18 SUẤT DỰ TRANH & 2 CHIẾN TÍCH HẠNG 4 OLYMPIC
Với sự kiện quan trọng nhất là Olympic London, thể thao Việt Nam đã thực sự có một bước đột phá mới, chỉ tiếc rằng nó đã không trọn vẹn khi thiếu mất thành quả “kết đọng” nhất: một tấm huy chương.
Lần đầu tiên sau 8 kỳ tái hội nhập đấu trường đỉnh cao này, Việt Nam đã có tới 18 đại diện của 11 môn tham dự với tư cách vượt qua vòng loại hay đạt chuẩn và điểm tích lũy. Còn nhớ 4 năm trước, con số này chỉ mới khiêm tốn gồm vỏn vẹn 7 người ở đúng 4 môn, mà cũng đã được coi là thành công.
Đây cũng là lần đầu, chúng ta có tới 2 thành tích đoạt hạng 4, ở mức áp sát với vị trí xếp trên. Trong đó, đô cử Trần Lê Quốc Toàn đã để vuột huy chương hạng 56kg một cách đáng tiếc nhất. Bởi xét về chuyên môn, thực lực, anh là tuyển thủ duy nhất tiếp cận được nhóm hàng đầu thế giới, và thực tế đã có thể giành được huy chương nếu như không mắc lỗi sơ đẳng khởi động, cũng như có tính toán chiến thuật hợp lý ở vài thời điểm quyết định.
Từ một xuất phát điểm rất thấp của bắn súng Việt Nam, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh suýt làm nên được điều thần kỳ khi chỉ cách tấm HCĐ đúng 0,1 điểm ở nội dung súng ngắn tự chọn vốn không phải là sở trường. Ngoài ra, cũng có thể kể đến 2 kết quả hạng 9 của chính Xuân Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi cùng Hà Thanh với đơn môn nhảy chống.
Xét ở mặt nào đó, rõ ràng thể thao Việt Nam đã có một bước tiến mới, tương đối toàn diện từ nền tảng, dù rằng việc không đoạt được nổi tấm huy chương nào đã bộc lộ hạn chế lớn trong cách thức chuẩn bị, tranh tài cho Olympic, thiếu hẳn “mục tiêu và giải pháp đảm bảo” như lãnh đạo ngành thẳng thắn thừa nhận.
3 MÔN KHÓ NHẤT VƯỢT “ĐỈNH” CHÂU Á
Xu hướng “tạo nền” tại Olympic đã tiếp tục được khẳng định, với tầm mức cao hơn hẳn khi thể thao Việt Nam đã lần đầu vươn tới đỉnh cao châu lục ở 3 môn thuộc diện cơ bản và khó nhất, mà trước đó chỉ việc lọt vào Top 8 cũng đã phải... mơ, gồm thể dục dụng cụ, bắn súng và nhất là bơi.
Bộ đôi cùng tên Phan Thị Hà Thanh và Nguyễn Hà Thanh đã mang về cho TDDC một bộ huy chương đủ màu tại giải VĐCÁ, với ngôi đầu thuyết phục thuộc về nữ tuyển thủ đất Cảng.
Chưa phải là Vàng, song chiến tích đoạt 1 HCB, 1 HCĐ của kình ngư 16 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên thậm chí còn được đánh giá cao nhất, đơn giản vì nó đã giải cơn khát huy chương châu lục của bơi Việt Nam đằng đẵng nửa thế kỷ. Nhiều chuyên gia quốc tế đã bày tỏ sự kinh ngạc vì không tin Việt Nam lại có thể sản sinh ra một “hiện tượng đáng chờ đợi nhất” của làng bơi châu lục như Ánh Viên.
Khi năm cũ gần khép lại, đến lượt bắn súng ghi tên mình vào bảng Vàng tại giải châu lục, do công của gương mặt quen thuộc Hoàng Xuân Vinh bằng một bài bắn chung kết gần như hoàn hảo ở nội dung 10m súng hơi nam.
Chưa bao giờ, thể thao Việt Nam lại có một cuộc hội ngộ trên “đỉnh” châu lục theo kiểu đồng loạt như lần này. Nó không còn là chuyện cá biệt hay xuất thần mà đã chứng tỏ thành quả của cả một quá trình đầu tư lâu dài, bền bỉ theo đúng mô hình “mũi nhọn trọng điểm”.
TẠO ĐÀ CHO TƯƠNG LAI
Xét ở mặt nào đó, 2012 chính là năm mà ngành thể thao đã có những “thu hoạch” giá trị cho phát triển, đặc biệt về mặt nhận thức.
“Thất bại” ở Olympic đã giúp những người làm thể thao biết mình đang ở đâu giữa “biển lớn”, thiếu cái gì và cần phải làm như thế nào để có thể vượt lên. Việc hàng loạt môn bắt đầu tiếp cận với mặt bằng chung thế giới, cùng những chiến thắng đáng kể của thể dục dụng cụ, bơi, bắn súng tại đấu trường châu lục cũng minh chứng rằng, thể thao Việt Nam bắt đầu chuyển đúng hướng, chỉ có điều chưa đủ tầm mức để tạo ra một vượt ngưỡng mới.
Cùng với quyết tâm đổi mới, thể thao Việt Nam bước vào năm mới với những thuận lợi căn bản cho phát triển. Đặc biệt nhất, từ cú “hích” giành quyền đăng cai Á vận hội 2019, dự kiến Chính phủ sẽ phê duyệt một “Chương trình Mục tiêu Quốc gia thể thao”, đầu tư cho hàng loạt môn thế mạnh một cách toàn diện, với nguồn kinh phí riêng, có thể tăng gấp hiện tại cả chục lần. Rất nhiều dự án mới, rất căn cơ như: giám định khoa học VĐV, chế độ khen thưởng thành tích đột xuất... cũng sẽ được khai triển.
Cơ hội và điều kiện mới, song cũng đồng nghĩa với thách thức lớn đặt ra, mà ngành thể thao phải có sự sẵn sàng cao nhất cho một cuộc tăng tốc quyết định. Trong đó, vấn đề nhân lực, nhất là chất lượng của đội ngũ HLV sẽ là một bài toán khó được đặt ra.
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC TDTT VƯƠNG BÍCH THẮNG:
"Xây dựng bằng được 3-5 môn mũi nhọn tập trung"
Mục tiêu chung của thể thao Việt Nam vẫn là giữ vững vị trí nhóm dẫn đầu tại SEA Games, và với những môn có thế mạnh, phải cố gắng vươn lên tầm châu Á và Olympic. Trong đó, việc đầu tư cho Olympic hay ASIAD sẽ khác hẳn với SEA Games.
Ngành thể thao sẽ có sự phân định và giải pháp theo hướng chuyên biệt. Điều quan trọng là phải chọn ra được những nội dung có khả năng, triển vọng để hình thành nên 3-5 môn mũi nhọn tập trung, gánh vác việc giành huy chương Olympic mà chắc chắn không ngoài những cử tạ, bắn súng, TDDC, hay taekwondo, vật nữ. Rồi thêm khoảng 10 môn nữa, ở mức độ thấp hơn cho ASIAD.
Riêng năm 2013, ngoài mục đích bảo vệ thành công một vị trí trong Top 3 toàn đoàn tại SEA Games 27 mà tôi tin chúng ta sẽ hoàn thành tốt, ngành thể thao sẽ triển khai đồng thời cả việc chuẩn bị cho ASIAD 2014, và xa hơn Olympic 2016, tất nhiên với sự chuyên biệt rõ rệt.
KỲ THỦ “NHÍ” ANH KHÔI
Vô địch của các nhà vô địch
Đây là sự ví von đầy thích thú mà danh thủ xuất sắc nhất mọi thời đại – Vua cờ Gary Kasparov đã dành cho gương mặt lạ đến từ Việt Nam, người vừa giành HCV lứa tuổi U-10, tại lễ trao thưởng giải trẻ VĐTG 2012. Nó xuất phát từ kỳ tích độc nhất vô nhị của Anh Khôi với tư cách người duy nhất trong số hơn 1.500 kỳ thủ của 52 đoàn tranh tài tại giải giành 11 ván thắng tuyệt đối. Ngoài kết quả toàn thắng, trong tất cả các nội dung của giải, cũng chỉ Anh Khôi lên ngôi thuyết phục đến vậy, với 2 điểm nhiều hơn đối thủ đứng thứ 2 – một cách biệt cực hiếm với một giải đấu theo thể thức 11 ván.