Chuyện thật như bịa
Sau lần cập phố núi Pleiku bất thành, những tưởng mối tình giữa cựu trung vệ ĐTQG Vũ Như Thành và đội bóng của bầu Kiên, CLB bóng đá Hà Nội, đã đơm hoa kết trái. Bản thân Như Thành cũng đã khẳng định, anh muốn đứng dậy từ chính cái nơi mà mình từng vấp ngã. Nhưng vào phút cuối, thương vụ đổ bể. Càng bất ngờ hơn khi danh sách đăng ký của V.NB cho mùa giải mới xuất hiện trở lại cái tên Như Thành.
Việc Quang Thanh vẫn được chào đón ở đất Thủ là bởi tài năng được đánh giá cao
và nữa là những cống hiến to lớn của anh trước đây. Ảnh: Quang Nhựt
Cũng na ná thế là trường hợp của Quang Thanh. Hậu vệ đội trưởng ĐTQG này sau khi được lãnh đạo B.BD bật đèn xanh ra đi (với điều khoản đền bù 2 năm còn lại của bản hợp đồng là 6 tỷ đồng-PV), đã ký vào bản hợp đồng mới kỷ lục với Sài Gòn FC: 10 tỷ đồng “lót tay” cho 3 năm cống hiến, trong đó Thanh sẽ nhận trọn 4 tỷ đồng sau khi trừ phí đền bù cho B.BD. Nhưng cú “áp-phe” đã lại bất thành ở phút đấu bù.
Với Văn Trương, tưởng như đã phải ra “đứng đường”, sau phát pháo của bầu Đức muốn thay máu lực lượng cho HA.GL. Trương thậm chí được tự do tìm bến đỗ mới, với thỏa thuận đền bù rất “mềm” cho bản hợp đồng trọn đời đã ký với “Gỗ” trước đó. Bằng các kênh quan hệ khác nhau, cựu hậu vệ ĐTQG cũng đã nỗ lực tìm bến đậu mới, nhưng không còn kịp nữa, khi thời hạn đăng ký danh sách mùa giải 2012 đã hết!
Ngoài các cái tên vừa nhắc ở trên, 2 sự trở về khác là Sỹ Mạnh và Hồng Minh (với bến đỗ cùng là đội bóng quê hương Thanh Hóa) ít ầm ĩ hơn. Lý là bởi Minh đã qua thời đỉnh cao, trong khi đó Sỹ Mạnh dù gắn mác đương kim tuyển thủ, nhưng chỉ là sự lựa chọn thứ yếu trong màu áo Sài Gòn FC (SG.XT trước đây). Mặc dù vậy, các cuộc đào thoát bất thành của hàng loạt những thương hiệu cũng đã gây rất nhiều băn khoăn.
Cuộc sống khắc nghiệt
Không giống như các cuộc đi đêm diễn ra liên miên, kể từ những ngày đầu bóng đá VN lên chuyên, các ngôi sao như Quang Thanh, Văn Trương hay Như Thành đều nhận được sự thống nhất cao của đội bóng chủ quản cho việc tìm môi trường mới. Đấy là một biểu hiện tích cực của thị trường chuyển nhượng vốn tranh sáng tranh tối. Ngoài phí hợp đồng và các điều khoản kèm theo, các cuộc làm việc giữa đôi ba bên đều rất rõ ràng.
Văn Trương gặp bất lợi vì quá cận ngày đăng ký danh sách, buộc phải quay lại phố núi (cùng bảng cam kết toàn tâm toàn ý cống hiến cho HA.GL-PV); trong khi hầu hết các trường hợp còn lại đều không đạt được những thỏa thuận về tài chính, phí “lót tay” cho bản hợp đồng ký mới. Sỹ Mạnh là một điển hình và sau khi vụ việc đổ bể, Mạnh thậm chí đã buông những lời cay đắng. Còn Hồng Minh bị cho là quá già.
Theo thuật lại của người trong cuộc, CLB bóng đá Hà Nội (ở đây là bầu Kiên) không thể đáp ứng những yêu cầu về mặt tài chính của Như Thành. Còn Quang Thanh, dù đã đạt được sự thống nhất các điều khoản, nhưng bản hợp đồng vẫn vô hiệu do thiếu chữ ký của ông chủ của Sài Gòn FC khi đó là ông Lưu Quang Lãm. Chính ông Lãm đã cử GĐĐH Trần Tiến Đại đàm phán với Thanh. Lý do là thiếu tiền. Đỏ chưa chắc đã chín là vì thế!
Kể từ sau cuộc cách mạng mang tên các ông bầu với sự ra đời của VPF, thị trường chuyển nhượng đã bị thu nhỏ quy mô. Lực lượng làm thuê chính của địa hạt bóng đá như cầu thủ (và HLV) đã không còn là nhân vật trung tâm nữa, mà cuộc chơi lúc này càng mang đậm dấu ấn của các ông chủ hơn. Dễ hiểu thôi, vì vật chất quyết định ý thức. Thay đổi nhận thức (trong đầu cầu thủ) là điều không đơn giản, nhưng thời thế, thế thời phải thế.
Tùy Phong
Thethaovanhoa.vn