bởi vì đã là chuyên nghiệp thì phải tự đứng bằng đôi chân của mình, tránh chuyện ngân sách nhà nước, vốn dành phục vụ cộng đồng, được dùng rốt cuộc trên thực tế chỉ để phục vụ mục đích trụ hạng, giữ ghế, phục vụ lợi ích cho một số người nào đó. Nguyên nhân tiếp theo là chỉ có như thế thì mới thực sự chuyên nghiệp, tránh được tiêu cực. Một trong những hình thức đó là ở nhiều nơi, do không có ngân sách chi cho đội bóng, lãnh đạo địa phương đã chấp thuận phương án là đổi ưu đãi lấy sự đầu tư. Một doanh nghiệp nào đó, nhận lời tài trợ cho đội bóng với mức đầu tư đủ để địa phương không phải chi ngân sách sẽ được nhận ưu đãi như cấp đất, cho thuê đất với giá rẻ hay những chế độ ưu tiên khác. Điều này cũng chẳng khác gì mang tài sản công đầu tư cho đội bóng, mà còn dở hơn ở chỗ phần lớn những đầu tư như thế thì nguồn lợi lớn sẽ chảy vào túi doanh nghiệp, còn nhân dân địa phương đó sẽ chẳng được gì ngoài việc họ có một đội bóng được tài trợ và thi đấu. Nên biết rằng không phải tất cả mọi người dân đều hâm mộ bóng đá, và hơn nữa, bóng đá không phải là tất cả trong cuộc sống của chúng ta, đặc biệt là những người nghèo, hàng ngày phải bươn trải kiếm sống.
* Chúng ta có thể làm gì để cải tổ nền bóng đá?
Những ngày qua đọc nhiều bình luận, tôi biết rất nhiều người có ý kiến đề xuất lãnh đạo ngành kỷ luật, sa thải lãnh đạo VFF, và cũng có nhiều ý kiến nhắc nhở là nếu làm thế thì sai luật FIFA và bóng đá Việt Nam sẽ chịu hậu quả. Vậy chẳng lẽ chúng ta không làm gì được? Theo tôi thì có, và khá nhiều.
Thứ nhất, tôi mong lãnh đạo nhà nước sẽ chỉ đạo để bóng đá phải thật sự chuyên nghiệp như đã tự nhận và tự hoạt động lâu nay. Đó là tất cả các thể chế của bóng đá, từ các đội bóng chuyên nghiệp đến VFF đều phải được coi là các công ty kinh doanh và phải làm nghĩa vụ tài chính như mọi công ty khác, phải bình đẳng trước pháp luật. Sau đó là không chi ngân sách nhà nước vào lĩnh vực bóng đá, tiền đó có thể để phát triển các hoạt động thể thao quần chúng, hoặc giúp người nghèo bởi bóng đá chuyên nghiệp thực sự sẽ tự hái ra tiền. Không thể có chuyện lĩnh vực giàu nhất của thể thao còn dùng ngân sách nhà nước nữa, không thể có chuyện lương HLV sẽ do nhà nước hỗ trợ một phần và giảm, miễn thuế để bớt chi phí cho VFF. Nếu phải bồi thường cho HLV của đội tuyển quốc gia thì Liên đoàn lấy tiền quỹ ra đền. Nhà nước không can thiệp vào VFF như quy định của FIFA, nhưng hoàn toàn có quyền kiểm soát, kiểm toán để đảm bảo VFF cũng như các đội bóng thực thi đầy đủ nghĩa vụ pháp luật như mọi tổ chức khác.
Thứ hai, tôi mong các lãnh đạo địa phương sẽ có quan điểm như vậy, thể hiện ở chỗ, không coi kết quả, vị trí của đội bóng địa phương là tiêu chí đánh giá hoạt động của ngành thể thao địa phương nữa. Từ đó dẫn đến việc các đội bóng và doanh nghiệp tài trợ, hoặc sở hữu đội bóng sẽ không được ưu đãi về việc thuê, cấp đất hoặc được hưởng những chính sách ưu đãi khác của địa phương. Nếu ai thực sự có ham mê bóng đá, muốn làm ông bầu thì họ phải bỏ tiền túi, hoặc từ tiền doanh nghiệp để mua, thuê mặt bằng làm cơ sở tập luyện cho đội bóng. Sân thi đấu cũng vậy, nếu chưa có thì thuê sân của địa phương. Tóm lại như ở các nền bóng đá chuyên nghiệp khác.
Điều đó đảm bảo cho ngân sách địa phương không bị lãng phí, không có chuyện doanh nghiệp nhảy vào bóng đá chỉ để kiếm ưu đãi, đội bóng và địa phương cũng không phải lo họ sẽ sát cánh với đội bóng đến bao giờ vì khi đó họ sẽ là người thiệt nhất nếu bỏ dở. Ví dụ như ở Italia, ông Berlusconi luôn phải bù lỗ cho AC Milan nhưng ông được rất nhiều cái lợi khác về kinh tế, chính trị ( ở ta bầu Đức cũng từng nói là làm bóng đá thì lỗ, nhưng được nhiều cái lợi khác), nhưng điều quan trọng là thành phố Milan chẳng phải ưu đãi gì cho các doanh nghiệp của Berlusconi cả. Làm như vậy cũng có cái lợi là không có chuyện nhập tịch cầu thủ bừa bãi nữa. Không có bằng chứng nhưng tôi cũng tin rằng nhiều cầu thủ nước ngoài nhập tịch được có sự can thiệp nào đó vì nhiều người trong số họ không biết tiếng Việt, điều kiện cơ bản để được nhập tịch. Cứ nhìn cảnh họ, những cầu thủ nhập tịch, trả lời phỏng vấn bằng tiếng nước ngoài thì biết, hay như Đinh Hoàng La, ký vào 2 bản hợp đồng bằng tiếng Anh và Việt với Ninh Nình. Làm sao có thể chấp nhận một người có quốc tịch VN giải thích là tôi không biết tiếng Việt? Làm sao có thể chấp nhận người VN ký hợp đồng với một chủ thể của VN bằng tiếng Anh?
Thứ ba, tôi mong lãnh đạo ngành thể thao cũng như ngành khác có người tham gia vào VFF sẽ rút nhân viên của mình về. Lâu nay các lãnh đạo của VFF luôn viện cớ thực hiện theo quy định của FIFA để tránh sự can thiệp (thực chất hình như là để tránh sự phê phán của dư luận, tránh phải giải trình, báo cáo…?!) thì hãy để VFF đúng thực chất là tổ chức xã hội, chỉ có những người không ăn lương nhà nước mới tham gia vào các khâu điều hành, quản lý. Tôi nói như vậy vì lĩnh vực trọng tài khó có trọng tài chuyên nghiệp, vẫn có thể sử dụng những trọng tài có nghề khác như ở nước ngoài, nhưng những người phụ trách, phân công họ thì phải ngoài biên chế nhà nước. Điều đó có nghĩa là những lãnh đạo của VFF, trước mỗi sự việc, họ sẽ phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước dư luận, người hâm mộ và họ sẽ không có chỗ dựa nào trong hệ thống chính quyền, quản lý và phải làm việc tốt để giữ chỗ cho chính mình. Chẳng hạn như hiện nay, trong các vị lãnh đạo VFF thì chỉ ông Hỷ, ông Viễn đã về hưu, ông Dũng, là doanh nghiệp (theo tôi biết) là có thể ở lại theo tiêu chí này, còn những người như ông Trung, Tuấn, Khôi đều có thể bị rút về cơ sở chủ quản, không cần có quyết định cách chức gì cả. Nếu họ muốn ra khỏi biên chế để ở lại VFF thì tùy họ. Các vị trong ban chấp hành VFF, những ai nằm trong biên chế nhà nước cũng sẽ phải thôi tham gia.
Về phần VFF, họ cũng phải thể hiện trách nhiệm ở khâu quản lý các đội bóng, cầu thủ. Tất cả các bản hợp đồng đều phải có bản sao nộp cho VFF, kể cả với cầu thủ trẻ, và bản hợp đồng nộp cho VFF sẽ là cơ sở để phân xử tranh cãi. VFF cũng phải có trách nhiệm kiểm tra và phát hiện những điều bất hợp lý trong các bản hợp đồng, không thể có chuyện cầu thủ còn ít tuổi, hoặc kém hiểu biết ký vào những bản hợp đồng có thời hạn không xác định, như báo chí nói là hợp đồng đến tận năm…3000 được. Tên của các đội bóng cũng không thể mỗi năm đổi một lần theo tên nhà tài trợ, như thế thì còn gì là bản sắc, là màu cờ sắc áo nữa? Hãy nhìn các nền bóng đá phát triển, họ đâu có thay đổi tên xoành xoạch như các đội bóng của ta.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi, tôi cũng tin rằng nếu thực sự muốn bóng đá VN phát triển là không khó vì khán giả VN rất hâm mộ lại bao dung nữa. Người hâm mộ sẽ dễ dàng chấp nhận những gì yếu kém thuộc về khả năng nhưng tận tâm, trung thực. Có ý kiến cho rằng chúng ta không thể chuyển sang chuyên nghiệp như các nền bóng đá phát triển ngay được nhưng tôi tin rằng chúng ta làm được và chỉ có cách đó, khi mà người hâm mộ thực sự là đối tượng hướng tới thì nền bóng đá mới phát triển. Khi đó các nhà đầu tư, ông bầu hiểu rằng quyền lợi của họ gắn chặt với sự hài lòng của khán giả. Khi đó doanh thu chính của đội bóng sẽ từ những hoạt động liên quan đến bóng đá mà thôi: bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình, tài trợ.
Trong trường hợp này, việc tài trợ đương nhiên là dựa trên hình ảnh tích cực, nghĩa là giá trị thương mại của đội bóng chứ không phải đội bóng như “một con tin” cho ông bầu kiếm tiền của địa phương. Khi đó các ông chủ của đội bóng bắt buộc phải nghĩ đến chuyện màu cờ sắc áo, bản sắc để có nhiều cổ động viên, họ sẽ bắt buộc phải cân đối giữa việc có nhiều ngôi sao ngoại quốc và có những “gà nhà” trên sân để hấp dẫn khán giả. Như chúng ta đã thấy, các đội bóng hàng đầu châu Âu, dù chi rất nhiều tiền và luôn mua các ngôi sao, nhưng họ vẫn phải phát triển hệ thống trẻ của mình. Dù mục đích cuối cùng của họ là gì: kinh tế, tạo hình ảnh, chính trị thì đội bóng cũng phải thi đấu trung thực và tài chính minh bạch thì họ mới đạt được mục đích. Cầu thủ cũng sẽ nhận thấy khán giả chính là người trả lương cho họ thông qua các ông chủ. Có thể trong giai đoạn đầu sẽ có khó khăn vì một số doanh nghiệp thấy không có lợi sẽ bỏ tài trợ, số đội bóng thực sự chuyên nghiệp không nhiều… nhưng tôi tin rằng cũng như các nước khác, khi nền bóng đá thực sự lành mạnh thì nó sẽ phát triển tốt.
Còn như hiện nay, các đội bóng dựa vào sự đầu tư của doanh nghiệp, doanh nghiệp lại đầu tư dựa vào nguồn lợi họ sẽ có được không từ bóng đá thì sản phẩm cuối cùng mà chúng ta có là những gì đã xảy ra 11 năm qua. Người hâm mộ không được tôn trọng cả ở trên khán đài, cả khi xảy ra các sự việc lớn của nền bóng đá nước nhà như hiện nay. Tôi biết nhiều người có ý định tẩy chay bóng đá VN, tôi cũng có ý nghĩ đó, nhưng nghĩ lại như vậy thì thiệt thòi và bất công cho các cầu thủ, HLV và những người trung thực trong nền bóng đá. Chúng ta có thể kêu gọi lãnh đạo thông qua các hội cổ động viên và đề xuất biện pháp giải quyết. Tôi cũng tin rằng sẽ có nhiều ý kiến đóng góp hay, thực tế hơn ý kiến của tôi từ những người hâm mộ thực sự, từ chính những người trong cuộc tâm huyết với nghề.
Trần Đức Anh
Thethaovanhoa.vn