Thành Lương và Văn Quyến cùng tìm được bến đõ mới: Một là "bom tấn" một như ở nhờ
ĐỈNH CAO VÀ VỰC SÂU
Thành Lương được cho là đã đạt được thỏa thuận chuyển sang đối thủ cùng thành phố Hà Nội T&T với mức phí lót tay chừng 5-6 tỷ đồng/3 năm sau khi CLB Bóng đá Hà Nội không thể đăng ký tham dự mùa giải tới.
Khoản tiền ấy không nhỏ đặt trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay nhưng vẫn được xem là rẻ để sở hữu một cầu thủ sở hữu 2 danh hiệu “Quả bóng Vàng” Việt Nam như tiền vệ nhỏ con gốc Hà Tây. Bởi nếu ngược thời gian trở lại chừng 2, 3 năm trước, số tiền 5-6 tỷ chỉ đủ để mua cái chân phải không phải là chân thuận và sẽ cần khoảng gấp rưỡi số đó để sở hữu nốt cái chân trái rất “dị” của Thành Lương.
Tài năng của Lương đi kèm với sự thèm muốn dành cho anh nên kể cả khi hầu hết các đồng đội của Thành Lương (trong đó có Công Vinh) vẫn chưa tìm được bến đỗ mới và bất chấp cuộc khủng hoảng đang phủ bóng lên tất cả các CLB, tiền vệ gốc Hà Tây là một trong số ít cái tên không quá lo lắng về tương lai của mình khi luôn thường trực cả nửa tá đội bóng chờ đợi để có được chữ ký của anh.
Trong khi Thành Lương gia nhập Hà Nội T&T bằng bản hợp đồng nhiều khả năng sẽ là đình đám nhất trước thềm mùa giải 2013, Văn Quyến không cờ không trống chuyển tới Ninh Bình. Trước đó, Quyến bị SLNA thanh lý hợp đồng bằng khoản đền bù vỏn vẹn 2 tháng lương (khoảng 60 triệu) rồi sau đấy anh đã liên hệ với khá nhiều đội bóng để tìm kiếm bến đỗ mới trong sự nghiệp nhưng bất thành.
Phạm Văn Quyết
Từ Sài Gòn Xuân Thành năm ngoái mượn Văn Quyến nửa mùa để PR là chính, đến Đồng Nai vừa giành được suất V.League nhờ Trẻ Hà Nội T&T không thể lên hạng đá cùng giải với đội lớn, đến người thầy cũ Nguyễn Văn Thịnh từng dìu dắt Văn Quyến từ thưở U.16 làm nên cơn địa chấn trước Trung Quốc năm 2000..., tiền đạo xứ Nghệ đã gõ cửa khắp nơi để đổi lại những cái lắc đầu từ chối.
Cuối cùng, nhờ bầu Trường của Ninh Bình giang tay nghĩa hiệp, Quyến tìm được việc làm mà tất cả những thủ tục theo thông lệ như phí lót tay, tiền lương đều không được nhắc đến. Sự thật có thể phũ phàng nhưng đúng là đội bóng Cố đô Hoa Lư chỉ coi bản hợp đồng có thời hạn 1 năm với Quyến giống như chuyện làm từ thiện.
BẮT ĐẦU VÀ KẾT THÚC
Văn Quyến và Thành Lương là những cầu thủ nằm trong tốp những người giỏi nhất mà bóng đá Việt Nam sản sinh ra chừng chục năm qua. Hai người họ đều nổi lên từ khi còn rất trẻ.
Với Văn Quyến, chiến tích mà anh xác lập khi mới 16 tuổi tại VCK U.16 châu Á năm 2000 cho đến giờ vẫn được nhắc lại như một vết son của bóng đá Việt Nam. “Cậu bé vàng” từng ghi những bàn thắng quan trọng, 2 lần vào lưới Thái Lan trong cùng một giải đấu SEA Games 2003, từng ghi bàn thắng lịch sử để hạ gục Hàn Quốc trong một trận đấu chính thức (2004).
Và ở thời điểm ấy, Quyến xứng đáng được coi là cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam, là người làm được những điều người khác khó lòng, thậm chí không thể.
Phạm Thành Lương
Thành Lương sinh sau Văn Quyến 4 năm (1988) và ở lần đầu tham dự VCK U.21 Báo Thanh Niên năm 2005, Lương đã giành danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”. Ở độ tuổi 24, tiền vệ người Hà Tây giờ là trụ cột của ĐTVN và sở hữu 2 danh hiệu QBV vào các năm 2009 và 2011.
Khó lòng lấy hiện tại áp đặt vào quá khứ khi Lương đang ở thời kỳ đỉnh cao còn Quyến đã bước sang sườn bên kia của sự nghiệp, nhưng đáng nhẽ Văn Quyến ít ra vẫn phải là một dạng thương hiệu của bóng đá Việt Nam kiểu như Minh Phương đang làm được ở Đà Nẵng.
Nuối tiếc lớn nhất mà người ta dành cho tiền đạo xứ Nghệ nằm ở việc chọn sai con đường. Điều đó không hẳn là thời điểm đen tối cuối năm 2005 khi vụ án bán độ tại SEA Games 23 bị phanh phui khiến Văn Quyến vướng vào vòng lao lý và phải nhận án treo giò.
Quyến đã được trao rất nhiều cơ hội để trở lại, từ việc SLNA tiếp nhận “đứa con hư” năm 2009 khi Quyến mãn hạn treo giò đến việc HLV Calisto vẫn triệu tập Văn Quyến vào thành phần dự tuyển của ĐTVN chuẩn bị cho AFF Cup 2010, nhưng tất cả những cơ hội ấy Quyến đều để tuột ra khỏi tầm với.
Thật ra cũng có thời điểm cái tên Văn Quyến đi kèm theo niềm tin và hy vọng. Đó là mùa giải 2009, khi Quyến quay trở lại với bóng đá đỉnh cao sau 3 năm thụ án treo giò và đã ghi 8 bàn thắng trong màu áo SLNA. Nhưng đấy cũng là những ký ức tốt đẹp cuối cùng mà người ta còn nhớ về “cậu bé vàng”.
Thiếu ý chí phấn đấu, những thú vui không có điểm dừng ngoài sân cỏ, Văn Quyến một lần nữa đánh mất mình. Tiền đạo xứ Nghệ đóng vai “đời thừa” ở SLNA từ đó đến nay và đến ngay cả đội bóng quê hương giờ cũng không còn chỗ cho Quyến.
Có một sự tiếp nối trùng hợp giữa sự nghiệp của Văn Quyến và Thành Lương. Cuối năm 2005, khi Quyến bắt đầu hành trình xuống đáy thì đấy lại là thời điểm Lương lần đầu bước ra ánh sáng.
Cho dù danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U.21 Báo Thanh Niên năm 2005” của Lương “dị” còn lâu mới sánh được với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U16 châu Á năm 2000” của Quyến “béo”, những gì người ta biết về Thành Lương đến lúc này là cái cột mốc vừa nhắc không chỉ đánh dấu sự ra đời của một tài năng mà còn ghi nhận nỗ lực bền bỉ tương ứng là sự thăng tiến của tiền vệ người Hà Tây từ đó đến nay.
Bây giờ, Thành Lương đứng trước một tương lai màu hồng còn Văn Quyến đối diện với cái kết của bóng tối và im lặng, Thành Lương nói câu cảm ơn số phận còn Văn Quyến phải nói lên lời xin lỗi cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Phạm Thành Lương
- Sinh ngày 10/9/1988
- HCB và danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U.21 Báo Thanh Niên 2005
- Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất VN năm 2008
- QBV VN năm 2009, 2011
- Danh hiệu cùng HN.ACB: Cúp QG 2008
- Danh hiệu cùng ĐTQG: Vô địch AFF Cup 2008
Phạm Văn Quyến
- Sinh ngày 29/4/1984
- HCB và danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U.16 năm 1999”
- Hạng Tư và danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK U.16 châu Á 2000”
- Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2000, 2002
- QBV Việt Nam năm 2003
- Danh hiệu cùng SLNA: VĐQG 1999-2000, 2000-2001, 2011; Cúp QG 2002, 2010; Siêu Cúp QG 2000, 2001, 2002, 2011
- Danh hiệu cùng ĐTQG: HCB SEA Games 22 (2003), 23 (2005); Hạng 3 Tiger Cup 2002